Gương sáng cậu học trò Mông dùng tay thay chân tới trường học chữ

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Sau trận ốm, Tểnh bị liệt hai chân, ước mơ đến lớp của cậu học trò nhỏ bị dập tắt. Nhưng với nghị lực của mình, Tểnh dùng đôi tay thay đôi chân vượt đèo dốc tìm con chữ. 5 năm qua, Tểnh luôn là học sinh giỏi, là “ánh sáng giữa núi hoang vu”.

Em Mùa Bá Tểnh.

Em Mùa Bá Tểnh.

Em Mùa Bá Tểnh (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Na Ngoi 2, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ Tểnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quần quật trên nương rẫy đại ngàn lo cho 5 con nhỏ. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào rẫy ngô trên núi, ruộng lúa bên khe suối. Có những mùa giáp hạt, cơn đói triền miên. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề.

Lên 6 tuổi, Tểnh chuẩn bị bước vào cấp học mới như bạn bè cùng trang lứa trong bản. Nhưng sau trận ốm nặng, đôi chân của em co quắp lại không thể đi được. Ước mơ cùng bạn đến lớp của Tểnh bị dang dở. Hàng ngày, nhìn bạn vui vẻ tới trường, Tểnh ngấn lệ.

Khát khao theo học con chữ để đổi đời giúp Tểnh càng nghị lực hơn. Chân không đi được, em tập đi bằng đôi tay của mình. Ròng rã suốt bốn năm, từ nhà ra vườn hoặc đuổi theo con gà, con vịt, bàn tay của Tểnh vững chãi với những bước đi. Thương con, ông Mùa Vả Rê và bà Xồng Y Xìa (bố mẹ Tểnh, dân tộc Mông, trú tại bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi) cũng đồng ý để Tểnh đến trường.

Em Mùa Bá Tểnh (bên trái) dùng đôi tay thay đôi chân đến trường học chữ.

Em Mùa Bá Tểnh (bên trái) dùng đôi tay thay đôi chân đến trường học chữ.

Những ngày đầu, Tểnh chậm rãi đi về, lúc mệt mỏi leo dốc, mồ hôi tầm tã, ai cũng xót thương. Miệt mài bám trường học chữ, nghị lực của Tểnh khiến bao người khâm phục. Chặng đường từ nhà Tểnh đến trường không quá xa nhưng lại hiểm trở, mỗi khi trời mưa, cô giáo Nguyễn Thị Hòa (Giáo viên trường Tiểu học Na Ngoi 2) đến đón Tểnh cũng phải sợ. Cô Hòa kể: “Có bữa trời mưa, tôi đi xe máy lên dốc mà tưởng chừng như xe bị lật ngửa ra sau. Dốc dựng đứng thế mà Tểnh cứ đều đặn, miệt mài vượt qua để tới lớp”.

“Thấy Tểnh đến lớp bằng đôi tay, nhiều người nghĩ có lẽ em cũng chỉ theo được một thời gian rồi bỏ. Bởi giữa đại ngàn hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện gia đình khó khăn, nhận thức về việc học của người dân còn hạn chế thì chuyện học sinh bỏ học là chuyện thường, mỗi khi bước vào năm học mới, giáo viên phải đi vận động phụ huynh, dỗ dành học sinh đến lớp, nhưng Tểnh là một sự khác biệt”, cô Hòa cho hay.

Em Mùa Bá Tểnh cùng bạn ôn bài trên lớp.

Em Mùa Bá Tểnh cùng bạn ôn bài trên lớp.

Cũng theo cô Hòa, trong những giờ học, Tểnh luôn cố gắng lắng nghe giáo viên giảng bài, ghi chép và làm bài tập cẩn thận. Tểnh chỉ nghỉ học mỗi khi bị ốm đau còn lại em đến trường đều đặn. Học lực của em luôn đạt kết quả tốt, đồ dùng, sách vở luôn được giữ gìn sạch sẽ, chữ viết nắn nót. Với những cố gắng của mình, 5 năm liền, Mùa Bá Tểnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Trong các cuộc thi do nhà trường tổ chức em luôn là người đạt giải cao.

Em Mùa Bá Tểnh chia sẻ: “Em muốn đi học, muốn theo hết các cấp học nhưng gia đình khó khăn, em không thể là gánh nặng của bố mẹ mãi. Sau khi học xong bậc Tiểu học em sẽ về thành phố học nghề sửa chữa xe rồi kiếm việc làm”. Nghe những lời chia sẻ cậu học trò nhỏ, ai cũng xúc động. Động viên trò nhỏ, cô Nguyễn Thị Hòa tiếp lời: “Em Tểnh luôn là tấm gương sáng về nghị lực và cả học tập không chỉ các bạn trong trường mà các học sinh cùng trang lứa noi theo”.

Nguồn: [Link nguồn]

Cặp đôi không tay chân vẫn ngọt ngào gần gũi, ngày lên chức bố mẹ hạnh phúc ngập tràn

Dù mang khuyết tật bẩm sinh về chân tay, gia đình này vẫn đón chào thiên thần nhỏ hoàn toàn khỏe mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Huệ ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN