Gia đình tiết kiệm hơn 15 triệu mỗi tháng nhờ metro

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hà Nội - 15 năm ở trung tâm thành phố, anh Đức không nghĩ có ngày mình sẽ đưa cả nhà ra ngoại thành cho đến khi "không thể chịu nổi cảnh tắc đường".

Trước tháng 6/2024, anh Phạm Đức, 32 tuổi, cùng vợ và hai con 2 tuổi và 5 tuổi thuê căn tập thể 60 m2 trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, giá 7,5 triệu đồng. Chi sinh hoạt của gia đình bốn người khoảng 26 triệu đồng mỗi tháng.

Công ty cách nhà chừng 4 km nhưng ngày nào anh Đức cũng mất hơn một tiếng di chuyển. Thường xuyên tắc đường nên vợ chồng anh không ngày nào kịp đón con, phải thuê người đưa đón và trông hộ đến 20h.

Tối, trong khi vợ nấu cơm, chồng cho hai con đi tắm. Nhiều lúc họ "nhờ YouTube" trông hai con đứa trẻ để có thời gian làm việc khác. Sau 22h khi các con ngủ, vợ chồng lại dọn dẹp và giải quyết việc tồn đọng của công ty.

Bước ngoặt của gia đình bắt đầu từ tháng 7/2024, khi chủ nhà báo tăng giá lên 10 triệu. Cùng thời gian, con út nhập viện khiến tổng lương của vợ chồng không đủ tiêu.

Họ quyết định chuyển về quê tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, vùng giáp huyện Chương Mỹ sống để giảm chi phí. "Các con học sẽ trường mẫu giáo gần nhà, vợ chồng vào trung tâm đi làm bằng đường sắt trên cao sẽ tiết kiệm được một khoản khá lớn ", anh Đức nói.

Căn nhà ba tầng, mặt sàn 35 m2 đầy đủ tiện nghi ở phường Biên Giang có giá thuê 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Học phí của hai con giảm từ 8 triệu xuống 4 triệu đồng. Hàng ngày, thay vì kẹt cứng trong dòng xe cộ, anh Đức đi xe máy đến Ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và lên tàu điện trên cao. Sau 20 phút, anh xuống ga La Thành, quận Đống Đa và đi bộ vào công ty cách đó 5 phút.

"Khác với xe buýt, xe máy, đi tàu điện giúp tôi thoát hoàn toàn cảnh tắc đường, mưa gió, không cần chờ đèn đỏ và quan trọng không muộn làm", anh Đức nói.

Anh Phạm Đức lên tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông để về nhà ở phường Biên Giang, giáp huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tối 8/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Phạm Đức lên tàu điện tuyến Cát Linh - Hà Đông để về nhà ở phường Biên Giang, giáp huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tối 8/1. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyển về ngoại thành giúp tổng chi tiêu của gia đình anh Đức giảm từ 26 triệu xuống 10 triệu đồng. Khoản dư ra này được bổ sung vào ngân sách tích lũy để mua nhà.

Điều duy nhất gia đình chưa quen là nhịp sống chậm, ít tiện ích. Trước đây họ bước xuống đường là có siêu thị, cửa hàng ăn uống hoặc đặt giao hàng nhanh. Còn giờ vợ chồng phải mua sẵn đồ, cuối tuần sẽ đưa các con đến trung tâm thương mại ở Hà Đông, thị trấn Chúc Sơn vui chơi.

"May mắn công ty và nơi sống cùng tuyến với đường sắt trên cao khiến quyết định từ phố về quê của tôi dễ dàng hơn", anh Đức nói.

Sau 6 tháng rời nội đô, anh Đức chia sẻ trải nghiệm lên trang cá nhân và nhận nhiều lời đề nghị tư vấn. Đa số đều thắc mắc về cách tìm được nhà giá rẻ, tò mò về việc thích ứng với cuộc sống giản tiện hoặc quản lý chi tiêu.

Tuy nhiên, một số ý kiến nói khó học theo bởi công ty hoặc nhà không gần đường sắt trên cao. Việc sử dụng xe buýt không khả thi bởi tình trạng ùn tắc kéo dài, khó đảm bảo đi học, đi làm đúng giờ.

Dòng xe ùn tắc kéo dài khoảng 3 km trên đường Nguyễn Trãi sáng 14/1. Nhiều thời điểm, người đi đường mất gần một giờ chỉ để di chuyển từ Ngã Tư Sở ra tới nút giao giữa Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến. Ảnh: Việt An

Dòng xe ùn tắc kéo dài khoảng 3 km trên đường Nguyễn Trãi sáng 14/1. Nhiều thời điểm, người đi đường mất gần một giờ chỉ để di chuyển từ Ngã Tư Sở ra tới nút giao giữa Nguyễn Trãi và Khuất Duy Tiến. Ảnh: Việt An

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nói tận dụng lợi thế của đường sắt trên cao khiến cuộc sống thuận tiện hơn là cách làm thông minh, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng tắc đường ở Hà Nội gia tăng trong thời gian qua.

Thống kê đến cuối năm 2024 Hà Nội có khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện (chưa bao gồm phương tiện của các cơ quan trung ương) và khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác đang lưu thông. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố chỉ đạt 12-13% so với tiêu chuẩn phải đạt 20-26%.

Hiện thủ đô mới xử lý được 13/33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm nhưng lại phát sinh thêm 16 điểm mới, nâng tổng số lên 36 điểm. Theo các chuyên gia, sử dụng phương tiện công cộng là một trong những cách giảm ùn tắc, hạn chế xe cộ di chuyển.

"Tuy nhiên, phương tiện công cộng tại thủ đô lại chưa thể đáp ứng được nhu cầu", bà An nói. Theo chuyên gia, hai tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy mới phục vụ nhu cầu của người sống hoặc làm việc ở khu vực lân cận. Trong khi số lượng người cần sử dụng trải đều ở khắp các quận, huyện khiến mong muốn được đi phương tiện nhanh, sạch, tiết kiệm thời gian chưa đáp ứng.

Riêng xe buýt, bà An nói đã thiết lập mạng lưới dày đặc ở trung tâm và ngoại thành, nhưng vẫn kén người sử dụng bởi phương tiện này di chuyển cũng mất nhiều thời gian do tắc đường.

"Nếu giải quyết được những vấn đề tồn đọng trên, ngày càng nhiều người sử dụng phương tiện công cộng thay xe máy, ôtô góp phần giảm ùn tắc", bà An nói. Phương án "sáng vào thành phố đi làm, chiều về ngoại ô", để giảm chi phí sinh hoạt mà không cần chuyển việc có thể phổ biến.

Vợ chồng anh Đức nhận ra cuộc sống "8h sáng đi làm ở nội đô, 6h tối đã ở ngoại thành" là một lựa chọn đúng đắn, vừa giảm mệt mỏi, căng thẳng vừa tiết kiệm tài chính nên đã "chốt" ở lại quê lâu dài.

"Sống ở đâu cũng được, miễn thuận tiện cho công việc và quan trọng là giảm phí sinh hoạt trong thời kỳ bão giá", anh nói.

Hà Nội - Thu nhập mỗi tháng hơn 150 triệu đồng nhưng vợ chồng anh Hiếu và hai con vẫn chấp nhận sống trong phòng trọ 1,6 triệu đồng suốt bốn năm vì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN