Giới trẻ không nhất thiết phải sống cao thượng?

Bà Dương Thị Thúy Nga - ĐH Sư Phạm Hà Nội, đưa ra số liệu nghiên cứu trên quy mô nhỏ hơn của trường này với: 41% đồng tình với việc không nhất thiết phải sống cao thượng, 41% cho rằng đạo đức học đường hiện nay đang ở mức đáng lo ngại...

Tại hội thảo về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên được Bộ GD ĐT tổ chức ngày 11/4, Vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ GD ĐT) đã đưa ra những con số đáng suy nghĩ khi khảo sát về đạo đức lối sống học đường.

Cụ thể, khảo sát 1.044 phiếu trong đó có 94 phiếu của cán bộ giảng viên tại nhiều trường học trên cả nước cho thấy, về đạo đức: vẫn còn 35,92% học sinh sinh viên băn khoăn không biết gian lận trong thi cử là đúng hay sai, hơn 3% đồng tình với gian lận.

Một khảo sát khác với mẫu là 3.000 cán bộ, giáo viên của Bộ GD ĐT cho thấy 18,59% người được hỏi hiện tượng quay cóp khi làm bài kiểm tra còn tương đối nhiều, chỉ 32,38% cho là không có.

Trong khi đó về lối sống, vẫn còn gần 30% đồng tình với việc cần phải sống thử trước khi kết hôn. Khi được hỏi: Nếu gặp chuyện bất bình, tốt nhất là coi như không biết để tránh rắc rối cho bản thân thì có tới 22,3% phân vân và 3,54% đồng ý.

Giới trẻ không nhất thiết phải sống cao thượng? - 1

Nữ sinh đánh lại một phụ huynh ở Sơn Tây (Hà Nội)

Bà Dương Thị Thúy Nga – Khoa lý luận chính trị - giáo dục công dân trường ĐH Sư Phạm Hà Nội thì đưa ra số liệu nghiên cứu trên quy mô nhỏ hơn của trường này với: 41% cho rằng đạo đức học đường hiện nay đang ở mức đáng lo ngại, 41% đồng tình với việc không nhất thiết phải sống cao thượng, 28% có tư tưởng trả thù báo oán…

“Một bộ phận không nhỏ học sinh sinh viên thể hiện lối sống sa hoa, lãng phí, đua đòi, vô cảm trước những khó khăn của người khác. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lối sống đạo đức của học sinh sinh viên hiện nay” – bà Nga nói.

Những clip nữ sinh đánh nhau, học sinh đánh phụ huynh, giáo viên ngay trong lớp học, sinh viên giết người, hút chích, đâm chém… xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng là lời cảnh báo cho việc xuống dốc nghiêm trọng vấn đề đạo đức học đường.

Ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên thì cho rằng: “Càng lên cao đạo đức học sinh sinh viên càng… xuống thấp. Nguyên nhân được kể đến một phần là do sự tác động ngược của nền kinh tế thị trường, sự “nhiễu loạn” các luồng văn hóa. Trong đó 76,63% là do ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo, đồ chơi…không lành mạnh”.

Một trong những nguyên nhân khác dẫn tới sự “tụt dốc” đạo đức, lối sống học sinh sinh viên được xác định là do hàng loạt những bất cập trong việc giảng dạy môn đạo đức trong các trường THPT.

TS. Chu Văn Yêm – Phó chủ nhiêm văn phòng Chủ tịch nước đã đưa ra kết quả khảo sát từ 22 trường 43 lớp với hơn 1.700 học sinh, giáo viên của 7 tỉnh thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình. Kết quả cho thấy: 39% giáo viên coi môn Giáo dục công dân là môn phụ, 52% cho rằng môn này chưa được quan tâm đúng mức, 73% giáo viên nói lương không đủ sống và không có chế độ đãi ngộ cho giáo viên.

Đáng quan tâm hơn, 47% người được hỏi cho rằng trình độ, chất lượng giáo viên môn học này chưa đảm bảo: “Cá biệt có trường ở Hà Tĩnh không có một giáo viên nào cho môn giáo dục công dân, các giáo viên Toán, Lý, Hóa…và các bộ môn khác phải thay nhau dạy môn này và coi đây như một nghĩa vụ phải “xoay vòng cho tất cả các giáo viên trong trường” – ông Yêm cho biết.

Cũng theo khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước, Ở bậc THCS tỉ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%. Điều này cho thấy càng lên lớp lớn hơn, đạo đức của học sinh càng giảm, số học sinh có đạo đức trung bình và yếu ngày càng tăng theo độ tuổi.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc nâng cao sự kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường thì trước mắt cần đưa môn đạo đức – lối sống thành môn học chính thống bắt buộc, môn học điều kiện trong các trường học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN