Gái xinh nằng nặc đòi lên bar hẹn hò, dùng đủ cách để lột sạch ví "trai gà"
Với áp lực đem về doanh thu cho quán bar, các "booking" (hay còn gọi là PR bar) đang truyền tai nhau những chiêu trò "bẩn" để dụ khách hàng bỏ ra hàng triệu đồng cho hoá đơn sử dụng dịch vụ.
Ngày nay, việc những người trẻ tuổi đi đến quán bar, vũ trường để tham gia vào không khí sôi động là hoạt động giải trí khá phổ biến. (Ảnh minh họa)
"Đứng không" cũng có tiền
"Booking bar" được hiểu là công việc nhân viên kinh doanh các dịch vụ trong một quán bar, vũ trường. Các booking sẽ có nhiệm vụ thu hút khách hàng, đăng bài quảng cáo facebook, chăm sóc khách hàng đến quán bar. Khách càng "tiêu" nhiều tiền thì booking sẽ được hưởng càng nhiều phần trăm hoa hồng (thường rơi vào 8-9% hoá đơn).
Trong vai một sinh viên muốn tìm việc làm thêm, PV liên hệ với một quán bar lớn dành cho giới trẻ tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và bày tỏ nguyện vọng muốn xin việc làm booking. Ngay lập tức, quản lý tại đây cho biết hiện quán bar đang tuyển booking "không giới hạn". Chỉ sau 5 phút, PV nhận được tin nhắn hẹn phỏng vấn.
PV tiếp tục được giới thiệu với trợ lý quản lý tên B. Người này cho biết, thu nhập từ nghề booking có thể lên tới 15.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn rất nhiều khoản thưởng hấp dẫn như thưởng nóng cho nhân viên có doanh số bàn cao nhất, phát nhiều tờ rơi nhất...
Liên hệ với Anh Tuấn (sinh viên năm 2 một trường đại học ở Hà Nội) cho biết đã làm nghề booking bar được 6 tháng. Tuấn cho biết hiện thu nhập của anh rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập có thể nói là cao với một sinh viên.
"Môi trường làm việc năng động, toàn các bạn trẻ. Công việc không gò bó, chủ yếu bằng mọi cách thu hút khách lên bar là có tiền", Tuấn hào hứng cho biết.
Ở nơi Tuấn đang làm việc, chủ bar không yêu cầu nhân viên booking phải có mặt liên tục tại quán bar. Tuy nhiên, Tuấn cũng bật mí thêm, chỉ cần có mặt đủ 28 ngày là nhân viên booking sẽ có ngay khoản lương cứng là 3.000.000 đồng/tháng, cộng thêm với doanh số kinh doanh. "Theo như anh chủ nói là để khuyến khích các bạn đến quán, giúp tăng không khí, tránh việc để quán bar quá vắng vẻ", anh chàng booking mới vào nghề cho hay.
Với một booking mới vào nghề, cách thức tiếp cận khách hàng thường sẽ qua kênh facebook, zalo hoặc phát tờ rơi quảng cáo. "Nghề này nó cũng như buôn bán, ai cũng cần có cái duyên. Có người một đêm "nổ" vài bàn, người cả tháng không có doanh số là chuyện bình thường", Tuấn chia sẻ thêm.
Muôn kiểu "lùa gà"
Tìm hiểu sâu hơn về công việc này, PV biết được vì mức chiết khấu phần trăm hoa hồng khá cao, nhiều chủ quán bar đã "dạy" cho các booking nhiều chiêu trò để qua mặt khách hàng.
Anh Phạm Gia Hưng (đã đổi tên - 25 tuổi, nhân viên văn phòng) méo mặt khi kể lại kinh nghiệm thương đau khi bị "dắt mũi" vào quán bar ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên.
Thông qua một ứng dụng hẹn hò nổi tiếng, Hưng làm quen được với bạn gái có tên Hoa. Nhìn vào hình ảnh đại diện xinh đẹp, nóng bỏng lại giới thiệu đang là sinh viên nên Hưng ngay lập tức ngỏ ý rủ Hoa đi chơi. Đáp lại, cô bạn bất ngờ rủ Hưng lên một quán bar tại phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chơi.
