Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

8 năm liền mới có một thí sinh nữ lọt vào chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” và 9 năm liền mới có một nữ sinh vô địch sân chơi trí tuệ này. Cô gái xuất sắc đó là Nguyễn Thị Thu Hằng (THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) - cô gái “vàng” của mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Khoảnh khắc Thu Hằng đăng quang ngôi vị quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” không chỉ cô gái ấy hạnh phúc mà rất nhiều khán giả cũng vỡ oà sung sướng. Bởi quá lâu rồi, họ mới được chứng kiến một thí sinh nữ thi đấu bản lĩnh, tự tin và chính xác đến vậy. Suốt cả hành trình, Thu Hằng cho thấy một lối chơi thông minh và trong trận chung kết năm, cô nàng đánh bật 3 chàng trai, băng băng về đích với kết quả đẹp nhất.

Tuy vậy, Thu Hằng lại được xem là quán quân thị phi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia”. Cô nàng có thói quen "chỉ tay lên trời" hay "hét lên vui sướng" mỗi lần vươn lên dẫn đầu nên bị cho là "tự tin thái quá" hay "không tôn trọng đối thủ". Trong phần Về đích của trận chung kết năm, khi đối thủ chuẩn bị thi đấu, Thu Hằng đã có biểu hiện ăn mừng vì biết mình đã giành chiến thắng chung cuộc. Cùng với niềm vui chiến thắng, cô gái Ninh Bình phải chịu khá nhiều áp lực bởi lùm xùm xung quanh sự việc này.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cô gái trên sân khấu Olympia thì rất bản lĩnh, tự tin nhưng ngoài đời lại có vẻ trầm tư, ít nói, để nghe cô nàng chia sẻ nhiều hơn về chuỗi ngày sau khi đăng quang “Đường lên đỉnh Olympia”.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 2

Trở về từ Đường lên đỉnh Olympia, cuộc sống của Hằng thay đổi thế nào?

Cuộc sống của mình cũng có đôi chút thay đổi, mình được mọi người nhận ra nhiều, hỏi han và chúc mừng. Tuy nhiên vì được biết đến nên trên mạng xã hội như Facebook hay Youtube, mình phải “trau chuốt” hơn 1 chút trong các bài đăng.

Bên cạnh đó, sau “lùm xùm” về màn ăn mừng, mình cũng có thêm một số kinh nghiệm và cũng cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm và bảo vệ từ phía những người yêu quý mình.

Thu Hằng cảm nhận được sự khác biệt thế nào trong cái nhìn của thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh đối với mình từ sau khi giành ngôi vị quán quân?

Thực ra, trước khi trở thành quán quân bạn bè, thầy cô và mọi người đã rất quan tâm và tạo điều kiện cho mình. Một chiến thắng không làm thay đổi cái nhìn mà chỉ là phần quà xứng đáng cho những tin tưởng và kỳ vọng ngay từ đầu mà mọi người đặt vào mình mà thôi.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 3

Ngôi vị quán quân của Hằng có quá nhiều điều đặc biệt: Vô địch vào dịp kỷ niệm 20 năm chương trình, là nữ quán quân sau 9 năm liền… Một người từng bình luận về chiến thắng đó rằng: “Chặng đường sau này, Hằng khó có được một cảm giác nào tuyệt vời hơn thế!”. Bản thân Hằng nghĩ sao?

Quả thực, niềm vui của chiến thắng rất ngọt ngào và hạnh phúc mà đó còn là chiến thắng bao năm qua mình phấn đấu để đạt được nữa. Còn về những điều đặc biệt, mình nghĩ đó là 1 sự trùng hợp vì cá nhân mình cho đến khi mọi người nói ra những điều đó, mình mới nhận ra.

Mình thì không lo lắng bản thân khó có được một cảm giác nào tuyệt vời hơn thế bởi, ngoài Olympia, còn rất nhiều đỉnh núi khác, chỉ là chúng ta có đủ mạnh dạn chinh phục hay không thôi.

Mình không ngại việc giảm phong độ bởi mình quan niệm, sau khi đã leo lên đỉnh của một ngọn núi nào đó rồi thì để chinh phục tầm cao mới, mình buộc phải có giai đoạn xuống dốc để còn trèo tiếp sang đỉnh núi khác.

Khi bị mọi người chỉ trích là tự tin thái quá và thiếu tôn trọng đối thủ, cảm giác của Hằng thế nào?

Mình đã quen với điều đó từ trận thi quý. Mình khá buồn và tủi thân nhưng cũng chỉ biết chắt lọc những lời góp ý và tiếp tục công việc học hành của mình.

Ở trận chung kết năm, nhiều người nói mình không tôn trọng đối thủ khi ăn mừng lúc Dũng Trí tâm sự không giành được vòng nguyệt quế. Thực tế, khi ấy mình chỉ hơn Quốc Anh 85 điểm, nếu Dũng Trí chọn gói 30-30-30 thì mình vẫn căng thẳng bởi nếu Quốc Anh “ăn hết” sẽ giành ngôi vô địch. Nhưng Dũng Trí lại chọn gói 20-30-30 thì mình biết bản thân đã thật sự chiến thắng rồi.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 4

Trong cuộc sống thường ngày, Hằng đã bao giờ bị cho là tự tin đến mức kiêu ngạo chưa?

Mình nghĩ là chưa. Mọi người nhận xét mình tự tin chứ bản thân lại thấy làm việc gì cũng thấp thỏm lo lắng và cảm giác còn thua kém nhiều lắm. Chỉ là khi hành động, mình không thể hiện sự lo lắng ấy ra ngoài quá nhiều mà thôi.

Dẫu là vậy thì Hằng vẫn được mọi người yêu mến bởi rất tự tin và bản lĩnh khi thi đấu. Hằng đã vun đắp sự tự tin ấy bằng cách nào?

Tự tin luôn là một trong những kỹ năng mềm mà mình phấn đấu rèn luyện. Mình nhận ra, khi bản thân không suy nghĩ sự việc quá nhiều, tập trung vào làm việc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì không có lý do gì phải run sợ hết.

Đã chắc có 1 suất học bổng du học Úc trong tay, Hằng có được “thả lỏng” hơn trong việc học tập tại trường?

Ngược lại với mọi người nghĩ “chắc suất học bổng rồi thì sẽ xem nhẹ việc học trên lớp”, mình thấy đã trở thành quán quân Olympia thì càng phải học tập tốt hơn.

Mình cũng không muốn bản thân mãi chỉ dừng lại với danh hiệu quán quân Olympia. Lớp 12 rồi nên mình sẽ cố gắng thi THPT Quốc gia thật tốt, dành thời gian cho hoạt động của câu lạc bộ trường và chuẩn bị thật tốt ngoại ngữ phục vụ cho việc đi du học sắp tới.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 5

Hằng đã có dự đinh gì về ngành học cũng như tương lai sau khi tốt nghiệp đại học?

Mình đang phân vân giữa 1 vài ngành nghề nên chưa có quyết định chắc chắn nào. Tương lai sau khi tốt nghiệp đại học cũng vậy, về nước hay ở lại, mình chưa nói trước được điều gì. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, dù làm việc ở đâu mình vẫn sẽ hướng về quê hương.

Suốt chặng đường Olympia, Hằng gây ấn tượng mạnh cho khán giả bởi khối kiến thức rộng. Hằng có phải là một “học sinh mọt sách”?

Mình tự thấy bản thân không phải “mọt sách” bởi ít khi học thâu đêm suốt sáng. Thực ra, sức khoẻ của mình khá yếu, mắt cũng cận nặng rồi, không “mọt sách” được.

Mình chỉ học khuya khi sắp đến một kỳ thi quan trọng thôi, ví dụ như thi “Đường lên đỉnh Olympia” chẳng hạn. Thường thì mình sẽ đi học cả sáng và chiều, chiều tối thì đi tập cầu lông, đi chơi hoặc đi tập đàn. Thi thoảng mình có đi du lịch.

Nghe nói, sau khi sửa nhà xong, Hằng phải chuyển 7 chuyến mới hết số sách của mình?

Đúng là vậy (cười). Tài sản quý giá nhất của mình hiện tại chắc là sách vở nên trong phòng toàn là sách vở mà thôi.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 6

Olympia từng bị coi là chương trình thử thách trí nhớ và vì thế mà không được đánh giá cao. Hằng nghĩ sao?

Là một thí sinh của chương trình, mình thấy nhận xét đó không chính xác.

Đúng là với 1 gameshow như “Đường lên đỉnh Olympia” thì yêu cầu trí nhớ là rất cao nhưng để nhớ được lượng kiến thức khổng lồ phục vụ trong cuộc thi thì nhớ “cơ học”, nhồi nhét chắc chắn không thể vào các vòng sâu được.

Gặp lại nữ quán quân gây tranh cãi nhất lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” - 7

Chúng mình cần ghi nhớ kiến thức nền tảng của các môn học, sau đó vận dụng, liên kết, xâu chuỗi hiểu biết của bản thân để đưa ra đáp án. Đặc biệt là phần Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc, yêu cầu logic rất cao và phản ứng cũng phải rất nhanh thì mới đưa ra đáp án được.

Đánh giá thí sinh Olympia chỉ học thuộc bài thì thật sự hơi bất công. Vì trong quá trình ôn tập, ngoài ghi nhớ, luyện tư duy logic thì chúng mình còn được rèn luyện thêm nhiều kĩ năng khác như : cách tìm hiểu thông tin về một lĩnh vực nào đó, rèn sự tự tin, bản lĩnh trên sân khấu… Đây là những kĩ năng được thu nhặt “ngầm” khi đến với Olympia.

Ngoài ra, bên cạnh các câu hỏi xã hội, Olympia có rất nhiều câu hỏi khó về tự nhiên mà tư duy không nhanh sẽ không trả lời được. Đây là những kiến thức đâu phải cứ học thuộc là được đâu!

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Thu Hằng!

 

Bài viết: Hạ Nhiên

Thiết kế: Nãm Trung Nguyên

Sự kiện: Giới trẻ 2025
Thứ Tư, ngày 30/12/2020 00:00 AM (GMT+7)
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN