Gen Z đòi hỏi cao khi đi làm: Là xứng đáng vì sự nỗ lực hay ảo tưởng do “cái tôi” quá lớn?

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Không chỉ đơn thuần để trang trải phí sinh hoạt, nhiều bạn sẵn sàng vừa làm vừa học để "bỏ túi" thêm kinh nghiệm cho chuyên ngành mình đã chọn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà không ít nhà tuyển dụng phải đau đầu trước những “yêu sách” của Gen Z. Vậy những đòi hỏi này là điều xứng đáng của sự nỗ lực hay chỉ là sự ảo tưởng do “cái tôi” quá cao?

"Nhảy việc" liên tục là đúng hay sai?

Gen Z là thế hệ được tiếp xúc với đa lĩnh vực nhờ sự phát triển vượt bậc của nền thông tin số. Nhiều cơ hội rộng mở cùng với việc chưa phải chịu áp lực tài chính quá nặng nề nên nhiều bạn trẻ không ngần ngại “nhảy việc” liên tục. Điều này dẫn đến văn hóa “thích thì nghỉ’, “đi làm không vì tiền nhưng ít tiền chưa chắc đã làm” khiến nhiều công ty đau đầu khi làm việc cùng họ.

Lệ Quỳnh ở thì hiện tại sẽ suy nghĩ thật kĩ trước khi “nhảy việc”. Ảnh: NVCC

Lệ Quỳnh ở thì hiện tại sẽ suy nghĩ thật kĩ trước khi “nhảy việc”. Ảnh: NVCC

Bạn Phạm Thị Lệ Quỳnh (sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM) tâm sự: “Mình đã nhảy việc hồi năm nhất khi vừa lên Sài Gòn. Mình đã nghĩ rằng khi mang danh là sinh viên của một trường có tiếng thì mình sẽ còn nhiều cơ hội khác. Nhưng khi nhìn nhận vấn đề kĩ hơn thì mình đang vô trách nhiệm với tổ chức khi nghỉ giữa chừng như vậy. Hơn nữa còn vô trách nhiệm với bản thân, với sự phát triển của chính mình khi cứ thấy khó là bỏ.”

Với trải nghiệm của mình, Lệ Quỳnh rút ra được bài học cho bản nhân. Cô bạn không đánh giá vấn đề “nhảy việc” là đúng hay sai. Quỳnh cho rằng Gen Z sẽ chọn rời đi khi thấy mình đã học hỏi được hết kinh nghiệm ở môi trường cũ hoặc khi nhận được “offer” tốt hơn, xứng đáng với năng lực tại thời điểm đó.

“Qua câu chuyện của bản thân, mình thấy không có lựa chọn đúng hay sai, nếu bạn trải qua đủ rồi và muốn tìm kiếm thách thức lớn hơn, bạn hoàn toàn có thể tìm công việc mới. Nhưng nếu bạn là người cả thèm chóng chán thì mình khuyên bạn nên suy nghĩ thật kỹ rồi mới quyết định nhảy việc” - Lệ Quỳnh chia sẻ.

Khi kỳ vọng chênh lệch quá lớn so với thực tế

Mức lương trung bình mà một số Gen Z mong muốn cho công việc đầu tiên sau khi ra trường là khoảng hơn 8 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, 88% sinh viên Khá/ Giỏi đặt mục tiêu trở thành Quản lý trong vòng 2 năm. Tuy vậy, theo khảo sát, không ít Gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1 - 2 năm qua có dấu hiệu “vỡ mộng” khi kỳ vọng của họ chênh lệch quá lớn so với thực tế.

Thu Diễm cho rằng nên biết rõ năng lực của bản thân trước khi đưa ra bất kì đề nghị công việc. Ảnh: NVCC

Thu Diễm cho rằng nên biết rõ năng lực của bản thân trước khi đưa ra bất kì đề nghị công việc. Ảnh: NVCC

Bạn Trần Thu Diễm (sinh viên Học viện Ngoại giao, Hà Nội) cho rằng năng lực của mỗi người là khác nhau. Có những bạn dày dặn kinh nghiệm nhưng vẫn có nhiều bạn còn non, chưa cọ xát nhiều với môi trường công việc nhưng vẫn đòi hỏi quá cao.

“Mình nghĩ rằng cần phải tự hỏi bản thân mình là ai, đang đứng ở vị trí nào để có hướng đi phù hợp. Không nên đòi hỏi quá cao khi bản thân chưa đủ năng lực. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà tuyển dụng và cũng bất lợi cho chính bản thân chúng ta. Thị trường lao động vô cùng gắt gao, chính vì thế mình sẽ khiêm tốn trau dồi bản thân qua vị trí thực tập trước rồi phấn đấu lên những vị trí cao hơn. Một khi đã có năng lực tốt thì chắc chắn sẽ có chế độ đãi ngộ phù hợp với bản thân”, Thu Diễm chia sẻ.

Lý giải cho những yêu cầu cao về công việc và mức lương của Gen Z

Theo bạn Nguyễn Thị Phương Thùy (sinh viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM), không quá khó hiểu khi Gen Z đặt ra những tiêu chuẩn cao như thế.

Phương Thùy cho rằng Gen Z sẵn sàng đương đầu với khó khăn nhưng giá trị công việc mang lại cho họ phải xứng đáng. Ảnh: NVCC

Phương Thùy cho rằng Gen Z sẵn sàng đương đầu với khó khăn nhưng giá trị công việc mang lại cho họ phải xứng đáng. Ảnh: NVCC

“Gen Z được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ rất sớm, họ có thể học hỏi những kiến thức trên toàn thế giới mà không bị giới hạn. Đây là điều mà các thế hệ trước không có, chính vì thế Gen Z có xu hướng đưa ra nhiều yêu cầu khi đi làm”, Phương Thùy chia sẻ.

Sự lựa chọn nghề nghiệp của Gen Z cũng khác. Nhiều người bắt đầu đi làm sớm hơn để khi ra trường có thể đạt được vị trí mình muốn. Điều đó cũng nâng mức cạnh tranh và áp lực lên tầm cao mới. Phương Thùy nói thêm: “Quyền lợi tốt, môi trường làm việc tích cực là những yêu cầu chính đáng mà ai cũng mong muốn. Gen Z là thế hệ sẵn sàng cống hiến nhưng họ sẽ không vì thế mà làm việc bạt mạng đâu! Mình không ngại khó khăn đâu, chỉ cần mình được trả công xứng đáng với giá trị mà bản thân mang lại thôi.”

Ngoài ra, cô bạn còn mong muốn một môi trường làm việc win-win (cùng phát triển, cùng có lợi) chứ không phải “bào mòn” nhân viên. Bên cạnh đó sếp phải lắng nghe ý kiến của nhân viên và môi trường sáng tạo.

"Với mình, những điều trên không phải đòi hỏi quá đáng. Bởi lẽ, Gen Z có lợi thế là trẻ, tiếp thu nhanh và dễ thích nghi. Họ không đợi đến lúc đi làm mới học mà trang bị rất nhiều kỹ năng rồi mới tham gia thị trường lao động. Suy cho cùng những gì Gen Z phấn đấu cũng chính là để phù hợp với môi trường thực tế ngày càng trở nên cạnh tranh, khắc nghiệt mà thôi!”, Phương Thùy kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Người trẻ và câu chuyện “nhảy việc”

Tại các doanh nghiệp, làn sóng nhảy việc của người trẻ đang ngày càng phổ biến hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tâm ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN