Gặp tác giả của những bộ ảnh thức tỉnh lòng người
Những đứa trẻ luôn tự tạo ra sự bí ẩn trong tâm hồn, hãy dùng tình yêu thương “chạm” vào trái tim chúng để thấu hiểu chúng cần gì?
Mới đây, cộng đồng mạng vừa được một "phen giật mình" khi theo dõi bộ ảnh “Em bé công nghệ”, lột tả vẻ mặt vô hồn của đứa trẻ “nghiện” smartphone. Bộ ảnh đã thức tỉnh nhiều người, nhất là những bậc cha mẹ đang hằng ngày nuông chiều con cái bằng những món đồ công nghệ vô hồn, khiến chúng xa dần với cuộc sống thực và mất đi khoảnh khắc đẹp trong thế giới trẻ thơ.
Bộ ảnh "Em bé công nghệ" thức tỉnh cộng đồng mạng
Tác giả của bộ ảnh là nhiếp ảnh trẻ Đỗ Xuân Bút (sinh năm 1992). Bên cạnh bộ ảnh “Em bé công nghệ”, Xuân Bút còn thực hiện bộ ảnh “Đứa trẻ vô gia cư” gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng.
Cùng trò chuyện với Đỗ Xuân Bút để hiểu thêm thông điệp anh gửi gắm trong những bộ ảnh thức tỉnh lòng người:
Không biết Xuân Bút có bất ngờ khi những bộ ảnh của bạn được đông đảo cư dân mạng biết đến?
Mình rất bất ngờ. Tiếp sau đó là vui và phấn khởi. Còn gì hạnh phúc hơn khi “đứa con tinh thần” của mình được mọi người ủng hộ.
Bạn tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, phải chăng hiểu được tác động của công nghệ đến đời sống con người nên mới thực hiện bộ ảnh “Đứa bé công nghệ”?
Có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng có thể đó là duyên số. Không chỉ những người học công nghệ thông tin như mình mà hầu hết mọi người đều hiểu được, công nghệ thông tin có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người.
Đỗ Xuân Bút, tác giả của bộ ảnh "Em bé công nghệ"
Nhưng trải qua những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường đại học, hàng ngày tiếp xúc với máy tính, công nghệ, mình mới “thấm” được công nghệ thông tin cũng có những tác động tiêu cực đến con người, đặc biệt là trẻ em. Đó là lứa tuổi cực kỳ nhạy cảm và có thể phải chịu nhiều tác động nhất của mặt trái công nghệ. Bởi vậy, mình muốn thực hiện bộ ảnh này để thức tỉnh người lớn, những bậc làm cha mẹ, hãy giúp con trẻ kiểm soát việc sử dụng công nghệ của chúng.
Trẻ em là mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước. Các công bố, bà mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con mình thay vì mải mê kiếm tiền để chúng làm bạn với những chiếc Ipad hay smartphone…
Hình như bạn có sử dụng kỹ xảo trong bộ ảnh?
Mình chỉ sử dụng những thao tác photoshop cơ bản như patch (xóa bỏ khuyết điểm), clone (nhân bản) và chỉnh màu nhẹ nhàng bằng công cụ cruvel.
Bộ ảnh "Em bé công nghệ" được bạn thực hiện trong bao lâu?
Mình lên ý tưởng cho bộ ảnh trong 1 tuần và thực hiện trong hai ngày.
Đỗ Minh Phong, em bé trong bộ ảnh
Cộng đồng mạng vừa được biết đến bộ ảnh khác của bạn, đó là “Đứa trẻ vô gia cư”. Hầu như các bộ ảnh của bạn đều hướng tới trẻ em, tại sao vậy?
Mình rất thích trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ nhút nhát, ít nói giống mình. Thế giới trẻ thơ tồn tại rất nhiều điều bất ngờ và thú vị. Chúng luôn tự tạo ra sự bí ẩn trong tâm hồn, bằng cách nào đó mình muốn chạm vào để cảm nhận và thấu hiểu suy nghĩ của chúng.
Bạn tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng lại theo đuổi con đường trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Điều gì khiến bạn có quyết định như vậy?
Mình học công nghệ thông tin nhưng lại rất đam mê nhiếp ảnh. Mình từng yêu máy tính, thích tìm hiểu những thứ liên quan đến nó nhưng tình yêu đó không thể vượt qua niềm đam mê chụp ảnh. Mình từng nghĩ, nếu buộc phải chọn lựa, chắc chắn mình sẽ chọn máy ảnh thay vì máy tính.
Bạn có học qua lớp đào tạo nhiếp ảnh nào không?
Mình không học qua lớp đào tạo nhiếp ảnh nào. Các khóa đào tạo nhiếp ảnh cơ bản có thể tự tìm hiểu trên internet và sách báo. Mình khuyên những người có đam mê nên tự tim hiểu và học tập. Hơi mất thời gian nhưng sẽ hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh và chắc chắn là sẽ yêu cái nghề này hơn đấy (cười).
Bộ ảnh "Đứa trẻ vô gia cư" lay động cộng đồng mạng của Đỗ Xuân Bút
Bạn có thể giới thiệu đôi chút về cậu bé xuất hiện trong hai bộ ảnh “Em bé công nghệ” và “Đứa trẻ vô gia cư”?
Bé là Đỗ Minh Phong, năm nay lên 6 tuổi, là cháu họ mình. Bé từng sinh non và phải nuôi trong lồng kính. Năm nay bé vào lớp 1 rồi nhưng vẫn nói ngọng nhưng rất kháu khỉnh và lanh lợi.
Đặc biệt, những biểu cảm của bé trong bộ ảnh đều là tự nhiên, mình không hướng dẫn hay sắp đặt quá nhiều. Có lẽ, bé cũng phần nào hiểu được thông điệp mình muốn truyền tải.
Bạn có dự định gì cho bộ ảnh tiếp theo chưa?
Mình chắc chắn sẽ thực hiện nhiều hơn các bộ ảnh mang giá trị nhân văn hướng tới trẻ em, còn dự định cụ thể cho phép mình được giữ bí mật.
Cảm ơn bạn và chúc bạn thành công trên con đường đã chọn!