Gặp nữ sinh Sư phạm đoạt giải Ba ‘Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới’
Không chỉ học giỏi, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn - Hội, Nguyễn Thị Thanh Trúc (21 tuổi, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) còn nổi bật với tính cách hoà đồng, thân thiện và cởi mở. Nhờ siêng năng, ham học hỏi, Thanh Trúc vừa đoạt giải Ba cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới năm 2024”.
Năm nay, cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” được tổ chức từ ngày 15/8 đến 4/9, tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, với sự tham gia của 147 thí sinh đến từ 95 quốc gia.
Tham gia “Nhịp cầu Hán ngữ” tại Trung Quốc
Tháng 5/2024, Nguyễn Thị Thanh Trúc đoạt giải Nhất vòng Sơ loại cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ” tại khu vực phía Nam, giành một trong hai tấm vé đại diện Việt Nam tham gia vòng Chung kết tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Hơn 20 ngày dự thi ở Trung Quốc, nữ sinh ngành Ngôn ngữ Trung trải qua các phần thi đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức về đất nước Trung Quốc như: Thuyết trình, tài năng, phản biện… và lọt Top 30 (toàn châu Á chỉ có 7 thí sinh lọt Top 30). Đáng chú ý, Trúc là thí sinh Việt Nam duy nhất tham gia đường đua top 30.
Thanh Trúc tại vòng chung kết "Nhịp cầu Hán ngữ". (Ảnh: NVCC)
Tại vòng Chung kết, Thanh Trúc diện áo dài trắng, lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo. Với vốn kiến thức cùng sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hoá và con người Trung Quốc, Thanh Trúc đã vượt qua các phần thi và ghi tên mình khi đoạt giải Ba chung cuộc.
Thanh Trúc cho biết, trong những ngày tham gia cuộc thi tại Trung Quốc, cô thường xuyên sử dụng tiếng Trung để giao tiếp với Ban Tổ chức và những thí sinh khác. Nhờ đó mà năng lực ngôn ngữ của Trúc ngày càng tiến bộ. Ngoài ra, Thanh Trúc còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu và giao lưu văn hoá Trung Quốc. Trong đó, ấn tượng nhất với Trúc là được tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật trà đạo của Trung Quốc.
Thanh Trúc tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật trà đạo của Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)
“Nhịp cầu Hán ngữ” đã mở ra nhiều cơ hội, nhiều trải nghiệm mới cho nữ sinh ngành Ngôn ngữ. Tại cuộc thi, Thanh Trúc có cơ hội được giao lưu với những người bạn đến từ nhiều quốc gia, được sử dụng tiếng Trung nhiều hơn và có cơ hội giao lưu tiếng Trung với người bản địa. Đặc biệt, cô được tham quan nhiều nơi ở tỉnh Phúc Kiến và Thủ đô Bắc Kinh, qua đó, hiểu hơn về đất nước và con người Trung Quốc.
Nữ sinh giao lưu cùng với bạn bè quốc tế. (Ảnh: NVCC)
“Nhịp cầu Hán ngữ sinh viên thế giới” là cuộc thi dành cho sinh viên quốc tế về năng lực ngôn ngữ Trung Quốc, với nội dung xoay quanh về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử đất nước và con người Trung Hoa. Vòng Sơ loại của cuộc thi được tổ chức tại các nước và vòng Chung kết được tổ chức tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cơ duyên với ngôn ngữ Trung Quốc
Nguyễn Thị Thanh Trúc sinh ra và lớn lên trong một gia đình miền biển ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Cơ duyên đưa Thanh Trúc đến với ngôn ngữ Trung Quốc rất tự nhiên. Ngày nhỏ, nữ sinh rất thích xem những bộ phim Trung Quốc, cô cảm thấy thích thú với văn hoá, lịch sử Trung Quốc và dành tình cảm đặc biệt với quốc gia này. Từ đó, Thanh Trúc khao khát tìm hiểu sâu hơn về văn hoá, ngôn ngữ, đất nước và con người nơi đây. Năm 2021, Nguyễn Thị Thanh Trúc bắt đầu theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM.
Những ngày đầu tiếp cận với tiếng Trung, Thanh Trúc không khỏi bỡ ngỡ với ngôn ngữ mới này. Thanh Trúc chia sẻ: “Khi mới bắt đầu học, mình phát âm không chuẩn, không hay và tự nhiên. Sau đó, mình đã đăng ký học một khóa học chỉnh phát âm chuẩn ngắn hạn”. Nhờ vậy mà phát âm của Trúc ngày càng chuẩn, giọng nói trong veo và truyền cảm.
Không chỉ gặp khó khăn về cách phát âm, việc ghi nhớ Hán tự cũng là khó khăn mà Thanh Trúc phải đối mặt. Theo nữ sinh, chữ Hán sau một thời gian không gặp hay sử dụng thì việc quên mặt chữ, quên cách viết cũng là điều dễ hiểu. Với Thanh Trúc, việc thường xuyên luyện chữ và làm bài tập trong sách để tiếp xúc với chữ Hán nhiều hơn là một cách ghi nhớ chữ Hán.
Thanh Trúc rất chú trọng việc học ngoại ngữ, bởi chúng có rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong thời toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Việc biết thêm một ngoại ngữ giúp bạn trẻ có nhiều cơ hội việc làm, tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu quý và tự tin hơn trong cuộc sống.
Nhờ sự chăm chỉ luyện tập, ham học hỏi, tháng 12/2023, Thanh Trúc đạt chứng chỉ tiếng Trung HSK5, với 281 điểm. Ngoài ra, Trúc còn đoạt giải cao trong nghiên cứu khoa học cấp Khoa, cấp Trường, là sinh viên xuất sắc toàn diện khoa Tiếng Trung, với 5 kỳ đạt học bổng Khuyến khích học tập.
Không chỉ học giỏi, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, mà trong các mối quan hệ với bạn bè, Thanh Trúc luôn nhiệt tình giúp đỡ. Nói về người chị khoá trên của mình, Lê Nguyệt Thanh Trúc (K48, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc) không khỏi tự hào và ngưỡng mộ: “Chị Trúc là một người rất hoà đồng. Đối với các em khoá dưới, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ các em trong học tập; đối với các đàn anh, đàn chị hay các bạn cùng khoá đều thân thiện và cởi mở. Hơn nữa chị Trúc luôn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, các chương trình học thuật”.
Sau khi tốt nghiệp, Thanh Trúc dự định sang Trung Quốc du học. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về hành trình sắp tới, Nguyễn Thị Thanh Trúc dự định sẽ sang Trung Quốc du học Thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế và có nguyện vọng về nước giảng dạy tiếng Trung.
Những Thành tích nổi bật mà Thanh Trúc đạt được: - Giải Khuyến khích Sinh viên Nghiên cứu khoa học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM, năm học 2023 - 2024. |
Hà Nội - Từng mơ ước đến Thanh Hoa nhưng sau khi giành được học bổng, Việt Hà nhận ra đam mê lớn với nghề giáo nên quyết định bỏ để học sư phạm.
Nguồn: [Link nguồn]