Hạnh phúc khi được về nhà
Về nhà đi khi yêu thương nào cũng có giới hạn, ngoại trừ tình thâm…
Sáu ngày trước, là những cuộc tìm nhau cuống cuồng, biết khi cơn mơ nào tỉnh giấc là má không còn nữa…
Anh Hai nói về đón má đi Đà Lạt chơi, nào giờ má có đi chơi đâu xa. Anh Hai nói xe đón khoảng 8 giờ sáng mà 3 giờ khuya má đã thức dậy, lui cui nhào bột làm bánh ít trần - món má hay làm cho anh Hai ăn hồi còn nhỏ. Má làm đến hửng sáng thì xong cả mâm bánh. Nhà chị Ngàn còn chưa mở cửa, má bưng dĩa bánh băng ruộng sang đứng ngoài hàng rào gọi Công ơi Công à. Anh Công chị Ngàn là con cháu hàng xóm nhưng má thương như con cái trong nhà. Ở nhà có chuyện gì má cũng nhờ anh Công, từ chuyện bóng đèn hư đến ống thoát nước bị nghẹt, mấy tấm màn bị gió thổi rớt má cũng nhờ “mày leo lên treo lại giùm tao”.
Anh Công mở cửa, mặt mũi tóc tai còn bù xù mà thấy má thì cười thật tươi, đỡ dĩa bánh, khen ngon. Má cười rồi te te trở lại đằng nhà, tắm rửa thay đồ ra võng ngồi đợi. Mới có 7 giờ, má ngồi đưa võng mà bụng dạ bồn chồn, cứ nhìn đồng hồ nghĩ không biết có khi nào thằng Hai về đón má sớm hơn không.
Rồi má lại đi lên đi xuống kiểm tra ống nước, cầu dao điện, cẩn thận xem lại hành lý. Túi xách còn giắt theo cái nón bài thơ Út Ngư mua cho hồi đi chơi Huế, má gói ni-lông cất trong tủ, dịp nào trọng đại mới mang ra đội. Mấy năm rồi má đội cái nón này chỉ vài lần, nhớ đâu là cái hôm đi đám rước dâu con mợ Tư Hân, đi đò dọc 2 giờ trên sông Vàm Cỏ. Rồi cái lần dự lễ tốt nghiệp con bé Thảo - con gái lớn của anh Hai - trên thành phố. Mà hôm đó chụp hình, bé Thảo nằng nặc bảo bà nội đừng đội nón lá, nhìn “kỳ chết”. Tấm hình hai bà cháu ôm hoa chụp má treo trên tường, còn thấy chiếc nón “kỳ chết” nằm chỏng chơ ở ghế đá phía sau.
7 giờ 30 phút, xe dừng ngoài đường lớn, anh Hai gọi, điện thoại má cứ đổ chuông dài. Anh sốt ruột băng mấy đám ruộng vào nhà, gọi má ơi, má ơi không thấy ai trả lời, anh đi thẳng xuống nhà sau thấy má nằm sải dài trên nền nhà tắm còn ướt nước, bất tỉnh.
Những cuộc điện thoại nháo nhào, chị Ngàn lật đật chạy sang, anh Hai bế má chạy ra xe, chiếc xe đi Đà Lạt chạy thẳng vào bệnh viện…
… Nhà chỉ có một mình má, con cháu lễ lạt mới có dịp về chơi. Hồi trước có con Tino, má ăn gì nó ăn đó, má đi qua chùa, nó cũng mon men theo, nằm phủ phục bên ngoài chờ má thắp hương rồi cun cút theo má về nhà. Con Tino má nuôi từ lúc còn bé xíu mập ú cho đến khi nó già nua, bệnh bỏ ăn rồi chết. Má xây cho nó nấm mộ ở mảnh đất sau nhà, coi nó như người. Đến một đứa ồn ào như Út Ngư về nhà nhìn nắm đất khum khum với những nén nhang tàn còn thấy ngậm ngùi.
Lần này, con cháu dâu rể về đầy đủ như Tết, má nói về đông vui vậy mà má không đi chợ, nấu đồ cho ăn được. Má nằm một chỗ, mắt ngân ngấn nước. Út Ngư nắm chặt tay má, không nói cho má biết chỉ cần má mở mắt ra thôi là cả nhà đã vui mừng lắm rồi, ăn uống cần gì. Mấy ngày má nằm thiêm thiếp là mấy ngày cả nhà thổn thức, cuống cuồng.
Nước mắt có rớt xuống bao nhiêu vẫn không đủ để thứ tha.
Chị Mần tất tả ra vô hỏi má thích ăn gì chị nấu, thèm gì chị mua. Má nói má già rồi, đâu thèm gì. Nhìn má nằm trên giường, chân còn yếu không đi đứng được, Út Ngư se se tấm màn đến nhàu nhĩ, nước mắt chảy thắt tim.
Nhiều đêm ở xứ người, Út Ngư nằm khóc rưng rức, thương má nhưng cũng không biết phải làm sao. Ra trường làm việc ở Việt Nam 9 tháng, công ty có đợt tuyển nhân viên cho chi nhánh ở Philippines, lương cao hơn nhưng một năm về Việt Nam được 2 lần. Lịch học và làm việc ở Philippines cũng xoay Út Ngư như chong chóng, chỉ hay chat khuya với chị Mộc. Anh Hai mua cho má cái máy vi tính để liên lạc với Út Ngư. Nhưng má đâu có biết sử dụng. Lúc má nhờ được anh chị Ngàn “lên mạng” thì Út Ngư không có thời gian, nửa đêm online má không còn thức. Nếu chị Mộc không cho hay má ngã phải nhập viện thì Út Ngư cũng chưa về. Ngồi trên chuyến bay đêm về Việt Nam, Út Ngư cứ nhìn trân trối ra màn trời đêm, nước mắt trào ra.
Sao cứ phải ra đi?
Phải đi mới thay đổi được cái nghèo.
Ngày xưa, má hay bảo anh em Út Ngư vậy, phải ráng học có cái chữ, chứ ở quê làm ruộng biết chừng nào hết khổ. Đó là những ngày anh em Út Ngư phải chia nhau bát cháo, phải mặc quần áo cũ của người ta, đêm nằm co ro trong căn nhà lá trống tuềnh trống toàng mỗi mùa bão xem như là màn trời chiếu đất.
“Đời má dốt nên má nghèo, các con phải ráng mà học, cực khổ cỡ nào má cũng lo được” - Út Ngư nhớ mãi lời má nói. Cứ nhớ lời dạy ấy mà lớn lên, vậy rồi cuộc đời các con của má cứ thế là những cuộc đi. Quê nhà lăng lắc xa, thời gian cuốn mọi thứ trả về quá vãng, đến mức có lúc Út Ngư ngỡ như quá khứ chỉ là một giấc mơ, nhớ mãi những ngày ăn được bát cơm trắng với nước tương ngon lành mà mừng trào nước mắt…
Bữa nay, cả nhà mặc đồ đẹp để chụp chung tấm hình, mừng má khỏe. Lâu lắm rồi, cả nhà không mấy dịp họp mặt đông vui thế này. Chị Mần mặc áo dài hồng - bộ áo chị rất thích nhưng cũng chẳng mấy khi mặc. Đi làm ruộng, chân tay lấm phèn, khuôn mặt sạm nắng của chị tương phản với chiếc áo màu hồng phấn, vậy mà Út Ngư thấy chị thật đẹp. Ở nhà có một mình chị là không được học cao, một mình chị hy sinh chọn ruộng đồng lo anh Hai ăn học, cho cả hai đứa em thò lò nhỏ dãi, mong từng đứa sau này có ăn có học sẽ đỡ khổ hơn đời má, đời chị.
Đôi vai má chai sần vết dấu của mấy chục năm trời mang những giỏ hàng nặng trịch đi bộ ròng rã xứ người (Ảnh minh họa)
Hồi còn nhỏ nhít, Út Ngư không nghĩ được rằng có những người sinh ra trong cuộc đời này là để hy sinh.
Cuộc đời má là những ngả hy sinh trăm chiều.
Đôi vai má chai sần vết dấu của mấy chục năm trời mang những giỏ hàng nặng trịch đi bộ ròng rã xứ người. Nơi nào má đi qua, người ta cũng nhớ “bà Năm bán vải” tiết kiệm từng 500 đồng trà đá. Má bán vải đẹp cho người may áo mới, còn má chỉ vài ba bộ quần áo cũ sờn. Mồ hôi và nước mắt chảy mặn suốt cuộc đời của má - từ ngày ba dứt áo ra đi; chảy mãi từ cái thời bị chính đứa em trai duy nhất chọi thẳng hai quả dừa khô vào đầu.
Ngày đó, Út Ngư khóc xanh mặt, khản giọng gọi người ta đến cứu. Làng ùa ra, xốc má đưa đi bệnh viện. Cái gã người nhẫn tâm đó anh em Út Ngư gọi là cậu Út, là chủ tịch xã Tân Lập - người chức cao vọng trọng nhất của làng Đình. Người đó má cả một quãng đời khó nhọc bồng bế trên tay, chăm bẵm. Đến cả chiếc kẹp tóc cũng mang đi bán để mua bánh cho gã ăn lúc gã chỉ biết ngồi choi choi nghịch cát. Người mà má đã phải đi qua thời con gái tảo tần lo cho ăn, cho học. Cuối cùng, gã trả cho tình thương của má bằng hai quả dừa khô chí mạng. Má không sao nhưng lòng má héo rũ, oằn nỗi đau trên vai mà không nói được thành lời. Có khi giữa đêm, má lặng lẽ trở dậy đốt đèn dầu, ra bàn thờ thắp nhang cho ông bà ngoại. Ông bà ngoại ở trên trời…
Năm đó, Út Ngư 10 tuổi, mỗi lần ra bờ tre sau nhà đứng nhìn về phía nhà cậu, lòng Út Ngư cứ cồn lên câu hỏi: tại sao người ta ác, ác với một người vốn chỉ dành cho họ tình thương? Câu hỏi này một đứa trẻ không trả lời được. Mà người lớn có khi cũng không.
Mãi đến sau này, anh em Út Ngư mới biết má bị cậu đối xử tàn tệ là vì má phát hiện ra cậu tham nhũng, má nói nếu cậu không dừng lại sẽ nói cả làng đi kiện cậu. Ngày ấy, mợ Út chửi má xối xả, cầm chổi quét đuổi má ra ngoài. Còn cậu, cứ ung dung ngồi bàn giấy liên tục với những dấu mộc đỏ, mợ Út vàng đeo đỏ tay, mặc kệ đồng ruộng bị nhiễm độc vì những hố hóa chất ngụy trang. Trẻ con ghẻ mọc đầy khi lội ruộng bắt cua, làng bắt đầu có người bị ngộ độc thực phẩm…
Út Ngư còn nhỏ, biết tham nhũng là cái gì đâu. Đêm đêm chỉ thấy dáng má cong hình dấu hỏi.
Ngày Út Ngư đi học đại học, anh Hai đón má lên thành phố, nhà ở quê đâu còn ai. Chỉ còn mỗi chị Mần nặng nợ ruộng đồng nhưng chị cũng đã ở bên nhà chồng. Dòng họ ngoại tứ tán làm ăn, cậu Út không nhìn mặt má, quê chỉ còn lại những dấu lặng buồn. Anh Hai nói má vất vả một đời, đau khổ day dứt một đời rồi. Để phố được đón má bằng vật chất tiện nghi, an hưởng tuổi già.
Vậy mà phố cũng có yên. Ở chung cư cao cấp mà mấy năm đi ra đi vào mãi cũng ngột ngạt, má buồn, cứ ước một mái nhà như hồi quê cỏ.
Đám con mê mải kiếm tiền còn má thì mỗi ngày một già đi.
Má mỗi ngày một già đi nhưng những biến cố không bao giờ dừng lại.
Năm 41 tuổi, anh Hai phá sản, phải bán chung cư trả nợ, cả nhà thuê lại căn nhà cấp 4 ở ngoại thành. Chị Hai thanh lý hết quần áo đẹp, bắt đầu vào cuộc bươn chải như má ngày xưa. Đi qua sóng gió cùng anh để biết quý câu biết đá biết vàng. Rồi đến chị Mần ôm con về khóc, má dang tay đón, những hạt nước trong khóe mắt già nua không còn đủ sức rơi ra. Chị Mần giận anh Tình, đòi ôm bé Tiên về lại căn nhà hoang cũ. Nhà không người, cỏ cây cũng khô héo hết. Xóm làng người ta còn đồn căn nhà có ma, đêm đêm thanh niên đi soi ếch cứ thấy như có ai đó trong nhà. Chị Mần nói thấy có đôi dép mủ, giống kiểu dép ba hay mang ngày trước. Có khi nào ba về tìm má?
Ba bỏ má đi gần hết một đời rồi. Lúc Út Ngư mới tròn 2 tuổi. Ba chán cảnh nghèo nên đi tìm chốn êm ấm hơn. Nghe chị Mần nói lúc ba bệnh nặng không còn làm ra tiền, “người ta” cũng bỏ ba, đi rồi.
Luôn có cách để người ta bỏ nhau mà đi.
Đám con của má không đứa nào bỏ má, nhưng cũng có những đường đi khác nhau. Chị Mộc lấy chồng bộ đội về làm dâu tận miền biên giới. Ngày tháng chất chồng.
… Nhắm mắt lại biết chân trời nào là yên bình cho những cuộc đời cứ miên miết xuôi đi như những con nước. Biết nhánh sông nào đến lúc phải thác ghềnh. Quay đầu nhìn lại mới thấy những đoạn đường không thể đặt tên, cứ hun hút lùi lại phía sau. Chỉ biết những năm tháng lao đi, để rồi trải một cảm giác hạnh phúc lớn lao, giản đơn chỉ là khi người ta được về nhà.
Mà những chuyến về đã khác. Ngày xưa, má nắm tay Út Ngư dắt qua đường, bây giờ đã là ngược lại…
… Lâu lắm rồi má mới ngồi bên hiên nhà, nhắc chuyện xưa. Chuyện hồi nảo hồi nao mà má kể hoài, dây cà ra dây muống không biết khi nào mới hết.
Nói toàn chuyện vui, mà một hồi nước mắt má chảy ròng ròng.