Giật mình vì những chiếc phong bì rỗng bạn mừng đám cưới
Ngày bạn cưới, tôi bỏ phong bì 50.000 nghìn đồng, 9 năm sau tôi cưới, bạn mừng tôi 60.000 đồng.
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước câu chuyện “cô dâu hot girl” đòi 500.000 tiền mừng cưới như đòi nợ. Ngay cả “khổ chủ” cũng phải thừa nhận, đây có lẽ là chuyện hài số một trên đời.
Thế nhưng trên thực tế, còn có nhiều tình huống oái ăm hơn thế. Khi có cơ hội trải lòng, chị em không ngại ngần kể lại những câu chuyện éo le mình từng gặp phải xung quanh chiếc phong bì cưới.
Không phải cô dâu - chú rể nào nhận được phong bì cưới cũng hài lòng, vui vẻ (ảnh minh họa)
“Cười ra nước mắt” vì phong bì rỗng
Chưa nói đến chuyện phong bì dày hay mỏng, ít hay nhiều, có đúng với câu nói “có đi có lại mới toại lòng nhau” hay không, nhiều cô dâu, chú rể còn phải “ngã ngửa” khi mở ra vài chiếc phong bì rỗng.
Thanh Phương – cô gái vừa tổ chức đám cưới cách đây 1 tuần kể lại tình huống thật mà như đùa của mình. Vợ chồng cô tổ chức đám hỷ tại một nhà hàng sang trọng, lối ra vào là hai chiếc hòm chứa tiền mừng ghi rõ tên nhà trai, nhà gái.
Hai vợ chồng không mời quá nhiều bạn bè nên ai đến đều nhớ mặt. Vậy mà khi kiểm kê phong bì, cả hai ngỡ ngàng khi có ba chiếc “có tên mà không có tiền”, hơn nữa chủ nhân của nó lại đều là những người bạn thân thiết, cũng đến chung vui nồng nhiệt.
Ngoài ra, cô còn thấy hòm phong bì nhà mình “thiêu thiếu” vì một vài người bạn có mặt nhưng chẳng thấy quà mừng. Cô còn thắc mắc không hiểu họ quên thật hay có sự cố nào đó.
“Vài hôm sau đi làm, có một bạn chạy đến kêu như đúng rồi là bỏ phong bì nhầm hòm nhà trai. Ôi cuộc đời, bố mẹ cho hai vợ chồng toàn bộ tiền mừng cưới lấy vốn làm ăn nên tối đó cả hai đứa ngồi kiểm kê. Có thấy cái phong bì nào đâu mà nhầm. Đúng là nhiều bạn tệ mà phải đến lúc này mới biết”, Phương nói.
Phong bì cưới là "đồng nợ đồng lần" (ảnh minh họa)
Không phải là những chiếc phong bì rỗng nhưng “quà mừng” Nhật Linh (29 tuổi) nhận được cũng khiến cô giật nảy mình. Linh thừa nhận, phải đến khi dính dáng đến chuyện tiền nong cô mới biết, mình có nhiều người bạn chi li đến vậy.
Lúc còn là sinh viên đại học, cách đây 8, 9 năm, cô từng đi đám cưới một vài người bạn cùng làng. Khi ấy, cô phải xin bố mẹ hoặc tiết kiệm tiền tiêu vặt lấy 50.000 đồng bỏ phong bì, chưa kể còn xin nghỉ học về quê phục vụ đám cưới nhiệt tình.
Nhưng đến ngày vui của cô, một trong số những người bạn ấy lại cáo bận không đến và gửi phong bì hẳn... 60.000 nghìn đồng, trong khi họ đã xây được nhà biệt thự.
Linh thở dài: “Cái thời đi cỗ 200.000 đồng mà gửi phong bì vài chục nghìn thì cũng lạ nhưng mình không tính cái đó. Mình chỉ buồn cười là sao họ lại tăng lãi lên 10.000 làm gì, đã không đến thì không cần gửi phong bì cũng được”.
"Có đi có lại chưa hẳn đã toại lòng nhau"
Tiền mừng cưới được xem là “đồng nợ đồng nần”, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Nhưng không phải ai cũng hiểu luật bất thành văn ấy nên mới sinh ra lắm nỗi bức xúc cho những gia đình có hỷ.
