Gặp người "mắng" 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp

Bên cạnh những người nói tôi lên giọng “bố đời”, cũng có những người nhắn tin cảm ơn bài viết vì nó đã đánh thức họ

Mỗi khi con số thống kê tình trạng cử nhân thất nghiệp được công bố, dư luận lại được một phen giật mình. Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa được mở ra nhằm lý giải tại sao các cử nhân đã được đào tạo chuyên môn trong suốt 4 năm đại học mà ra trường vẫn thất nghiệp.

Gặp người "mắng" 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp - 1

Giải quyết việc làm cho cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đang là một bài toán khó  (ảnh minh họa)

Mới đây, bài viết “Đứng dậy đi những thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp” của CEO Nguyễn Minh Ngọc (Giám đốc Gemslight Company Ltd)  bàn về con số 178.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, anh đã “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều bạn trẻ Việt lười biếng, thiếu đam mê hiện nay nhưng cũng không ít người nghĩ kết luận của anh là chủ quan và phiến diện.

Cùng trò chuyện với CEO Nguyễn Minh Ngọc để hiểu hơn về quan điểm của anh về vấn đề này:  

“Nếu bạn có giá trị sẽ không ai "buông tha" bạn”

Bài viết “Đứng dậy đi những thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp” của anh vừa qua nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng, theo anh, tại sao lại như vậy?

Tôi viết bài này rất ngẫu nhiên . Lúc đó là 1 giờ đêm, trong khi đọc tin tôi tình cờ nhìn thấy con số 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp. Xót xa quá! Trong khi các công ty, doanh nghiệp đang rất thiếu nguồn lao động thì vẫn có bằng ấy con người không có việc làm. Tại sao lại như vậy? Ngay lập tức, tôi muốn viết gì đó nói lên suy nghĩ của mình.

Tôi cũng không thấy lạ khi bài viết được nhiều người quan tâm bởi vấn đề tôi nói đến được để ý từ rất lâu rồi. Bài viết này chỉ tạo ra một diễn đàn cho mọi người tranh luận, bày tỏ quan điểm mà thôi. Cũng giống như trên sân cỏ, bạn tung ra một quả bóng cho nhiều người đá vậy.

Với bài viết này, có khá nhiều người nói anh lên giọng “bố đời”, đưa ra những lời kêu gọi sáo rỗng mà không có biện pháp cụ thể, anh nghĩ sao?

Tôi không thể đưa giải pháp cụ thể cho tất cả các ngành được.Tôi chỉ muốn thức tỉnh những cử nhân đang thất nghiệp, thay vì lười biếng, than trách, đổ lỗi cho xã hội thì hãy chăm chỉ, quyết tâm làm tốt việc mình có thể làm. Còn biện pháp cụ thể cho từng vấn đề, từng lĩnh vực hãy để các nhà chuyên môn thực hiện. Vì họ là sự lựa chọn tốt nhất chứ không phải tôi.

Bên cạnh những người nói tôi lên giọng “bố đời”, cũng có những người nhắn tin cảm ơn bài viết vì nó đã đánh thức họ. Một ý kiến, quan điểm cá nhân luôn nhận được những phản ứng trái chiều. Đó là quy luật. Xin nói thêm, đây cũng là lần đầu tiên tôi “chửi bậy” trên Facebook, vì tôi biết, trong trường hợp này, phải sử dụng ngôn ngữ mạnh thì mới chạm được đến cảm xúc của người đọc.

Gặp người "mắng" 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp - 2

CEO Nguyễn Minh Ngọc

Theo như những gì viết ra thì dường như anh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến con số 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp là do bản thân mỗi sinh viên chưa thực sự năng động, quyết tâm… chứ không hẳn do nền giáo dục yếu kém, đào tạo ồ ạt, cơ chế kinh tế khó khăn…?

Tôi và bạn đều từng là sinh viên nên chắc chắn biết, có những ngày chúng ta lười biếng, chúng ta chơi nhiều hơn học, thậm chí có những lúc không biết học để làm gì. Chúng ta thiếu đam mê và sự quyết tâm.

Nền giáo dục có tốt đến đâu, môi trường học và thầy cô có giỏi đến đâu thì cũng chỉ có thể cho bạn 20% kiến thức. 80% còn lại bạn phải tự tìm tòi, học hỏi. Bạn phải tự trau dồi những thứ cần thiết để sau này kiếm được cơm ăn.

Sẽ có 2 vế cần quan tâm, học để biết và học để truyền tải điều mình biết đó cho người khác đón nhận nó nữa. Đa phần các bạn thất nghiệp làm không tốt vế thứ 2.

Nhưng rất nhiều người phản ánh rằng, họ học chăm chỉ, kết quả tốt nhưng vì cơ chế kinh tế khó khăn lại thêm tình trạng "con ông cháu cha"… nên cuối cùng vẫn “không có duyên” với công việc?

Đó là suy nghĩ tiêu cực, là cách họ an ủi bản thân khi thất  bại. Đào tạo ồ ạt, kinh tế khó khăn, con ông cháu cha… đều là những yếu tố bên ngoài, là chuyện của xã hội chứ không phải chuyện của bạn. Cái bạn cần quan tâm chính là kiến thức và con người của bạn kia.

Trong khi đám đông đang mải đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài thì bạn hãy tập trung hoàn thiện mình, tạo ra giá trị cho bản thân. Tôi dám khẳng định, nếu bạn có giá trị thì không ai buông tha bạn.

Theo anh, có khi nào những  con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp này khiến cho con đường học đại học bị hoài nghi? Đặc biệt, trên thế giới còn có rất nhiều tấm gương tỷ phú từng bỏ ngang đại học?

Họ bỏ học không có nghĩa là ngừng học. Họ chỉ tìm đến môi trường học tập khác phù hợp hơn mà thôi. Trên thực tế, mỗi nhà tỷ phú đều có một thư viện sách để học tập.

Chúng ta cũng không nên hoài nghi về môi trường đại học. Nếu bạn biết cách học, nó sẽ cho bạn vô vàn thứ. Trường đại học là môi trường rất tốt cho bạn tận dụng để thử nghiệm những kỹ năng, ví dụ như thuyết trình, vì rằng nếu bạn thất bại thì hậu quả sẽ không lớn. Khi ra cuộc sống, nếu bạn thuyết trình thất bại thì hậu quả sẽ hoàn toàn khác. Hãy tận dụng mọi cơ hội được trải nghiệm trong trường đại học.

“Hãy tìm cách gửi xe để vào phỏng vấn”

Từng ở vị trí tuyển dụng, đã bao giờ anh bị sốc trước sự ngô nghê, thiếu hiểu biết của các cử nhân, thạc sỹ tham gia ứng tuyển?

Tôi từng hỏi một ứng viên là: “Bạn có biết vào công ty này để làm gì không?”. Họ bảo “không biết”. Một sự thật thà đến ngô nghê.

Gặp người "mắng" 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp - 3

Theo anh Minh Ngọc, điều quan trọng nhất của một sinh viên mới ra trường không phải là kinh nghiệm mà là sự cầu tiến và quyết tâm

Vậy đã bao giờ anh gặp trường hợp một nhân viên chưa có bằng đại học làm việc tốt hơn một cử nhân, thạc sỹ?

Quá nhiều. Và những trường hợp, những câu chuyện này cũng từng được nhắc đến rất nhiều rồi, tôi nghĩ mình chẳng cần phải nói gì thêm.

Công ty của anh khi tuyển nhân viên thường đặt ra những tiêu chí gì và tiêu chí nào được đề cao nhất?

Kiến thức, kỹ năng… và cái quan trọng nhất chính là sự cầu tiến. Tôi là một CEO nhưng cũng là một người đào tạo kinh doanh. Tôi muốn nhân viên của mình sau này làm chủ và tôi và họ là bạn.

Khi phỏng vấn tuyển dụng, chúng tôi nhìn vào phong thái, ngữ điệu… của ứng viên nhiều hơn là nghe họ nói. Chúng tôi không quan tâm nhiều đến những việc họ đã làm, thành công họ đã đạt được. Cái chúng tôi để ý là tâm thế của họ. Họ có quyết tâm không? Có muốn gắn bó lâu dài không? Có sẵn sàng cống hiến không?

Rất nhiều người phản ánh rằng, hầu hết các công ty tuyển dụng đều đặt ra tiêu chí 2, 3 năm kinh nghiệm, mà sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm nên thất nghiệp là chuyện đương nhiên. Anh nghĩ sao?

Công việc của chúng tôi là nghĩ ra các tiêu chí tuyển dụng mà (Cười). Trong khi đó, kinh nghiệm lại là yếu tố vô cùng cần thiết để một nhân viên làm tốt công việc của mình thì tại sao lại không đưa vào chứ?

Nhưng đặt ra tiêu chí là việc của chúng tôi còn làm hồ sơ ứng tuyển là việc của các bạn. Hãy tìm cách gửi xe đi mà vào phỏng vấn.  Hãy cho chúng tôi thấy rằng, bạn không có kinh nghiệm nhưng có gia tốc lớn, năng lượng dồi dào và đó mới chính là cái chúng tôi cần.

Khi chúng tôi yêu cầu bạn trình bày kinh nghiệm đừng nói rằng: “Em chưa có kinh nghiệm nhưng em sẽ cố gắng học hỏi”, “Em mong được tạo cơ hội cọ xát”… Doanh nghiệp có phải là sân chơi đâu mà các bạn xin vào để cọ xát, thử nghiệm?

Hãy nói với chúng tôi rằng hiện tại các bạn chưa làm được nhưng chắc chắn sẽ làm được, các bạn chưa có kinh nghiệm nhưng có những cái quan trọng hơn mà chúng tôi cần…Và chúng tôi có tin điều đó hay không hoàn toàn dựa vào ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn khi nói.

Anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống và công việc của bản thân? Khi ở tuổi 22, anh đã làm được những gì?

Tuổi 22 tôi đi trông xe, làm gia sư, gõ cửa từng nhà bán thiết bị y tế… và nuôi dưỡng ước mơ mở công ty kinh doanh.

Tôi là sinh viên ngành hóa dầu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng lại đam mê công nghệ thông tin. Ngày ra trường, tôi biết trở thành kỹ sư hóa dầu tôi sẽ có một mức lương cao. Nhưng tôi sợ dấn thân vào đó rồi sẽ không rút chân ra được nữa, niềm đam mê công nghệ cũng sẽ vì thế mà bị dập tắt nên tôi đã quyết định bỏ ngang.

 Những ngày tháng sau đó là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi. Tôi làm mọi việc để mưu sinh, bên cạnh đó cũng chia sẻ với mọi người về ước mơ của mình. Thật may mắn, tôi được rất nhiều người giúp đỡ và sau 6 tháng bán hàng rong, tôi đã mở được công ty riêng.

Xin cảm ơn anh!

 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp
Tại sao lại có đến 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN