Giới trẻ lan tỏa thông điệp “thả cá đừng thả túi nilon“
Trước ngày Tết ông Công ông Táo, rất nhiều bạn trẻ đã cùng kêu gọi nhau lan tỏa thông điệp về việc thả cá văn minh, phù hợp với văn hóa người Việt.
Tục thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo chầu trời là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt. Theo góc nhìn của phật giáo, thả cá chép có ý nghĩa phóng sinh hướng mọi người đến những giá trị nhân văn tốt đẹp trong cuộc sống, nhắc nhở mọi người cần làm nhiều việc thiện, tránh xa việc ác.
Vốn là một hành động đẹp, tuy nhiên nhiều năm, sau khi cá chép được thả xuống sông, suối, ao hồ người ta dễ gặp tình trạng túi nilon ngập mặt hồ, bàn thờ cũ, tàn tro cũng lềnh phềnh trôi trên mặt nước gây ô nhiễm môi trường.
Các sông hồ phải oằn mình gánh 1 lượng rác thải lớn do con người đổ ra.
Để tình trạng này không tái diễn như nhiều năm, rất nhiều bạn trẻ đã cùng chung tay tuyên truyền thông điệp "thả cá đừng thả túi nilon".
Nhiều đoàn thanh niên của các phường, xã khắp nơi đã chung tay thực hiện chiến dịch tuyên truyền cách thả cá chép văn minh, không ảnh hưởng đến môi trường.
Các băng rôn với nội dung "thả cá không thả túi nilon" được treo trên các thành cầu.
Những hình ảnh về hậu quả của việc thả cá lẫn túi bóng gây hại cho môi trường sông hồ được in trực quan trên các tấm băng rôn.
Các bạn thanh niên, thậm chí học sinh cấp 2, cấp 3 cũng chung tay tuyên truyền thông điệp.
Nhờ những chiến dịch như thế này, trước đó hình ảnh rác thải, túi ni lông tràn ngập các điểm thả cá thì từ vài năm nay đã không còn thấy những hình ảnh phản cảm đó nữa.
Trên mạng xã hội, hashtag thacakhongthanilon cũng được nhiều người sử dụng, đồng thời kêu gọi nhau cùng về tuyên truyền với người nhà cách thả cá văn minh, phù hợp văn hóa người Việt.
Một nhóm bạn trẻ đã có mặt tại cầu Long Biên (Hà Nội) hỗ trợ người dân thả cá chép xuống sông Hồng.
Nguồn: [Link nguồn]
-21/01/2025 13:00 PM (GMT+7)