Giáo viên chia sẻ tình huống bi hài khi dạy học online

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Việc không gặp mặt trực tiếp trong môi trường quen thuộc là lớp học, trường học, học sinh và phụ huynh đôi khi có lời nói vô tư, thậm chí là thiếu chừng mực, đẩy giáo viên vào tình huống “dở khóc dở cười”.

Dạy học online đem đến nhiều tình huống bi hài (ảnh minh họa)

Dạy học online đem đến nhiều tình huống bi hài (ảnh minh họa)

Giáo viên dạy học online có muôn vàn nỗi niềm, không chỉ là chuyện khó ổn định trật tự lớp, đường truyền mạng kém, thiết bị dạy học thiếu thốn, khó khăn trong chấm, chữa bài kiểm tra, truyền cảm hứng học tập cho học sinh… Dạy học trực tuyến, giáo viên còn phải đối mặt với muôn vàn tình huống xấu hổ khó nói thành lời.

“Mẹ ơi, cô giáo mới xấu thế!”

Dạy học online, giáo viên và học sinh gặp gỡ, trao đổi qua màn hình máy tính, điện thoại. Việc không gặp mặt trực tiếp trong môi trường quen thuộc là lớp học, trường học, học sinh và phụ huynh đôi khi có lời nói vô tư, thậm chí là thiếu chừng mực, đẩy giáo viên vào tình huống “dở khóc dở cười”.

K.B. (27 tuổi) có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi dạy học trực tuyến. Cô kể, năm học mới, cô được phân công làm giáo viên chủ nhiệm cho một lớp hoàn toàn mới, học sinh vừa bước sang lớp 5. Vừa vào phòng học, cả lớp còn đang nhốn nháo, cô bỗng nghe thấy một câu nói rất to: “Mẹ ơi, cô giáo mới xấu thế? Con thích học cô Kim hơn”. Chưa kịp phản ứng, học sinh đó đã “out” ra khỏi lớp và sau đó phụ huynh chủ động nhắn tin riêng, xin lỗi cô giáo.

“Mình cũng chỉ biết nhắc nhở phụ huynh và học sinh tắt mic, đến khi cô yêu cầu thì mới mở mic trả lời. Dẫu biết đó là câu nói vô tư của con trẻ thôi nhưng vẫn có chút chạnh lòng”, K.B. chia sẻ.

Nhiều giáo viên bị đẩy vào những tình huống bất đắc dĩ (ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên bị đẩy vào những tình huống bất đắc dĩ (ảnh minh họa)

Đôi khi, những lời nói vô tư thái quá đó lại đến từ các bậc phụ huynh. P.Y. (giáo viên lớp 1) kể, đang dạy online bỗng thấy mặt một ông bố chình ình trong “cam”, rồi ngay sau đó là tiếng nói ồm ồm: “Cô giáo mày đây à? Xăm môi, xăm mày thấy ớn ghê”. Câu nói khiến mặt giáo viên đỏ bừng nhưng vẫn phải giữ bình tĩnh, yêu cầu học sinh tắt mic. Sau buổi dạy, P.Y. vào nhóm phụ huynh nói lại quy tắc lớp học, yêu cầu phụ huynh có lời nói và việc làm lịch sự để không ảnh hưởng đến lớp học.

V.H. cũng rơi vào trường hợp ngoại hình trở thành đề tài bàn tán của phụ huynh và học sinh nhưng ngược lại, anh được khen ngợi là “thầy giáo điển trai”. Tuy nhiên, ngay cả lời khen này cũng khiến anh bối rối.

“Lớp học đang yên ắng làm bài kiểm tra thì thấy bà ngoại của một học sinh lên tiếng: “Thầy giáo trẻ mà mặt mũi sáng sủa, đẹp trai đấy”. Ngay sau đó là tiếng mẹ học sinh oang oang: “Bà trật tự cho cháu làm bài”. Thật không biết xử lý thế nào cho đôi bên bớt ngượng”, anh kể lại tình huống éo le.

