Gặp chàng trai đam mê với nghề thiết kế cổ trang
Tính chất công việc phải tự làm đạo cụ, phục trang phục vụ cho một sân khấu kịch, Nguyễn Trọng Tín (27 tuổi, quê Đăk Lăk) đã dần bén duyên với thiết kế phục trang, đạo cụ, công việc đòi hỏi sự sáng tạo và khả năng tư duy cao. Tốt nghiệp lớp 12, Tín lao vào cuộc sống mưu sinh để đỡ gánh nặng cho gia đình. Chàng trai cao nguyên quyết định không học đại học để tiết kiệm chi phí.
Từ thời còn học cấp 3, Tín đã có thể tự trang trải cuộc sống bằng việc nhận biểu diễn ảo thuật tại các chương trình văn nghệ ở quê. Xuống TPHCM được tầm 7 năm, hiện tại Tín được giới nghệ sĩ biết đến nhiều với tay nghề làm đồ cổ trang và đạo cụ. "Từ lớp 1 em đã xa nhà, ba mẹ thuê trọ cho em ở gần trường. Lên cấp 2, em đi cào bồn, làm cỏ, đào hố chôn gốc cà phê kiếm thêm thu nhập. Cấp 3 thì bán thêm cá viên chiên, diễn ảo thuật. Nhà có 8 anh chị em nên phải cố gắng tự lập", Tín kể.
Theo Tín, làm trang phục cổ trang không hề đơn giản, phải tìm hiểu, tham khảo nhiều thông tin trước khi bắt tay vào thiết kế. "Với các mẫu cần tham khảo tư liệu thì khó khăn nhất khi hình ảnh không rõ, hoa văn, màu vải... các chi tiết chỉ có thể giống 80%", Tín nói về quá trình lên mẫu của mình.
"Có nhiều mẫu em đau đáu mấy tuần liền, đi tìm tư liệu, để thiết kế bản vẽ thật sinh động. Em luôn cố gắng sao cho đồ tuy là cổ trang nhưng không màu mè, tôn lên vẻ sang trọng", Tín chia sẻ.
"Đối tượng khách đa phần là các diễn viên trẻ nên từ thiết kế mẫu, tạo chi tiết, phối màu... phải thật trẻ trung, sinh động, bắt nhịp các xu hướng tông màu thời trang thịnh hành để đáp ứng nhu cầu. Có nhiều khách đặt chỉ với vài chi tiết như: tên phim, tên game, tên nhân vật... rồi mình tự tìm thông tin để thiết kế. Công việc này cần phải ra mẫu mới liên tục, khách không thể mặc một bộ quay, chụp nhiều lần", Tín tâm sự.
Tín tự mày mò các kỹ thuật cắt may, thiết kế rập...
"Không lẽ cái gì cũng phải thuê mướn, mình phải tự mò, tự thân hết... vừa biết thêm việc, vừa luyện tay nghề, vừa tiết kiệm", Tín nói vui.
Khó nhất vẫn là tìm kiếm thông tin về chi tiết trang phục, từ đó có thể cho ra bảng thiết kế phù hợp với yêu cầu hiện tại và tương ứng với lịch sử.
Thời điểm TPHCM căng thẳng vì giãn cách xã hội, Tín chất toàn bộ số trang phục của mình lên xe tải chở về quê, chờ ngày hết dịch.
Dịch tạm ổn, Tín quay lại TPHCM, thuê một căn nhà ở quận 12 để làm phục trang và chứa đồ.
Thời gian đầu không biết hư và bỏ bao nhiêu món, tính ra chắc cũng vài trăm. Để có tiền đầu tư mua nguyên liệu, Tín nhận tiền cọc của khách rồi tiếp tục mua đồ về thực hiện công việc, vừa làm, vừa sửa.
Chưa đủ sức để có thể đầu tư máy móc, tất cả phục trang, đạo cụ của Tín đều được làm bằng tay.
"Thiết kế xong rồi gia công chưa hết chuyện, khách đến mình phải hướng dẫn mặc vì có nhiều bộ khách không biết phải mặc như thế nào. Có khi các anh chị nghệ sĩ có tên tuổi cũng chưa nắm hết quy trình mặc một bộ cổ trang, mình làm nghề phải bám sát khách từ mặc áo trắng lót, đeo đai lưng, cầu vai, đội mão...", Tín nói về quá trình đưa phục trang đến tay khách hàng.
Lâu dần quen, Tín nhanh nhẹn xử lý các tình huống. Trong ảnh, Tín đang xử lý chiếc đai lưng với khách hàng có vòng 2 hơi quá khổ khi đến thuê đồ.
Trong tương lai, chàng trai trẻ mong ước xây dựng được các hội nhóm, chuyên nghiệp hơn trong gia công.
Một số hình ảnh trang phục của Tín khi diễn viên khoác lên:
Nguồn: [Link nguồn]
Vi Thị Nguyệt bỏ định hướng theo học ngành Y của bố mẹ để theo đuổi đam mê với ngành kiến trúc, không ngừng nỗ lực khẳng định bản thân trên con đường đã chọn.