Giới trẻ "làm mới" điện ảnh
Chịu định kiến là khô khan, phim tài liệu dường như kén người xem và bị nhiều người mặc định là thể loại của “các cô, các chú, các bác”. Nhưng thực tế có một bộ phận giới trẻ yêu thích và say mê tạo nên những thước phim thuộc thể loại này.
Sức hút từ những thử nghiệm mới
Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh, thường được gọi tắt là trung tâm TPD (Hội điện ảnh Việt Nam) hay Trung tâm phim tài liệu và thử nghiệm video HanoiDoclab là những tổ chức phi lợi nhuận hiếm hoi tại Việt Nam cổ súy cho những cách tân trong làm phim tài liệu. Điều này đã thu hút các bạn trẻ không chuyên đến với khóa học miễn phí tại các trung tâm.
Ban đầu không quan tâm đến phim tài liệu, nhưng chứng kiến quá trình làm phim theo cách mới mà cô bạn thân được học, Vy Nguyễn Anh Phong (sinh viên ĐH Xây Dựng Hà Nội) thấy thú vị và quyết định thi tuyển tại TPD. Đến nay, Phong đã là tác giả của hai phim tài liệu ngắn.
Là sinh viên ngành báo chí, Hà Lệ Diễm ( ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) đã quá quen với cách làm phim tài liệu và phóng sự truyền hình truyền thống gồm hình ảnh cộng lời bình. Vì thế, Diễm bị hấp dẫn trước tài liệu theo hình thức điện ảnh trực tiếp được giảng dạy ở HanoiDoclab và TPD. Ở đó, hình ảnh đóng vai trò chủ đạo, yếu tố lời bình gần như bị triệt tiêu. Nguyễn Thu Hà, sinh viên ngành xuất bản cũng bị “hút” bởi hình thức làm phim mới mẻ trên. Theo Hà, điện ảnh trực tiếp cho phép người làm phim tham gia câu chuyện với nhân vật, được kể câu chuyện cùng nhân vật. Hơn nữa, tính tương tác giữa đạo diễn và nhân vật rất cao.
Điện ảnh trực tiếp là phương pháp làm phim tài liệu quen thuộc của các đạo diễn thế giới. Nhưng ở Việt Nam, chỉ với sự xuất hiện của các giảng viên xưởng phim Varan (Pháp) vào thời điểm 10 năm trước, cách làm này mới bắt đầu du nhập và dần có những tiếng nói riêng. Nếu tài liệu truyền thống “hình ảnh+ lời bình” mang tính áp đặt chủ quan cá nhân của người làm phim thì tài liệu điện ảnh trực tiếp là sự ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực, tối giản lời bình và sự dàn dựng của đạo diễn.
Bên cạnh sự “đổ bộ” của phương pháp làm phim mới, xu hướng làm phim độc lập cũng phát triển song hành. Làm phim độc lập là sự mạo hiểm, khi các nhà làm phim trẻ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính. Nhưng bù lại, họ có “toàn quyền” với đứa con tinh thần thay vì chịu sự chi phối của nhà sản xuất hay tài trợ. Chính vì thế, dấu ấn cá nhân là điều không thể phủ nhận ở các phim tài liệu theo hướng độc lập. Thể hiện “cái tôi” là một nhu cầu của người trẻ. Với Nguyễn Thu Hà, làm phim độc lập là cách mà: “tiếng nói cá nhân hay cái tôi của người làm phim được thể hiện rất rõ trong tác phẩm.”
Làm tài liệu độc lập là cơ hội để các bạn trẻ trải nghiệm và khám phá chính bản thân. Mai Lê Dũng (ĐH Khoa học Tự Nhiên Hà Nội) khẳng định: “Mỗi bộ phim tài liệu là bài toán hóc búa không dễ tìm lời giải đáp. Nhưng lợi ích nó mang lại luôn nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Các tác giả độc lập sẽ được mài giũa toàn diện tất cả các khâu để cho ra một bộ phim. Từ tiền kì, quay phim cho tới hậu kì, họ sẽ phải chủ động trong mọi công việc.”. Bạn trẻ Trần Hồng Dung (hiện công tác tại Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng- Tập đoàn VNPT) nhớ lại quãng thời gian làm tài liệu độc lập của mình. Sự mới mẻ trong cách làm tài liệu lúc đó đã khiến Dung bỡ ngỡ. Dung bất ngờ khi không nghĩ bản thân có thể đazinăng trong tất cả vai trò từ đạo diễn, quay phim đến dựng phim. Dung thừa nhận quá trình làm phim đã giúp ích rất nhiều cho Dung trong công việc hiện tại.
Giảng viên hướng dẫn học viên dựng phim trong phòng dựng của TPD
Hành trình gian nan
Làm phim là một hành trình gian khổ và làm phim theo hướng cách tân càng là thử thách với các bạn trẻ không chuyên. Không phải bạn trẻ nào cũng đủ đam mê và bản lĩnh để theo đến cùng bộ phim của mình. Các cán bộ phụ trách đào tạo tại Trung tâm TPD cho biết, trung tâm thường tuyển 15-20 học viên cho một khóa, tuy nhiên đến cuối khóa chỉ còn khoảng 3-5 học viên trụ lại.
Nhà làm phim trẻ Hà Lệ Diễm không quên được khoảng thời gian một mình cheo leo rừng núi Bắc Kạn trong cái rét cắt da cắt thịt để thực hiện những cảnh quay về một người phụ nữ HIV cho phim tài liệu ngắn “Con đi trường học”. Diễm tâm sự, để thực hiện được bộ phim, bạn phải di chuyển liên tục giữa Hà Nội và Bắc Kạn, nhiều khi còn phải “bùng” học ở trường để đi quay vì sợ mất “những cảnh đắt giá”
“Nỗi niềm xứ rác” là phim tài liệu thứ hai của Chu Việt Nga (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và cũng là phim Nga gặp nhiều tai nạn nghề nghiệp nhất. Kể câu chuyện về những người mưu sinh bằng rác tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), Nga từng bị bảo kê của chủ cai ở đây bắt hai lần và bị lấy mất thẻ nhớ máy quay.
Để cho ra đời “Buồng bệnh số 8”- một phim tài liệu ngắn thuộc dự án Social doc do Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch- Việt Nam CDEF và TPD tài trợ, Mai Lê Dũng (ĐH Khoa học tự nhiên) đã phải thực hiện những cảnh quay lén do không nhận được thiện ý cho quay từ bệnh viện. Máy quay luôn trong tình trạng giơ lên và hạ xuống vì sợ các bác sĩ phát hiện. Cuối cùng sau một thời gian túc trực ăn ngủ tại bệnh viện cùng các bệnh nhân, phim của Dũng đã hoàn thành. Bộ phim được chọn chiếu trong lễ tổng kết của dự án Social doc.
Nhiều phim tài liệu được nghiệm thu tại TPD và Hanoidoclab đã có chuyến “chu du” đến các trường đại học Việt Nam và nước ngoài, được gửi tham dự các liên hoan phim uy tín trong nước và quốc tế. Phim “Nợ” (Bùi Thị Hà), “Mẹ và con” (Phan Huyền My) nhận giải Cánh diều bạc, “Động lực sống” (Chu Việt Nga) nhận bằng khen của Hội điện ảnh ở hạng mục phim ngắn. Vy Nguyễn Anh Phong sang Kyoto (Nhật Bản) giới thiệu về phim “Để dành” của mình.
Nếu đạo diễn Bùi Thạc Chuyên “bất ngờ về cách các đạo diễn trẻ khai thác chất liệu cuộc sống trong phim” thì nữ đạo diễn Trần Phương Thảo (tác giả của các phim tài liệu “Giấc mơ công nhân”, “Trong hay ngoài tay em”….) lại thích thú trước “tính hồn nhiên, trong trẻo” của các nhà làm phim trẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Phương, cán bộ dự án tại trung tâm TPD tin rằng sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim tài liệu theo lối điện ảnh trực tiếp và xu hướng độc lập góp phần hình thành tư duy làm phim mới và thay đổi tư duy thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn của khán giả Việt Nam.