Giới trẻ Sài Gòn mê nuôi bọ cánh cứng
Mới xuất hiện khoảng nửa năm, thú nuôi những con bọ cánh cứng đang dần trở thành một trào lưu của giới trẻ Sài Gòn. Có những con được nhập từ nước ngoài, giá lên tới cả triệu đồng.
Nguyễn Hồ nam (21 tuổi, Q.Phú Nhuận) là một trong những bạn trẻ đi tiên phong trong việc nuôi bọ cánh cứng. Nam yêu thích thiên nhiên, côn trùng nhất là các loài bọ cánh cứng từ nhỏ. Mỗi lần được về quê là dịp để Nam săn tìm những con cánh cam, xén tóc, bọ hung... mang về nuôi thử. Cuối năm 2013, Nam đầu tư chuồng, thức ăn để nuôi tập trung hơn.
Để nuôi được bọ cánh cứng, chỉ cần những hộp nhựa có nắp đậy. Nắp được đục thủng nhiều lỗ nhỏ. Trong hộp chứa các loại đất trồng cây, mùn cưa... Thức ăn cho chúng chủ yếu là trái cây như chuối, táo, xoài... "Những loài này có sức sống rất mãnh liệt, lại phù hợp với điều kiện thời tiết, nhiệt độ ở Việt Nam nên cũng khá dễ nuôi", Nam cho biết.
Ngoài nuôi bọ cạnh cứng đã trưởng thành, Nam còn chăm sóc từ khi chúng còn là ấu trùng. Theo Nam, nuôi những loài côn trùng nay không khó nhưng việc tìm hiểu vòng đời từng loài, tên gọi khoa học, tên dân dã của từng con, môi trường sống... lại rất phức tạp vì bọ cánh cứng rất đa đạng trong thế giới tự nhiên.
Có những loài bọ cánh cứng có thể dễ dàng tìm thấy ở những vùng quê. Tuy nhiên, để sở hữu một con bọ độc, đẹp và hiếm thì người nuôi phải có sự may mắn bắt được hoặc phải mua từ nước ngoài. Nam cho biết: "Mình và một số thành viên trong nhóm có quy định là không được vào rừng săn bắt, mua bán những loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam". Trong ảnh là con Bửa củi ngũ sắc mà Nam may mắn tìm được khi về quê chơi. Thông thường, Bửa củi có màu đen, rất khó để bắt gặp loài ngũ sắc.
Vì thế, giá trị mỗi loài thường phụ thuộc vào độ độc đáo và độ hiếm. "Chỉ cần con đó khác biệt chút xíu về sừng, màu sắc hay cân nặng, kích thước so với đồng loại đã là độc", Nam cho biết. Trong ảnh là hai con Xén tóc Xylorhiza adusta, với màu sắc khác hẳn xén tóc thường gặp.
Hình ảnh con Kẹp kìm, với giá gần 1 triệu đồng được nhập từ Thái Lan. Mỗi loài có giá tối thiểu từ 100 ngàn đến hàng triệu đồng. Tuy nhiên, với những loài có giá trị thì không có nhiều thành viên bán, phải mua từ nước ngoài.
Ngoài ra,, Nam còn trang bị cả cân điện tử để cân trọng lượng từng con. Hiện tại, Nam sở hữu khoảng 7 loài. Mỗi loài từ 2- 3 con đực, cái.
Một số thức ăn được nhập từ nước ngoài. Trong ảnh là thực phẩm mang tên kinsi, xuất xứ từ Nhật Bản, dùng để nuôi ấu trùng.
Sự đa dạng về hình thái, chủng loại, màu sắc là những lý do khiến nhiều bạn trẻ yêu thích nuôi bọ cánh cứng. Bên cạnh đó, việc xem chúng đấu nhau cũng là một thú vui cuốn hút của những thành viên.
Ngoài nuôi, một số thành viên còn có sở thích sưu tập côn trùng làm tiêu bản. Trong ảnh, bạn Đặng Trung Hiếu (24 tuổi, Q.Thủ Đức) đang thực hiện làm tiêu bản.
Để thực hiện tiêu bản, Hiếu làm côn trùng chết bằng cồn. Sau đó cố định chúng bằng kim, được đính trên miếng xốp và đem phơi khô trong thời gian 5 ngày, dưới ánh nắng nhẹ cho đến khi tiêu bản cứng lại.
Hiếu chia sẻ "Mình yêu thích thiên nhiên, động vật. Một lần, tình cờ xem phim khoa học về làm tiêu bản để phục vụ nghiên cứu nên mình thích thú, học theo. Đây cũng là một cách để mình tìm hiểu về thế giới côn trùng đa dạng". Hiếu bắt đầu sở thích này được hơn nửa năm, trước đó cậu cũng làm tiêu bản các loài cá.
Hiện tại, Hiếu đang sở hữu hơn 100 tiêu bản các loài bọ cánh cứng, bướm, ve sầu, chuồn chuồn... được bắt quanh nhà, xin từ bạn về hoặc mua ở nước ngoài.
Trào lưu nuôi bọ cánh cứng và làm tiêu bản mới xuất hiện ở Sài Gòn được hơn nửa năm. Các thành viên (khoảng 20 người) lập nên một diễn đàn và tổ chức những buổi giao lưu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về thú vui này.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Thể hình như làm xiếc hút giới trẻ Sài Gòn
Giới trẻ Sài Gòn học cưỡi ngựa đầu năm