Trọng Đại (27 tuổi) kể lại câu chuyện của chính mình. Cách đây 3 năm, anh chạy xe 160 cây số đến dự đám cưới một đồng nghiệp cũ, mừng phong bì 500.000 đồng dù biết một mâm cỗ chỉ đặt hết 1 triệu.
Xung quanh chiếc phong bì cưới có nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" (ảnh minh họa)
Sau đến lượt mình cưới, anh nhiệt tình gửi thiệp mời đến tận nơi, họ cũng hứa hẹn “chắc như đinh đóng cột” là sẽ đến dự. Cuối cùng, người không đến, phong bì cũng chẳng thấy đâu, nhìn mâm cỗ vài triệu vắng người, anh xót lòng.
“Đã không đến thì nói một câu cho người ta biết đường đặt cỗ, đằng này… Kiểu bạn bè chỉ biết ngày vui của mình, còn của người khác thì một lời chúc mừng không có thì tôi cũng chẳng thiết tha”, Đại chia sẻ.
Thanh Tâm cũng bức xúc không kém khi gặp phải vài người bạn không biết ăn ở. Tâm kể, 4 năm trước cô đi đám cưới chị đồng nghiệp mừng 500.000 nghìn đồng, phục vụ nhiệt tình. 4 năm sau, đến lượt cô cưới thì người đó “mất dạng”, không tiền mừng, không một lời chúc.
Còn có người bạn cùng xóm, trước cưới Tâm mừng 200.000 đồng, 8 năm sau cô cưới, họ cũng mừng lại nguyên số tiền ấy dù được đi ăn nhà hàng, mâm cỗ giá 6 triệu.
“Ôi còn nhiều chuyện ôi thiu lắm, kể cả ngày không hết. Nhiều đứa cưới, mình bỏ cả việc, đưa đón dâu đàng hoàng. Đến lúc cưới mình, mời trước hẳn hai tuần mà không thấy tăm hơi, tiền cũng chẳng gửi trong khi ở cách nhà đúng 200m. Trước đây cầm tiền của ai rồi thì giờ cũng nên sắp xếp công việc mà qua mừng trước đi cho phải lẽ”, Tâm nói.
Cô có một nhóm bạn chơi thân khoảng 10 người nhưng chưa một đám cưới nào đủ mặt. Nhiều lần, cô còn phải đứng ra làm hộ phong bì vì những người bạn kia lỡ quên nhưng sau đó không bao giờ nhớ trả lại. Tiền mừng đám hỷ là chuyện nhạy cảm, cô cũng không đòi, có điều luôn xem đó là bài học để biết cách cư xử.
Lấy chồng muộn, dù biết số đám cưới mình từng đi rất nhiều, số tiền mừng bỏ ra cũng không ít nhưng Thu Quỳnh chưa bao giờ có ý nghĩ phải thu lại toàn bộ số tiền ấy. Đám cưới mình, cô chỉ mời những người bạn thân quen ở thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, Thu Quỳnh vẫn không tránh được nỗi bức xúc khi kiểm kê phong bì cưới. Có người cưới trước cô đúng 1 tháng, phong bì cầm còn chưa nóng tay mà đến ngày cưới của cô lại “mất tăm mất tích”. Còn có người bạn khác, đến ăn cỗ đàng hoàng nhưng không có phong bì, lúc về còn mượn cô thêm mấy trăm nghìn đồng để “tiện đường mua cho con hộp sữa”.
“Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết nhưng nó thể hiện cách ứng xử của con người. Có những người cưới cách đây 3, 4 năm, mình đi phong bì 500.000 nghìn nhưng giờ mình cũng không mời vì nghĩ ít đi lại. Nhưng những người vừa cưới cách đây 1, 2 tháng thì cũng nên đến đáp lễ chứ”, Quỳnh bức xúc.
...
Xung quanh chiếc phong bì đám hỷ, có hàng nghìn câu chuyện đáng bàn như thế. Nhưng đó chưa phải tất cả, có những người còn gặp phải tình huống trớ trêu hơn như “ngậm đắng nuốt cay” cầm phong bì đi dự một đám cưới mà không hiểu sao mình lại được mời.
Cùng đón đọc bài tiếp theo “Đám cưới: Mời bạn ăn cỗ hay kiếm phong bì?” vào lúc 11:00 ngày 13/10.
Vũ đã chủ động gặp Hùng, yêu cầu Hùng giúp Hương có được thiên chức làm mẹ.