Gặp 'cô đồ' xinh đẹp mê viết thư pháp, vẽ tranh thủy mạc
Gần chục năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) lại bắt gặp hình ảnh "cô đồ" trẻ trung, xinh đẹp mặc áo dài, bày mực tàu giấy đỏ say sưa ngồi viết thư pháp, cho chữ những người đi chùa cầu lộc đầu năm.
"Cô đồ" là Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Sinh viên ngành mỹ thuật, Học viện Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc). Khác hẳn với hình ảnh ông đồ già, râu tóc bạc phơ ngồi viết chữ, nhiều năm nay, người đi lễ chùa Vĩnh Nghiêm dịp đầu Xuân đã quen thuộc với hình ảnh "cô đồ" Cẩm Nhung (Tân Yên, Bắc Giang) mặc áo dài, đội vấn đỏ say sưa với những dòng thư pháp. Xuân này, "đồ Nhung" đã có 7 năm viết thư pháp tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Từng nét thư pháp hiện ra trên đôi bàn tay tài hoa của "cô đồ" Nhung uốn lượn như phượng múa, rồng bay. Nhiều người xếp hàng chờ đến lượt cho chữ. Là một khách quen, 3 năm nay, năm nào chị Lê Hồng Thắm (Yên Dũng, Bắc Giang) cũng xin chữ "cô đồ". Chị Thắm cho biết, ở chùa Vĩnh Nghiêm có 3 -4 "thầy đồ" cho chữ, nhưng chị chỉ thích và xin chữ "cô đồ" Nhung.
Bà Phạm Thị Chi, mẹ của Cẩm Nhung kể: "2 tuổi, khi chưa biết cầm đũa Cẩm Nhung đã biết cầm bút vẽ. Nhung vẽ bất kì thứ gì mình thích, từ phong cảnh quanh nhà, các con vật đến những chiếc váy búp bê xinh xinh. Có hôm, bố mẹ đi làm về thấy đầy một nhà giấy Nhung vẽ rồi bày ra. Khi học cấp 2, cấp 3, Nhung luôn là "cây báo tường" số 1 của trường. Nhung cũng tự tìm hiểu, tham gia một số cuộc thi vẽ, khi ẵm giải về, bố mẹ hết sức bất ngờ và sung sướng".
Không chỉ viết thư pháp, Nhung còn đam mê vẽ tranh phong cảnh. Cô thích vẽ nhất là dòng tranh thủy mạc. Nhung cho biết "Tranh thuỷ mạc có từ thời xa xưa được lan truyền và rất nổi tiếng đến ngày nay. Đặc điểm của dòng tranh này đó là vẽ về thiên nhiên, như núi non, sông suối, hoa lá, cây cỏ, chim muông… kết hợp với thư pháp tạo nên nét đẹp nghệ thuật rất được yêu thích ở nhiều quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Một bức tranh thủy mạc vẽ phong cảnh của Cẩm Nhung
Nhung cho biết, cô chỉ dành mấy ngày đầu Xuân viết thư pháp ở chùa Vĩnh Nghiêm. Thời gian còn lại trong năm cô vẽ tranh cho khách. Có thời điểm, khách phải đặt trước 2 -3 tháng mới nhận được tranh. Có được thành công này, Cẩm Nhung cho rằng "năng khiếu một phần, quan trọng phải không ngừng học hỏi và rèn luyện khổ công". Sau khi hết dịch, cô tiếp tục sang Trung Quốc học ngành mỹ thuật, tìm gặp học thêm một số thầy chuyên tranh thủy mạc.
Đi đến đâu, Cẩm Nhung cũng tranh thủ ghi lại cảnh sắc nơi đó. Chỉ bằng vài nét chấm phá của dòng tranh thủy mạc, tranh của cô đã có hồn, đầy sức sống.
Cẩm Nhung dự tính sẽ đi khắp Việt Nam và một số nước trên thế giới để tìm hiểu, khám phá và thỏa chí vẽ tranh phong cảnh. Cô cũng định một vài năm tới mở phòng triển lãm tranh của riêng mình tại Hà Nội.
Hiện tại, Cẩm Nhung xây dựng kênh TikTok riêng và Group Học vẽ Tranh Thủy mạc và Thư pháp Việt Trung để giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm viết thư pháp và vẽ tranh thủy mạc với những người cùng đam mê. "Vẽ tranh kiếm được bao nhiêu tiền, điều đó không quan trọng. Quan trọng là mọi người nhớ đến mình từ giá trị bản thân mang lại cho cuộc sống" - Cẩm Nhung chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Phạm Thị Thủy Tiên (sinh năm 1990) hiện là chủ nhân kênh TikTok Vẽ kể chuyện thu hút hơn 150.000 người theo dõi nhờ vào những...