Giới trẻ khởi nghiệp mùa trung thu, hốt bạc triệu từ đồ handmade
Tết Trung thu đang cận kề, thị trường buôn bán các mặt hàng đồ chơi trẻ em, bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn,... trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ dịp này để khởi nghiệp, kiếm bộn tiền từ việc bán đèn lồng hot trend và bánh trung thu handmade.
Tận dụng lợi thế mạng xã hội, hốt bạc triệu với lồng đèn hot trend
Tết Trung thu thời nay không chỉ nhận được sự háo hức đón chờ của những em nhỏ mà nhiều người lớn cũng rất mong đợi để được hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày lễ. Nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ dịp này để khởi nghiệp.
Không bán hàng truyền thống, nhiều bạn chọn mạng xã hội để "mở shop" cho riêng mình, vừa giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị như tìm mặt bằng, trang trí cửa hàng; tiết kiệm được kinh phí và đặc biệt lượng khách hàng tiếp cận được cũng rất lớn có cả khách sỉ và khách lẻ.
Bạn Quỳnh Trang (sinh viên năm 4 Đại học Hồng Đức) mới triển khai ý tưởng khởi nghiệp từ lồng đèn con thỏ hot trend 2023 từ giữa tháng 8, chia sẻ: "Hiện tại mình sống ở Thanh Hóa, lại sống ở làng nghề mây tre đan nên việc tìm được nguồn sản xuất lồng đèn kiểu này rất dễ và rẻ, chỉ khoảng 4.000 - 5.000 đồng một lồng bé hoặc thuyền nan, sau đó mình mua thêm phụ kiện về gắn. Tổng chi phí cho một chiếc đèn lồng hoàn thiện chỉ chưa đến 15.000 đồng nhưng lại có thể bán ra với giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/chiếc."
Chiếc đèn lồng đang "sốt xình xịch" những ngày qua được bày bán rất nhiều tại các tuyến phố Hà Nội
Khi mới bắt đầu, khâu tiếp cận khách hàng đối với Trang là cả một vấn đề nan giải. Theo Trang, mỗi ngày phải nghĩ tìm khách ở đâu khiến cô cảm thấy "nhức nửa cái đầu" bởi ở tỉnh lượng khách tiêu thụ mặt hàng này cũng có nhưng hạn chế. Trong cái khó ló cái khôn. Trang lướt mạng xã hội và thấy lồng đèn thỏ đang gây "sốt" với giới trẻ Hà Nội. Cô bạn mày mò tìm những nhóm bán hàng online ở Hà Nội và thử đăng bài. Kết quả ngoài sức mong đợi, chỉ trong ngày đầu đăng bán đã "nổ đơn" ầm ầm.
So với giá 50.000 - 60.000 đồng tại các cửa hàng trên phố, giá bán của Quỳnh Trang mềm hơn hẳn và có rất nhiều nhóm bạn trẻ chung nhau để mua giá sỉ. Dù tính cả tiền ship thì khi nhận hàng về tay các bạn trẻ vẫn có cảm giác "được một món hời lớn" so với việc mua ngoài cửa hàng trên phố.
Trong những người đặt mua hàng của Trang còn có cả những khách sỉ, nhập một lần có thể lên tới vài trăm chiếc, có đơn 2.000 chiếc. "Trước kia bán lắt nhắt thì mình lấy lồng về rồi tranh thủ tự làm, giờ đơn cứ đến ầm ầm mình phải nhờ cả người thân và họ hàng gần nhà sang làm giúp. Mấy ngày gần đây cả nhà mình lúc nào cũng quay cuồng trong việc gắn đèn và đóng đơn. Tuy mệt một chút nhưng vui. Không ngờ lần đầu khởi nghiệp của mình lại suôn sẻ đến vậy" Quỳnh Trang vui vẻ cho biết.