Còn không ít những lời nhận xét vô tư của các phụ huynh và học sinh khiến giáo viên một phen “bật ngửa” như: “Cô giáo mày ngon nhỉ?”, “Cô giáo dạy thể dục có khác, tay chân vạm vỡ”, “Môi cô hơi dày”… Các giáo viên cho hay, dù đã nhiều lần nhắc lại quy tắc lớp học nhưng những tình huống khó xử thế này vẫn xảy ra.

Phụ huynh cởi trần, mặc quần đùi đi lại trước cam

N.D. (giáo viên dạy Văn lớp 8) rơi vào hoàn cảnh éo le hơn khi bị đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ. N.D. thú nhận, điểm yếu của mình là nói ngọng “l” và “n”. Dù đã cố gắng sửa nhưng thi thoảng, khi nói quá nhanh cô vẫn phát âm nhầm lẫn.

Sai sót này bị phụ huynh phát hiện ra trong giờ dạy online. “Hôm đó, mình đọc mẫu một tác phẩm cho học sinh. Đọc chưa xong đã có tiếng phụ huynh phản ánh: “Cô giáo dạy Văn mà còn nói ngọng “l”, “n” thì hỏng cả một thế hệ rồi còn đâu”. Mình dừng lại rồi sửa sai ngay lập tức nhưng vẫn thấy ngượng ngùng. Dù gì, mình cũng đã khiến phụ huynh thiếu tin tưởng”, N.D. ngậm ngùi.

Các giáo viên phải xử lý tình huống khéo léo để đảm bảo chất lượng dạy và học (ảnh minh họa)

Các giáo viên phải xử lý tình huống khéo léo để đảm bảo chất lượng dạy và học (ảnh minh họa)

Đối với M.T. (giáo viên lớp 6), tình huống gây bối rối hơn cả là khi bất đắc dĩ phải nghe những cuộc cãi vã, tranh luận giữa phụ huynh – học sinh và phụ huynh – phụ huynh.

Cô kể lại câu chuyện “dở khóc dở cười”: “Con đang học, bố hỏi: “Học xong chưa?”. Con bảo: “Chưa”, bố làm luôn câu: “Cô giáo mày dạy gì mà dạy lắm thế? Không đói à?”. Cả cô cả trò tỉnh ngủ luôn. Rồi thì có hôm, đang say sưa dạy học, mình nghe tiếng cãi nhau ầm ĩ của hai vợ chồng, yêu cầu học sinh tắt mic ngay mà học sinh loay hoay mãi không tắt được. Thế là cả lớp được được phen hóng chuyện. Rồi cả tiếng phụ huynh mắc nhiếc con cái nữa: “Cô gọi trả lời kìa, không nghe thấy à? Điếc à?”… Vô vàn tình huống mà một giáo viên như mình không lường trước được”, M.T. kể lại.

Cách ăn mặc vô tư của các phụ huynh khi theo dõi, kèm cặp con học bài cũng là một vấn đề khiến các giáo viên ngượng ngùng.

H.G. (giáo viên lớp 1) từng không biết xử lý ra sao khi bố học sinh cởi trần, mặc quần đùi đi qua đi lại trước camera suốt buổi học. Sự việc diễn ra nhiều lần, cô phải nhắn vào nhóm, yêu cầu các phụ huynh ăn mặc lịch sự khi ngồi học cùng con.

L.Trang (giáo viên dạy lớp 3) kể lại câu chuyện éo le hơn: “Có hôm, mình gọi một học sinh mở mic, mở cam lên trả lời, bà mẹ đứng sau không để ý kéo cái áo lên ngang eo, hình như định thay đồ hay sao rồi như chợt nhớ ra điều gì, hét toáng lên: “Tí chết” và chạy vụt đi. Mình buồn cười mà không dám cười”.

Vô vàn những tình huống oái oăm, bi hài mà chỉ khi dạy online, các giáo viên mới gặp phải. Trước những tình huống này, “người lái đò” phải rất khéo léo xử lý để không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Nhà có 2 điện thoại phải hoạt động hết công suất vì 3 con học online

Nhiều phụ huynh thừa nhận, họ thật sự lo lắng, bất an khi thấy con học online thiếu hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN