Gặp lại chàng thủ khoa đặc biệt nhất năm 2013

Câu chuyện người cha 10 năm sống trong cống nuôi con đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội cho đến giờ vẫn khiến nhiều người thán phục.

Mọi người gọi Nguyễn Hữu Tiến (sinh năm 1995, sinh viên trường ĐH Y Hà Nội) là thủ khoa nổi tiếng nhất năm 2013, không phải chỉ bởi cậu có thành tích học tập đáng nể mà còn vì cậu có một người cha vĩ đại, từng chấp nhận sống 10 năm lều bạt, vỉa hè, thậm chí chui trong ống cống để nuôi con đỗ đại học.

Hai năm trôi qua, xuất hiện thêm nhiều thủ khoa đại học xuất sắc khác nhưng câu chuyện về chàng thủ khoa ĐH Y Nguyễn Hữu Tiến vẫn được nhắc đến như tấm gương sáng để mọi người noi theo về ý chí, nỗ lực theo đuổi con đường học tập, thoát nghèo.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhưng không nên nhớ mãi, nhớ lâu”

Thời điểm này hai năm trước, cái tên Nguyễn Hữu Tiến xuất hiện rất nhiều trên báo đài, các trang tin truyền thông, trong những câu chuyện phiếm nơi vỉa hè, công sở…

Gặp lại chàng thủ khoa đặc biệt nhất năm 2013 - 1

Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình

Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 – 2013, Hữu Tiến là thủ khoa của trường ĐH Y Hà Nội với số điểm gần tuyệt đối: 29,5 điểm (cả điểm cộng là 30,5 điểm – PV). Tài năng và sự ham học của chàng trai thủ khoa khiến nhiều người ngưỡng mộ. Họ càng nể phục hơn khi biết chuyện, người cha của cậu từng có 10 năm sống trong ống cống, vỉa hè làm đủ mọi việc từ xe ôm đến công nhân xây dựng để nuôi con ăn học. Sự hy sinh to lớn của người cha cùng quyết tâm học tập thoát nghèo của cậu con trai năm ấy khiến bao trái tim lay động.

Thời điểm đó, Tiến và gia đình nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ xã hội. Gia đình cậu được sum họp trong một căn phòng trọ miễn phí trên phố Pháo Đài Láng. Mẹ cậu có công việc là trông coi chung cư, bố cậu vẫn làm nghề xe ôm kiêm sửa xe nhưng không còn phải ngủ trong ống cống chật hẹp và bấp bênh nữa. Cậu cùng người em trai sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền (hiện đang học tại trường ĐH Bách Khoa) đã có thể yên tâm học tập.

Hai năm trôi đi, chàng thủ khoa vẫn vậy, vẫn giữ được ánh mắt sáng, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh. Trò chuyện với chúng tôi, cậu chia sẻ về những thay đổi trong học tập và cuộc sống của bản thân cũng như cả gia đình trong hai năm qua.

“Mình vừa kết thúc năm hai và đang chuẩn bị bước vào năm 3 đại học. Nhanh quá, vừa hôm nào vẫn còn ngồi bàn với bố mẹ và Tiền là sau này ra Hà Nội ở đâu, làm gì để có tiền đi học”, Tiến bắt đầu câu chuyện một cách tự nhiên.

Kết thúc 4 kỳ học, Tiến đạt kết quả khá ấn tượng: 3 kỳ khá, 1 kỳ giỏi. Cậu chia sẻ, thời điểm đầu, việc học khá chễnh choãng vì cậu chưa quen với cách dạy, cách học mới.

“Cấp 3, chúng mình thường được các thầy cô hướng dẫn tận tình, từng chút, từng chút một, lại thêm bạn bè thân quen có thể trao đổi, trò chuyện nhiều. Lên đại học, khối lượng kiến thức nhiều, thầy cô chỉ có thể đề cập đến những kiến thức quan trọng nhất, còn lại mình phải tự tìm hiểu trong giáo trình, trên internet. Nói chung, điều khác biệt khá lớn giữa học sinh và sinh viên là sự chủ động”, Tiến chia sẻ.

Nhưng khó khăn lớn nhất mà cậu bạn gặp phải không phải là chuyện học tập mà là việc cởi mở, hòa đồng với môi trường mới. Tiến vốn là người khá trầm tính nên luôn tự thấy khó khăn trong việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, mặc dù cậu bạn vẫn rất vui vẻ trò chuyện với các bạn cùng lớp về học tập, cuộc sống. Khi được hỏi lý do tại sao, cậu bạn chỉ cười: “Có thể là vì mình cảm thấy không hợp. Nhưng năm nay mình sẽ thử một lần xem sao”.

Gặp lại chàng thủ khoa đặc biệt nhất năm 2013 - 2

Hai anh em Hữu Tiến (áo đỏ) và Hữu Tiền (ảnh: Quyên Quyên)

Ngoài giờ học, Tiến còn đi dạy gia sư, kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Vì lịch học khá dày nên một tuần, cậu chỉ dạy hai buổi tại nhà cho một học sinh lớp 10 với hai môn Toán và Hóa. Mỗi buổi được 150.000 đồng, một tháng Tiến cũng có được 1,2 triệu.

Tiến đi dạy từ 7 đến 10 giờ tối. Vì quãng đường đi dạy khá xa nên công việc gia sư cũng không hề dễ dàng. Tuy vậy, Tiến vẫn tin tưởng mình có thể sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học.

Nhắc lại danh hiệu thủ khoa và câu chuyện chàng trai nghèo vượt khó từng khiến nhiều người nể phục của năm 2013, Tiến cười nói: "Nó là câu chuyện đã qua rồi. Mình chỉ coi thời khắc đó như một kỷ niệm đẹp trong đời, đáng nhớ nhưng không nên nhỡ mãi, nhớ lâu bởi cuộc sống hiện tại mới là quan trọng".

“Hiện tại mình là một sinh viên chứ không phải là thủ khoa trường Y, vì thế phải cố gắng là một sinh viên giỏi chứ không nên nhớ mãi về danh hiệu thủ khoa năm đó nữa. Thay vì đó thì mình sẽ nghĩ về những bài tập của ngày mai mà ngay tối nay phải hoàn thành”, Tiến vui vẻ chia sẻ.

Con theo đường nào, cha mẹ hy sinh theo con đường đó

Sau hai năm, cuộc sống của cả gia đình Hữu Tiến cũng đã bớt đi phần nhọc nhằn. Niềm vui lớn nhất của cả gia đình là được đoàn tụ, không còn phải bố một nơi, mẹ con một ngả nữa.

Gặp lại chàng thủ khoa đặc biệt nhất năm 2013 - 3

Ông Nguyễn Hữu Định, người cha 10 năm ở nắp cống nuôi con đỗ đại học

Cả nhà Tiến hiện đang ở trong một căn phòng trọ trên phố Tôn Thất Tùng. Căn phòng tuy không quá rộng nhưng cũng đủ cho Tiến và em trai có không gian học tập thoải mái.

Bố Tiến, ông Nguyễn Hữu Định hiện tại vẫn làm xe ôm kiêm sửa xe, hằng ngày thường đi làm từ sáng đến tối mới về nhà. Tuy vẫn làm công việc vất vả ngoài đường, nhưng hết ngày ông đã được về ăn cơm với vợ con chứ không phải một mình trong ống cống hẹp hay lều bạt vỉa hè như trước.

Mẹ Tiến hiện ở nhà nội trợ và chăm sóc con cho chị gái thứ 2 của Tiến. Còn cậu em trai sinh đôi Nguyễn Hữu Tiền, hiện đang học trường ĐH Bách khoa . Ngoài giờ học, Tiền cũng đi gia sư hai môn Toán và Hóa, kiếm thêm chút tiền giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.

“Cuộc sống gia đình mình tuy chưa đủ đầy, khá giả như các gia đình khác nhưng hiện tại rất bình yên. Tuy chuyện học tập và tương lai sau này của hai anh em đều do bọn mình định hướng nhưng bố mẹ cũng quan tâm, động viên rất nhiều. Nhìn bố mẹ lam lũ, vất vả, anh em mình không bao giờ tự cho phép mình nản chí”, Tiến tâm sự.

Nhớ lại thời điểm này 2 năm về trước, Tiến như trầm giọng xuống: “Lúc đó, cả mấy mẹ con đều không biết chuyện bố ngày đi làm, đêm về ngủ trong ống cống. Lúc biết chuyện mình thương bố lắm, nghĩ chỉ cần được ra Hà Nội học thì nhất định sẽ làm gì đó để bố đỡ vất vả hơn. Đôi lần ngồi nói chuyện, bố mình bảo: “Bố mẹ nào chẳng hy sinh vì con cái, chỉ là con cái đi theo con đường nào thì bố mẹ hy sinh theo con đường đó”. Thế nên, mình chẳng bao giờ có ý định nghỉ học, đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ. Bởi thế thì uổng phí 10 năm bố chịu thiệt hòi, vất vả để lo cho hai anh em vào đại học quá”, Tiến chia sẻ.

Với những gì bản thân Tiến và gia đình đã trải qua thì chẳng còn khó khăn nào có thể làm cậu nản chí. Dự định tiếp theo của cậu là học thật tốt cả tiếng Anh lẫn chuyên môn, ra trường với tấm bằng giỏi và cố gắng đỗ nội trú. Tiến bảo, bản thân không chắc sau này có thể trở thành ông nọ, bà kia nhưng chắc chắn sẽ lo cho bố mẹ một cuộc sống thật đầy đủ, an lành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN