Góc khuất cuộc sống của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều người trẻ Việt Nam chọn đi du học Nhật Bản với những viễn cảnh màu hồng hiện ra trước mắt. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ở “xứ sở hoa Anh Đào” của du học sinh Việt không hề đơn giản như họ nghĩ.

Du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật. Ảnh: NVCC

Du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật. Ảnh: NVCC

Nhỡ tàu, đi bộ về nhà lúc 2 giờ sáng

Bắt đầu một cuộc sống mới không có gia đình, người thân quen, mọi thứ đều vô cùng bỡ ngỡ và lạ lẫm, khiến du học sinh Việt luôn mang tâm lý cô độc nơi xứ người. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu những du học sinh không gặp phải những sự cố đáng tiếc.

Du học sinh Việt làm thêm tại các cửa hàng ăn ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Du học sinh Việt làm thêm tại các cửa hàng ăn ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến đất nước hoa anh đào, nhiều du học sinh ngậm ngùi thú nhận mình đã có những giây phút hối hận đến nghẹn ngào.

“Lúc mới sang chưa có việc làm, ngồi một mình trong căn phòng bốn bức tường không biết ngày mai sẽ bắt đầu như thế nào mà nước mắt chực trào. Mình chỉ muốn bỏ lại tất cả để về ngay lúc đấy, nhưng thực ra trong người không còn bao nhiêu tiền, đến phương tiện liên lạc cũng không có. Nghĩ đến bố mẹ và khoản vay nợ ở quê mà mình bất lực òa khóc. Khi đó mình mới 18 tuổi.” - Minh Thư (22 tuổi, thành phố Kobe, Nhật Bản) xúc động kể.

Thư kể, thời gian đầu bắt nhịp cuộc sống ở “xứ sở hoa anh đào” là một thử thách lớn. Mấy tháng đầu, vì chưa quen đường, tiếng Nhật còn hạn chế, Thư thường bị lạc đường và trễ chuyến tàu cuối. “Nhiều đêm phải cuốc bộ một mình, về đến nhà cũng là lúc đồng hồ điểm 2 giờ sáng. Đó là những lúc mình cảm thấy cô đơn, trống trải, chưa kể đến những lúc đau ốm”, Thư kể lại.

Áp lực mưu sinh nơi xứ người

Không phải du học sinh nào cũng có điều kiện du học tự túc, đa phần phải vay một khoản tiền từ 200 – 300 triệu đồng mới có đủ chi phí đi Nhật. Trên những thông tin quảng cáo nhan nhản về du học Nhật luôn gây ấn tượng với các bạn trẻ bằng số lương siêu khủng: 40-60 triệu mỗi tháng.

Những công ty môi giới sẽ luôn chắc chắn rằng nếu chăm chỉ, trong vòng một năm đã có thể trả hết nợ. Nhưng vừa học, vừa làm thời gian đâu để du học sinh kiếm được nhiều tiền như vậy? Câu trả lời luôn nằm sau ánh mắt bần thần, mệt mỏi của các du học sinh.

Du học sinh Việt làm thêm tại cửa hàng tiện lợi 24h. Ảnh: NVCC

Du học sinh Việt làm thêm tại cửa hàng tiện lợi 24h. Ảnh: NVCC

Chính phủ Nhật chỉ cho phép du học sinh làm việc 28 tiếng/tuần. Tuy nhiên, nhiều du học sinh tại Nhật cho biết, khoản tiền kiếm được sau 28 tiếng lao động vất vả ấy cũng chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật. Để kiếm thêm tiền đóng học phí hoặc gửi về nhà, các bạn du học sinh thường trốn đi làm thêm nhiều công việc khác.

7h tối, tan làm tại một quán cơm, Khánh Mỹ vội vã chạy đến xưởng làm việc đêm. Có những ngày liên tục Mỹ chỉ chợp mắt lúc lên tàu di chuyển đến nơi làm việc. Khi mệt quá, Mỹ trốn sau những thùng hàng carton trong xưởng ngủ thiếp đi. 7h sáng ngày hôm sau, Mỹ trở về nhà thay vội áo quần và tiếp tục đến lớp.

Đó là những ngày tháng mà mình không thể nào quên. Dường như tinh thần luôn mệt mỏi và những cơn buồn ngủ cứ bủa vây chả khác gì một người đang say.  Những lúc như thế, mình lại nhớ về những lời động viên của mẹ mà cố gắng.” - Khánh Mỹ xúc động kể.

Khánh Mỹ nhận bằng tốt nghiệp

Khánh Mỹ nhận bằng tốt nghiệp

Sinh ra trong gia đình đông con, Khánh Mỹ chọn con đường du học sinh Nhật mang theo mong ước sẽ kiếm được khoản tiền kha khá để đỡ đần cha mẹ, hỗ trợ nuôi em ăn học. Vì thế, bản thân Mỹ bị rất nhiều áp lực. “Mọi người có thể thấy những hình ảnh đẹp và vui vẻ mà du học sinh hay đăng lên mạng xã hội, nhưng ít ai biết được người đó thậm chí đã hai ba hôm liên tục không ngủ vì đi làm đêm.”

 Sau nhiều nỗ lực, tháng 3/2020, Khánh Mỹ nhận bằng tốt nghiệp, háo hức đặt vé máy bay trở về quê nhà sau nhiều năm xa xứ, tuy nhiên, chuyến bay bị hủy do dịch COVID-19.

“Nghe thông tin có chuyến bay cuối, mình vội chạy đến trường nhận bằng để thu xếp về nước. Người lúc đấy toàn mùi cá, lên nhận bằng từ tay thầy mà mình muốn vỡ òa. Nhưng rồi chuyến bay lại bị hoãn vô thời hạn. Giờ mình không còn đi học nữa, nhưng vẫn phải đi làm trang trải cuộc sống, chờ ngày về nước”, Khánh Mỹ ngậm ngùi.

Áp lực kiếm tiền trang trải cho chi phí học tập, sinh hoạt, gửi tiền về cho gia đình khiến nhiều du học sinh đi làm quá thời gian cho phép (nhiều hơn 28 tiếng/tuần).

Trần T. Đào là cựu du học sinh vừa trở về nước sau 2 năm học tập, làm việc tại Nhật. Đào kể lại quãng thời gian đầy nuối tiếc khi hết hạn visa nhưng không được Chính phủ Nhật gia hạn do làm việc quá số giờ cho phép: “Ngày đó, vì cần tiền để đóng học phí, trang trải cuộc sống nên mình đã đi làm rất nhiều, vượt qua thời gian quy định của Chính phủ Nhật. Hậu quả là đến lúc nộp hồ sơ xin gia hạn visa thì bị đánh trượt. Mình ân hận và hối tiếc nhiều lắm”, Đào chia sẻ.

Góc khuất nghề kiếm tiền qua webcam của những cô gái

Từ việc bị rình rập đến những yêu cầu nguy hiểm, những cô gái webcam này đã làm sáng tỏ phần nào góc khuất của công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Sương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN