Gen Z xin nghỉ phép vì hết tiền, thú cưng ốm

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thay vì những lý do quen thuộc như 'ốm' hay 'bận việc gia đình', một số bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z chọn cách xin nghỉ phép với những lý do vô cùng thẳng thắn và cá nhân như hết tiền đổ xăng, thú cưng bị ốm...

Với nhiều bạn trẻ, việc xin nghỉ phép không còn là câu chuyện mang tính chất "nhạy cảm" như trước đây. Thế hệ Gen Z thể hiện sự khác biệt trong cách họ xin nghỉ phép, với những lý do thẳng thắn và đôi khi khiến các thế hệ cũ không khỏi bất ngờ.

Đức Huy, 26 tuổi, làm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa tại Hà Nội. Một buổi sáng, Huy nhắn tin cho quản lý: "Boss ơi, chó của em bị ốm, em cần đưa nó đi khám". Lý do của Huy nhận được phản hồi từ đồng nghiệp là "có chút lạ lùng" nhưng lại rất thực tế với những người yêu động vật. Cuối cùng, sếp cũng đành đồng ý cho Huy nghỉ nửa buổi.

Với nhiều bạn trẻ, việc xin nghỉ phép không còn là điều khó nói với sếp. Ảnh minh họa

Với nhiều bạn trẻ, việc xin nghỉ phép không còn là điều khó nói với sếp. Ảnh minh họa

Thanh Hà, 24 tuổi, làm việc cho một công ty truyền thông tại TP HCM, từng khiến cả nhóm chat công ty bật cười khi xin nghỉ với lý do: "Hết tiền, cần ở nhà để tiết kiệm chi tiêu". Theo Hà, việc chi tiêu không kiểm soát trong những ngày cuối tháng khiến cô quyết định "tạm dừng" đến văn phòng, vừa tránh tốn kém xăng xe, ăn uống, vừa có thời gian ngồi lại tính toán ngân sách.

Trước sự thẳng thắn của Gen Z, nhiều lãnh đạo thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) hoặc Gen X (sinh từ 1965-1980) cảm thấy khá bất ngờ, thậm chí khó thích nghi. Lê Hoàng Minh (36 tuổi) là trưởng phòng trong một công ty về công nghệ, trong đó có đến 10 người thuộc thế hệ Gen Z. Hoàng Minh cho biết, anh từng phải duyệt nghỉ phép cho nhân viên với vô số lý do rất lạ lùng.

"Có lần nhân viên nhắn tin cho tôi trước giờ check-in chỉ 15 phút rằng: 'Hôm nay em không đủ tiền đổ xăng nên xin phép nghỉ, mong sếp thông cảm'", Minh kể. Một nhân viên khác trong công ty từng xin nghỉ với lý do muốn đi cắm trại thư giãn tinh thần. Ban đầu, Minh bất ngờ, thậm chí tức giận vì cho rằng nhân viên coi thường mình nhưng khi bình tĩnh, anh hiểu rằng các bạn trẻ giờ đây không sẵn sàng hy sinh đời sống cá nhân cho công việc như thế hệ trước. Anh đồng ý với những các yêu cầu nghỉ phép này nhưng nhấn mạnh nhân viên không được để chuyện cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc.

Nhiều lãnh đạo thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) hoặc Gen X (sinh từ 1965-1980) có thể khó chấp nhận ngay lập tức những lý do xin nghỉ 'bá đạo' của nhân viên. Ảnh: Freepik

Nhiều lãnh đạo thuộc thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) hoặc Gen X (sinh từ 1965-1980) có thể khó chấp nhận ngay lập tức những lý do xin nghỉ 'bá đạo' của nhân viên. Ảnh: Freepik

Đào Phương Anh (40 tuổi) được thăng chức làm trưởng ban tại một công ty xuất nhập khẩu. Lần đầu ngồi vào vị trí dẫn dắt của hơn chục nhân sự trẻ tuổi, Phương Anh cho biết cô có nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là những lý do xin nghỉ của nhân viên. Ban đầu khi nhận được những tin nhắn nghỉ phép vì "ngủ dậy muộn", "bị trúng thực", "tắc đường", "mệt trong người", "nhà mất điện"... Phương Anh cảm thấy khó chấp nhận bởi so với thế hệ của cô, muốn xin nghỉ phép phải có lý do chính đáng và chỉ nghỉ khi thật sự cần thiết dù việc nghỉ phép là quyền lợi chính đáng của người lao động.

"Ban đầu tôi khá hoài nghi về những lý do nhân viên đưa ra, đặc biệt là khi một số lý do nghỉ phép cứ lặp đi lặp lại, tần suất nghỉ dày và liên tục. Tôi từng yêu cầu nhân viên thường xuyên nghỉ phép gửi bằng chứng phù hợp với lý do vắng mặt như giấy khám sức khỏe, hình ảnh tắc đường... rồi mới duyệt nghỉ phép theo quy định cơ quan. Tuy nhiên, một số nhân viên Gen Z đã tỏ thái độ bất bình trước đề nghị của tôi", cô cho biết.

Dần dần, Phương Anh nhận ra "cương không được thì phải nhu trong giới hạn". Cô thay đổi chiến thuật, học cách thông cảm, thấu hiểu và nhắc nhở nhẹ nhàng với nhân viên. Thay vì yêu cầu khắt khe, Phương Anh chọn cách lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá. Cô giao kèo với nhân viên như: hạn chế nghỉ đột ngột và không nghỉ quá số ngày quy định; nếu có việc đột xuất phải nghỉ thì nhân viên cần bù đắp công việc vào hôm đi làm...

Nhân viên Gen Z không ngại xin nghỉ phép với lý do "đi chữa lành". Ảnh NVCC

Nhân viên Gen Z không ngại xin nghỉ phép với lý do "đi chữa lành". Ảnh NVCC

Xu hướng xin nghỉ phép vì những lý do cá nhân độc đáo không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là một hiện tượng toàn cầu, đặc biệt phổ biến ở các quốc gia phát triển. Tại Mỹ, thuật ngữ "mental health day" (ngày nghỉ để chăm sóc sức khỏe tinh thần) đã trở nên quen thuộc trong văn hóa công sở. Ở Nhật Bản, nơi vốn coi trọng kỷ luật, một số công ty thậm chí còn khuyến khích nhân viên nghỉ phép để tránh tình trạng "karoshi" (chết do làm việc quá sức). Tuy nhiên, không phải quốc gia hay tổ chức nào cũng dễ dàng chấp nhận sự thay đổi này, dẫn đến những tranh luận về trách nhiệm và sự chuyên nghiệp trong công việc.

Tháng 10 vừa qua, một số thành viên của Hội đồng thành phố New York đã đồng tài trợ cho một dự luật cho phép những người lao động không thuộc chính phủ làm việc tại thành phố này nghỉ phép có lương để chăm vật nuôi bị ốm. Câu chuyện này nhanh chóng nổ ra một cuộc tranh cãi. Đề xuất này theo sau hàng loạt phúc lợi dành cho thú cưng của nhân sự trong những năm gần đây nhằm mục đích phục vụ nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của người lao động. Ross Snyder, chủ tịch của White Tie Productions, một công ty sản xuất sự kiện tại Phoenix với 15 nhân viên toàn thời gian, cho biết: "Cần một hoặc hai giờ để chạy đến bác sĩ thú y là một chuyện, nhưng thật không công bằng với những nhân viên khác trong nhóm khi một ai đó phải nghỉ làm chỉ vì quyết định cá nhân của đồng nghiệp".

Việc Gen Z thẳng thắn trong lý do nghỉ phép phản ánh một xu hướng đáng chú ý: sự ưu tiên cho đời sống tinh thần, sự minh bạch và cá nhân hóa. Tuy nhiên, để tạo nên sự đồng thuận trong môi trường làm việc, cả nhân viên lẫn lãnh đạo cần tìm tiếng nói chung, tôn trọng nhưng cũng không quên trách nhiệm đối với công việc và tập thể.

Hà Nội - Mỗi khi lương về, Bảo Quỳnh đều rút toàn bộ thành tiền mặt, phân bổ chi tiêu theo tháng, tuần, để tránh 'vung tay quá trán'.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN