Hai nữ họa sĩ trẻ thổi hồn vào tranh minh họa cổ phục Việt
Trong những năm gần đây, giới trẻ đã có cái nhìn mới mẻ hơn về trang phục cổ Việt Nam, hay còn gọi là Việt phục. Nhiều họa sĩ trẻ đang tìm thấy đam mê với việc vẽ tranh minh họa Việt phục này.
Vẽ tranh minh họa cổ phục để truyền lửa “yêu nước”
Thanh Huyên - nữ họa sĩ trẻ vẽ tranh minh họa cổ phục. (Ảnh: NVCC)
Thanh Huyên (1992) là nữ họa sĩ minh họa cổ phục, cũng là tác giả của cuốn sách Việt Sử diễn họa ra mắt năm 2020. Đồng thời, Huyên cũng là admin của fanpage Comet Withouse, một trang mạng xã hội để chia sẻ những kiến thức về lịch sử cũng như những bức tranh do chị vẽ.
Tranh vẽ võ quan cận vệ thời Lê. Thanh Huyên chia sẻ, sẽ vẽ nhiều về các tướng lĩnh hơn trong tương lai. Ảnh: Comet Withouse.
Nói về đam mê minh họa cổ phục Việt Nam, Thanh Huyên chia sẻ, cô đã bén duyên với cổ phục từ năm 2015, khi tình cờ biết đến nhóm Đại Việt Cổ Phong trên trang mạng xã hội Facebook. Huyên nhận thấy điểm mạnh ở nhóm là có kiến thức, tư liệu rất sâu, rộng về các triều đại, ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực cổ phục.
Chính những tư liệu quý giá ấy đã giúp cô họa sĩ 9X tìm thấy đam mê với công việc minh họa cổ phục Việt Nam. “Mình được truyền niềm đam mê từ những thành viên trong nhóm. Vì vậy, mình cảm thấy như có nghĩa vụ phải 'truyền lửa' đến mọi người”, Thanh Huyên chia sẻ.
Tranh minh họa trang phục Nhật Bình của nữ họa sĩ Thanh Huyên. Ảnh: Comet Withouse
Thanh Huyên bắt đầu vẽ và được mọi người biết đến rộng rãi. Tranh của cô có màu sắc tươi sáng, phong cách dễ thương, hiện đại, phù hợp với giới trẻ. Những bức tranh được đăng tải trên trang Comet Withouse nhận được hàng nghìn lượt tương tác. Chính họa sĩ trẻ cũng chia sẻ, tranh minh họa của cô thường bị đem đến nơi khác, nhưng Thanh Huyên không xem đây là vấn đề lớn.
“Mình mong các bạn trẻ đều thấy, đều biết về Việt phục. Nếu thông qua những tác phẩm của mình thì bản thân rất vui. Vì vậy mình không khó khăn trong việc này. Đương nhiên, nếu lấy lại thì cũng nên nhắn tin xin phép và ghi tên mình là họa sĩ”, Thanh Huyên nói.
Càng trẻ càng muốn đắm chìm trong thế giới cổ phục
Kiều Vy (sinh năm 2001, sống tại TP. HCM) là một trường hợp đặc biệt khác. Mặc dù còn khá trẻ nhưng Kiều Vy đã sở hữu cho mình bộ tác phẩm minh họa cổ phục đồ sộ. Vy cho biết, cô đã ấp ủ dự định vẽ minh họa cổ phục ngay từ khi bắt đầu học vẽ. Tính đến nay, Vy đã có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Nói về đam mê với cổ phục hay tranh minh họa cổ phục, Vy chia sẻ rằng, cô không có lý do gì đặc biệt, chỉ đơn giản là yêu thích trang phục cổ truyền dân tộc. Đối với Kiều Vy, những tà áo cổ truyền đều rất độc đáo, đặc sắc. Nét đẹp đó thôi thúc cô bạn vẽ thật nhiều với mong muốn truyền tải văn hóa Việt Nam. “Mình được truyền niềm yêu thích vẽ từ bố - cũng là một họa sĩ. Nhưng đam mê với cổ phục của mình thì lại đến rất tự nhiên, dường như không có một lý do nào cả. Mình thích tất cả mọi nét đẹp ở trang phục dân tộc”.
Nữ họa sĩ trẻ Kiều Vy. (Ảnh: NVCC)
Bộ tranh minh họa cổ phục Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ cùng tà áo nhật bình, áo tấc, áo dài... của Vy đã được trang mạng xã hội Phượng Khấu - fanpage chính thức của bộ phim cùng tên đăng tải vào dịp 20/10 để tri ân người phụ nữ Việt Nam.
Bộ tranh minh họa trang phục dân tộc của Vy. Đây là tác phẩm được đăng tải trên fanpage Phượng Khấu nhân ngày 20/10.
Kiều Vy cho biết, ngoài được theo đuổi đam mê vẽ, công việc này còn đem lại cho cô niềm vui khi được truyền tải những nét tinh hoa trong chiếc áo cổ truyền. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi phải nghiên cứu kỹ những họa tiết trên áo cũng như diễn tả những chi tiết ấy vào tranh, nhưng Vy vẫn thấy hạnh phúc với công việc đang làm.
Bộ tranh minh họa trang phục dân tộc của những quốc gia khác cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Ngoài minh họa trang phục cổ truyền Việt Nam, cô bạn 2K1 còn minh họa trang phục dân tộc của nhiều đất nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tất cả đều nhận được những phản hồi tích cực.
Nguồn: [Link nguồn]
Cô dâu Thúy Nga - chú rể Hoàng Minh chọn tổ chức đám cưới kiểu Huế. Họ diện cổ phục triều Nguyễn thay cho váy cưới...