Những đơn hàng chuẩn bị được đóng thùng để gửi đến khách sỉ gồm đầy đủ lồng, thỏ, gậy, dây treo và đèn
Không chỉ Quỳnh Trang mà nhiều bạn trẻ khác cũng đang khởi nghiệp với loại lồng đèn hot trend này. Chỉ cần lên facebook gõ từ khóa "lồng đèn con thỏ" là hàng chục bài viết có nội dung liên quan sẽ hiện lên. Người mua chỉ việc ngồi nhà và lựa chọn sản phẩm ưng ý rồi đặt đơn là sẽ có người ship đến tận nơi.
Thỏa đam mê vẫn thu về bộn tiền
Hiện tại thị trường bánh trung thu online đã bắt đầu sôi động với nhiều mẫu mã, đa dạng về màu sắc.... Hàng trăm thương hiệu bánh phủ sóng khắp các "chợ online" lớn nhỏ. Tại các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... chỉ cần gõ "bánh trung thu" đã ngay lập tức thu về hàng nghìn kết quả với đủ loại thương hiệu. Trong đó nhiều món bánh trung thu đẹp mắt được gắn mác "hàng handmade" cũng được rao bán khá rầm rộ.
Bên cạnh hương vị bánh truyền thống, nhiều người tìm kiếm hương vị mới. Vì vậy những năm trở lại đây bánh trung thu handmade được đà "lên ngôi". Khá nhiều bạn trẻ đã thành công với việc kinh doanh loại bánh trung thu "cây nhà lá vườn" này.
Chị Phạm Hiên (quê Hải Hậu, Nam Định) vốn sinh ra và lớn lên tại làng nghề bánh kẹo Đông Cường nổi tiếng nên từ lâu với chị việc làm bánh kẹo đã trở thành niềm đam mê bất tận.
"Mình làm bánh một phần là để kiếm thêm thu nhập và ý nghĩa lớn lao hơn đấy chính là để thỏa đam mê và tiếp nối truyền thống của làng. Bánh nhà mình làm có độ ngọt vừa phải, hơn nữa lại có nhiều vị như thập cẩm, cốm dừa, khoai môn, đậu xanh mix hạt, đậu xanh, trà xanh,... Mẫu mã bánh cũng đa dạng, ngoài ra mình cũng làm theo mẫu của khách gửi nếu có yêu cầu. Khách đến mua có nhiều sự lựa chọn, có lẽ vì thế mà hàng bán rất chạy."
Sự đa dạng về mẫu mã, màu sắc giúp người mua hàng có thêm sự lựa chọn khi mua sắm
Do bánh handmade nên hạn sử dụng không dài chỉ rơi vào khoảng 7 ngày đối với bánh dẻo và 10 ngày đối với bánh nướng nên chỉ khi có đơn đặt chị Hiên mới bắt đầu làm. Mỗi bánh chị Hiên làm có giá dao động từ 50.000 - 55.000 đồng chưa kể chi phí đóng hộp.
Chi phí đóng hộp bánh vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng tùy mẫu mã
Nắm được nhu cầu biếu, tặng bánh vào mùa lễ của nhiều khách hàng, chị Hiên đã mạnh tay chi tiền cho phần đóng gói và lựa chọn hộp sao cho vừa bắt mắt vừa sang trọng. Vì vậy nhiều người sau khi nhận được bánh không khỏi trầm trồ, thích thú.
"Nhiều khách mua rồi lại giới thiệu cho khách khác nên nguồn khách của mình cứ thế được mở rộng". Việc buôn bán thuận lợi nên nguồn thu nhập của chị Hiên đợt này cũng "khởi sắc" hơn nhiều.
Slime – “chất nhờn ma quái” là thứ Jungmin Kang bán từ khi mới 13 tuổi và chỉ với 200 đô la được cha mẹ hỗ trợ, cô đã gây dựng sự nghiệp kinh doanh trực tuyến, điều hành...
Nguồn: [Link nguồn]