Giới trẻ “méo mặt” vì “chạy sô” đám cưới dịp cuối năm
Những tháng cuối năm Âm lịch thường được coi là “thời điểm vàng” để tổ chức đám cưới. Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài hơn, nhiều cặp đôi tranh thủ khoảng thời gian dịch được kiểm soát, các hoạt động được nới lỏng để “cưới chạy”. Những đám cưới được tổ chức nhiều hơn khiến không ít người, đặc biệt là giới trẻ “dở khóc dở cười” vì phải “chạy sô” liên tục…
"Chạy sô" đám cưới cuối năm khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái "dở khóc dở cười" (Ảnh sưu tầm)
Từ đầu tháng 12/2021 tới nay, Bùi Văn Phương (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ rằng đã được mời đến 5 đám cưới của bạn bè và người thân. Phương cũng cho biết sẽ còn đi thêm 2 đám cưới nữa trước khi nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
“Mình không quá bất ngờ bởi cuối năm thường được coi là “mùa cưới”, đặc biệt là năm 2021 còn được coi là năm “đẹp” để bạn bè sinh năm 1997 như mình cưới nữa. Tuy nhiên, khi các tấm thiệp cứ liên tục được gửi đến, mình cảm thấy không khỏi “choáng váng” và giật mình”, Phương chia sẻ.
Theo Phương cho biết, anh không thể tham dự tất cả đám cưới được mời bởi yếu tố dịch bệnh và một số người bạn tổ chức ở quê hoặc ở xa. Tuy vậy, Phương đều gửi tiền hoặc quà tới chúc mừng.
“Nếu không vì dịch, mình chắc chắn sẽ đến và chia vui cùng bạn bè. Ở xa, mình gửi phong bì hoặc chuyển khoản trực tiếp để mừng từng người, có đám thì 500.000 đồng, có đám thì 1 - 2 triệu đồng. Ngoài các đám cưới ra, mình còn được mời tới các bữa tiệc sinh nhật, tân gia. Mỗi lần đi như vậy mình sẽ mất thêm một khoản chi phí nữa”, Phương nói.
Đối với chàng trai trẻ, anh không hề nghĩ ngợi về chuyện tiền bạc khi bạn bè mời cưới bởi tất cả đều là mối quan hệ thân thiết và là những người anh yêu quý. Nhưng khi các đám cưới cùng diễn ra trong một thời điểm, anh có phần bối rối và buộc phải tìm cách cân đối lại chi tiêu.
Khoản chi cho việc tham dự các đám cưới dịp cuối năm khiến Văn Phương không khỏi "choáng váng"
“Mình là hướng dẫn viên du lịch vừa chuyển sang làm thêm ở văn phòng. Lương của mình chưa cao, thời điểm này cũng chưa có thưởng Tết nên mình phải dùng đến khoản tiết kiệm. Tính ra, trong hơn 1 tháng vừa rồi, mình đã dùng đến gần 15 triệu đồng để mừng các ngày vui của bạn bè, người thân. Nếu không tích cực làm việc chắc Tết này mình không biết lấy gì mà tiêu nữa”, Phương bày tỏ.
Năm 2021 trôi qua với những ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh khiến Trần Thị Thu Trang (25 tuổi, nhân viên văn phòng) phải từ bỏ công việc mình đã gắn bó hơn 2 năm. Hiện tại, cô gái trẻ vừa vào làm việc tại công ty mới gần 2 tháng với mức lương thử việc.
Làm việc chưa được bao lâu, Thu Trang nhận được thiệp đám cưới từ hai đồng nghiệp, trong đó có một người là trưởng nhóm của mình. Dù đang trong thời gian khó khăn về tài chính, cô gái trẻ vẫn vui vẻ, niềm nở và tham dự, gửi tiền mừng đám cưới.
“Mình đang trong quá trình thử việc, kinh tế chưa ổn định lắm nhưng thực sự rất khó lòng để từ chối lời mời từ đồng nghiệp. Mình cũng nghĩ rằng mừng đám cưới là “có đi, có lại” nên vô tư và không quá suy nghĩ, tính toán thiệt hơn”, Thu Trang nói.
Nhận được quá nhiều lời mời đám cưới dịp cận Tết Nguyên đán khiến Thu Trang lo lắng về kế hoạch tài chính của mình
Tuy nhiên, khi mà Tết Nguyên đán với nhiều khoản chi phí đang đến gần, cô gái trẻ lại nhận được thêm 1 tấm thiệp mời cười từ đồng nghiệp và 2 thiệp cưới từ bạn bè. Từ chỗ vui vẻ nhận lời, Thu Trang trở nên lo lắng khi khoản mừng cho các dịp này sẽ khiến kế hoạch tài chính và dự định của cô bị ảnh hưởng.
“Mình không thể từ chối và bỏ qua đám cưới nào cả, đó đều là những người quan trọng với mình. Chỗ nào không thân thì mình mừng 500.000 đồng, còn bình thường thì 1 - 2 triệu đồng hoặc tặng quà cưới bằng vàng cho mỗi đám. Cứ liên tục như vậy, mình không thể không bận lòng được khi còn chưa biết lương và thưởng Tết năm nay như thế nào”, Thu Trang thở dài.
Giống như Văn Phương hay Thu Trang, việc “chạy sô” đám cưới dịp cuối năm đang khiến Lâm Văn Thể (26 tuổi, nhân viên lễ tân) cảm thấy thực sự lo lắng vì Tết Nguyên đán năm nay, chàng trai trẻ có rất nhiều khoản cần chi tiêu.
“Chưa có năm nào mà chỉ trong 2 tháng cuối năm, mình phải đi nhiều đám cưới như vậy. Từ bạn bè, đồng nghiệp rồi đến anh chị em trong gia đình, ai cũng gửi cho mình thiệp hồng. Mình không từ chối hay bỏ lỡ đám nào cả. Nếu không tham dự được thì mình sẽ gửi tiền mừng. Nhưng thực sự, khoản chi cho những dịp này đang khiến tài chính của mình khó khăn”, Thể nói.
Cố gắng làm việc chăm chỉ nhưng đến cuối năm Lâm Thể vẫn "cháy túi" vì "chạy sô" đám cưới
Chàng trai 26 tuổi cho biết năm vừa qua dù đã rất cố gắng làm ăn nhưng khoản chi phí cho việc chữa răng vào cuối năm và mừng đám cưới liên tục khiến số tiền anh tiết kiệm được rơi vào trạng thái “báo động”.
“Trước giờ mình không tính toán chuyện thiệt hơn khi mừng đám cưới. Nhưng cuối năm có nhiều khoản phải chi nên mình khá lo lắng. Thêm nữa, ở quê, cả họ còn mỗi mình chưa lập gia đình, về quê mỗi dịp ăn cưới hay về nghỉ Tết đợt này, hàng tá những câu hỏi vô duyên như “Bao giờ lấy vợ?”, “Lương thưởng thế nào?”, “Biếu bố mẹ ăn Tết bao nhiêu?”… càng khiến mình mệt mỏi hơn.
Chỉ mong rằng năm nay công ty mình sẽ thưởng “kha khá” cho nhân viên để mình bớt áp lực hơn và được đón một cái Tết với “bánh chưng có thịt””, Thể bày tỏ.
Vào thời điểm cuối năm, nhiều người thuộc hệ “9 giờ sáng - 6 giờ chiều” thường đắn đo giữa chuyện chọn nghỉ...
Nguồn: [Link nguồn]