Gặp chàng thanh niên 14 năm thầm lặng vá đường
Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
"Chữa lành” những cung đường
Khoảng 21h một ngày cuối tháng 11/2024 trên trục đường Hoàng Cầu, một nhóm thanh niên đang thầm lặng san đá, vá đường. Người hướng dẫn và điều tiết giao thông, nhóm khác thì đeo găng tay, dùng búa đập nát và dàn đều hỗn hợp gồm đá và nhựa đường. "Trời tuy lạnh nhưng mấy anh em chúng tôi tranh thủ vá xong mấy ổ gà trên tuyến đường này, để người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn", anh Phạm Văn Hiếu - trưởng nhóm tình nguyện "vá đường" chia sẻ.
Vừa làm vừa trò chuyện, anh Hiếu cho biết nhóm tình nguyện hiện có khoảng 300 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, có tình nguyện viên mới tham gia, nhưng cũng có người đã hàng chục năm gắn bó. Bản thân Hiếu là người khởi xướng cũng đã 14 năm lặng thầm vá đường.
Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đang vá một đoạn đường.
Hiếu cho biết, mọi việc bắt đầu từ khoảng giữa năm 2010. Một buổi tối, khi đang di chuyển trên đường về nhà, Hiếu gặp một người bị ngã xe máy. Ngay lập tức, anh dừng xe, giúp đỡ người bị nạn. Anh quan sát, thấy điểm tai nạn có ổ gà, người tham gia giao thông không để ý dẫn đến tai nạn. Về nhà, anh suy nghĩ và quyết định sẽ vá các ổ gà tại đoạn đường trên.
Nghĩ là làm, tối hôm sau anh mang ít cát, sỏi, xi măng rồi chạy xe đến điểm gặp tai nạn hôm trước. Đến nơi, anh cẩn thận trộn cát, sỏi, xi măng rồi vá ổ gà. Anh làm một mình nên đến khuya mới xong.
Các tình nguyện viên của nhóm tham gia vá đường.
Sau hôm ấy, mỗi khi tham gia giao thông, Hiếu lại để ý các tuyến đường. Anh thấy nhiều đoạn đường chưa hoàn thiện, cùng với đó là xe cộ qua lại nên xuống cấp, xuất hiện ổ gà hoặc bị nứt. Nếu người tham gia giao thông không để ý, đi trúng ổ gà có thể bị ngã, nhất là hôm mưa ngập, trời tối. Anh muốn góp chút sức mình, đem lại an toàn cho cộng đồng nên quyết định sẽ vá các ổ gà, các khu vực đường xuống cấp mà mình biết.
Để không ảnh hưởng đến việc lưu thông của mọi người, nhóm của Hiếu thường lựa chọn buổi tối hoặc ngày nghỉ để vá đường. Cứ như vậy, ngày đi làm, khi đêm xuống, cả nhóm lại cùng nhau chuẩn bị nguyên vật liệu, phân chia công việc và đến những đoạn đường có ổ gà để “thăm khám” và “chữa lành”.
Các tình nguyện viên của nhóm tham gia vá đường.
Nhóm vá đường của Hiếu hoạt động khắp Hà Nội, trong đó nhiều nhất là khu vực Thường Tín và các huyện lân cận. Thậm chí, có thời điểm nhóm đi xuống tận Hà Nam.
“Trước mỗi buổi đi vá đường, chúng tôi sẽ khảo sát, tính toán số lượng vật liệu cần thiết và số người sẽ tham gia. Khoảng 20h, sau khi cơm nước xong, mọi người sẽ lên đường. Tại điểm đường, người làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện di chuyển, người vận chuyển vật liệu... mỗi người một việc.
Các tình nguyện viên của nhóm tham gia vá đường.
Hết lòng vì cộng đồng
Hiếu bảo, những ngày đầu vật liệu dùng để vá đường là cát, sỏi, xi măng do mình tự bỏ tiền mua. Tuy nhiên, anh thấy rằng hỗn hợp này dễ bị bong tróc, tuổi thọ không cao nên nghĩ đến việc sử dụng nhựa đường. Thấy được việc làm ý nghĩa của anh, một số đơn vị làm đường đã tặng nhóm những thùng nhựa đường dở chưa sử dụng hết.
Những ngày đầu cặm cụi vá đường một mình, anh Hiếu bị những người xung quanh cho là “lập dị”. Gia đình cũng khuyên không nên “vác tù và hàng tổng”. Tuy nhiên, anh nói rằng chính mong muốn "không còn xảy ra tai nạn đáng tiếc nào" của anh đã thuyết phục bố mẹ.
Phạm Văn Hiếu hiến máu tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.
Hàng xóm, người thân cũng dần thấy được công việc thiện của anh nên ủng hộ, tham gia. Các tình nguyện viên ngoài ủng hộ công sức, còn tùy theo điều kiện kinh tế đóng góp tiền bạc. Một số đơn vị cũng ủng hộ vật liệu, áo bảo hộ, áo dạ quang.
Đến nay, Hiếu đã 14 năm thầm lặng vá đường. Tiền bạc, công sức bỏ ra là không đong đếm được. Tuy nhiên, anh chưa từng nghĩ đến việc dừng lại.
Bên cạnh đó, Phạm Văn Hiếu còn là một người ham làm việc thiện. Đến nay, anh đã có hơn 80 lần hiến máu, hiến tiểu cầu. Anh cũng là gương mặt hiến máu “thân thiết” của các bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương.
Phạm Văn Hiếu tại công trường.
Hiếu cho biết, lần đầu tiên mình đi hiến máu là vào năm 2010, tại chương trình hiến máu ở chùa Phật Quang. Sau đó, anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Hai năm thực hiện nghĩa vụ Hiếu đã hiến máu 2 lần. Sau khi trở về, anh đều đặn hiến máu, hiến tiểu cầu.
Phạm Văn Hiếu trò chuyện với phóng viên.
Ngoài ra, Hiếu còn là một tuyên truyền viên về hiến máu với người thân bạn bè. Bởi lẽ, mỗi lần đi hiến máu anh cố gắng vận động thêm ít nhất 10 người cùng hiến. Đợt cuối năm 2024, Hiếu đã vận động được gần 20 người cùng tham gia hiến máu và tiểu cầu tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.
Với những đóng góp của mình, năm 2023, Phạm Văn Hiếu vinh dự được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao tặng.
Không kể nắng mưa, sáng tối, nhận được điện thoại là ông Hà Văn Sằng ở bản Tân Hương, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa lại xách đồ nghề lên đường đỡ đẻ cho thai phụ.
Nguồn: [Link nguồn]