"Hoa nằng nặc đòi lên bar, mà phải tự cô ý đặt bàn. Lúc đầu mình bảo để mình chủ động đặt bàn thì cô ấy thậm chí còn dỗi, đòi huỷ bàn cũ. Vốn tính cả nể nên mình cũng không nghi ngờ gì cả", Hưng "tặc lưỡi" đồng ý với lời mời của Hoa.
"Thật ra ngay buổi hẹn đầu đã đòi lên bar thì mình cũng thấy không thoải mái lắm, tuy nhiên tính cách ham vui, lại lần đầu tiên được bạn gái rủ lên những chỗ sôi động nên kệ thôi", Hưng kể.
Vào trong quán bar, mặc dù mới quen nhưng Hoa không hề tỏ ra ngại ngùng. Hưng kể cô bạn gái liên tục đòi thử các loại rượu và shisha, bóng cười.
"Không khí quán bar sôi động, đông người lại thêm tính sỹ diện nên mình cũng để cho Hoa gọi đồ thoải mái, xông xênh", Hưng thú nhận.
Một lúc sau, Hoa tiếp tục đòi sử dụng bóng cười. Đến lúc này thì Hưng cảm thấy không ổn vì thực tế mỗi quả bóng cười giá lên tới gần 100.000 đồng, chỉ tầm chục quả là có thể mất tới tiền triệu.
"Mình bắt đầu thấy quá đủ cho buổi hẹn đầu nên bảo Hoa dừng lại, không chơi tiếp nữa". Kể từ lúc này, Hưng để ý mọi hành động của anh đều bị các nhân viên trong quán bar theo dõi. Thậm chí, anh đi vào WC cũng có hai nhân viên kè kè túc trực ở cửa.
"Cảm giác như cả quán bar lúc đó chỉ đứng để canh bàn mình. Có lúc mình thấy hai ba, bạn nhân viên tụm lại nói gì đó rồi nhìn về phía mình, nên cảm giác rất hoang mang", Thành cho biết.
Đến lúc thanh toán, Hưng đành ngậm ngùi chi ra gần 2 triệu đồng cho cuộc chơi chưa đến 2 tiếng đồng hồ. "Dĩ nhiên là con trai nên mình phải trả hết thôi, nhưng mà cảm giác xót ruột quá, đến lúc ra khỏi bar rồi mới bắt đầu thấy tiếc", Hưng nói.
"Đắng lòng" hơn khi cả hai rời khỏi cuộc chơi thì cũng là lúc Hoa chủ động đòi về vì "đau bụng", không quên hẹn Hưng sẽ đi chơi tiếp vào một ngày khác. "Khi mình về có nhắn tin hỏi thăm Hoa nhưng cô ấy đáp lại rất lạnh nhạt, rồi dần dần không trả lời tin nhắn nữa. Hiện tại bọn mình đã cắt đứt liên lạc với nhau, đúng là bài học nhớ đời".
Sau này, Hưng mới vỡ lẽ ra mình là "nạn nhân" của quán bar trên. Mọi chuyện ngay từ việc làm quen qua mạng, đi chơi cho đến vào quán bar đều một tay do Hoa sắp đặt.
Những câu chuyện tương tự như Hưng xuất hiện rất nhiều bởi đó là một trong những chiêu trò phổ biến được các booking áp dụng. Thực tế, chiêu trò này còn được các quán bar "bật đèn xanh", thậm chí liên kết lại để hỗ trợ cho booking. Các khách hàng lỡ "dính" chỉ còn cách ngậm ngùi trả tiền, có người còn phải để lại đồ dùng, tư trang cá nhân rồi quay lại chuộc sau. Vì thể diện, nhiều người cũng tự "bấm bụng" im lặng, coi như đó là bài học nhớ đời.
Thực trạng này đã gây ra không ít chuyện bi hài, đồng thời cũng đang khiến cho không ít các nhà hàng quán bar ở Hà Nội...
Nguồn: [Link nguồn]