“Gai mắt” với lối sống cẩu thả của những sinh viên “ăn nhờ ở đậu”

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Không phải tân sinh viên nào ở nhờ nhà người thân cũng có ý thức sống ngăn nắp, sạch sẽ.

Không phải bạn trẻ nào cũng có kỹ năng hòa nhập tốt với môi trường sống mới (ảnh minh họa)

Không phải bạn trẻ nào cũng có kỹ năng hòa nhập tốt với môi trường sống mới (ảnh minh họa)

Đối với những sinh viên lần đầu ra thành phố học tập thì ở nhờ nhà người thân là phương án mang lại rất nhiều lợi ích như: tiết kiệm một phần chi phí thuê trọ, có thời gian thích ứng với cuộc sống mới, an toàn… Thế nhưng, không phải bạn trẻ nào cũng mặn mà với phương án này. Nhiều người không thể ở lâu dài với người thân vì cảm thấy mất tự do, thiếu không gian riêng…

Trên thực tế, không chỉ các bạn trẻ cảm thấy khó xử, bất tiện với cuộc sống ở nhờ mà ngay cả những gia đình được người thân “gửi gắm” con em cũng cảm thấy “đau đầu nhức óc”. Nhà bỗng dưng có thêm thành viên mới, cuộc sống chung đụng khi chưa kịp làm quen với lối sống của nhau khiến nhiều tình huống oái oăm nảy sinh.

T.L. (Hà Nội) là mợ của một tân sinh viên. Khi biết cháu đỗ trường đại học ở gần nhà mình, vợ chồng chị L. nhiệt tình mời cháu về nhà ở cùng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiện đi lại. Nhưng chị không ngờ, cuộc sống ở chung lại phức tạp như vậy.

Cháu chị L. giữ nguyên thói quen sống ở quê khi đến ở nhờ nhà cậu mợ: lười nhác và bừa bộn. Cô bạn không tự giác làm bất cứ việc gì trong nhà, đi học về liền vào phòng ngủ hoặc nghịch máy tính, điện thoại. Sau này, chị L. quy định rõ những việc cháu gái phải làm vào thời gian rảnh như: cắm cơm, phơi đồ, quét dọn nhà cửa… Tuy vậy, chị thấy rõ thái độ khó chịu, bất mãn của cháu khi bị mợ yêu cầu làm việc nhà, giữa hai mợ cháu vì thế mà dần có khoảng cách.

“Con bé rất cẩu thả và thụ động. Quần áo giặt xong, nếu tôi không dặn mang ra phơi thì cháu để nguyên trong máy giặt, nhà cửa nếu không nhờ quét dọn thì dù rác ngay dưới chân giường cháu cũng không dọn dẹp. Phòng con bé lúc nào cũng bừa bộn, bẩn thỉu, tôi đã nhắc nhở rất nhiều lần là phải sắp xếp phòng riêng thật ngăn nắp, sạch sẽ, không để ảnh hưởng đến không gian chung của cả nhà nhưng đâu vẫn vào đấy. Nhiều lúc tôi muốn vào phòng dọn dẹp giúp mà lại sợ như thế là xâm phạm không gian riêng của cháu”, chị L. chia sẻ.

Lười biếng và bừa bộn, nhiều sinh viên tự biến mình thành "cái gai" khi ở nhờ nhà người thân, họ hàng (ảnh minh họa)

Lười biếng và bừa bộn, nhiều sinh viên tự biến mình thành "cái gai" khi ở nhờ nhà người thân, họ hàng (ảnh minh họa)

Vì không phải là cháu ruột nên chị L. không thể nhắc nhở quá gắt gao, sợ mang tiếng là soi mói, xét nét cháu. Thế nhưng, việc trong nhà có một thành viên lười biếng khiến chị vô cùng đau đầu mỗi khi về nhà.

“Có lẽ, do tôi quá thoải mái và nhiệt tình lúc ban đầu nên bố mẹ cháu không dặn dò con phải sống thế nào khi đến nhà cậu mợ. Tôi biết, cháu cũng có những bỡ ngỡ khi đến sống ở một nơi xa lạ nhưng điều tối thiểu cháu cần làm là tích cực hòa nhập và thích nghi với lối sống chung của gia đình. Dù sống cùng người thân hay ra ngoài thuê trọ với bạn bè, cháu cũng cần thay đổi”, chị L. nói.

“Xa thương gần thường” là điều chị P.H. nhận thấy rõ ràng kể từ ngày cháu trai họ đến ở nhờ khi ra thành phố học tập. Mối quan hệ giữa chị H. và bố mẹ cháu vốn rất tốt đẹp, chị sẵn sàng đón cháu vào ở một thời gian để cháu không phải chật vật tìm thuê nhà trọ mùa cao điểm, lại tránh được cảnh “lạ nước lạ cái”.

Nào ngờ, đối phương không chỉ cậy nhờ chị H. nơi ăn chốn ở mà còn muốn chị kèm cặp, dạy bảo con trai họ từng giờ từng phút.

“Sống chung tôi mới biết, cậu cháu trai không phải đứa trẻ ngoan ngoãn, dễ bảo. Tôi không cần cháu giúp đỡ việc nhà, cũng thoải mái để cháu gặp gỡ bạn bè, trải nghiệm… Tôi chỉ cần cháu không đi bạt mạng cả ngày lẫn đêm để khỏi phải đau đầu giải thích mỗi khi bố mẹ cháu hỏi đến”, chị H. chia sẻ.

Chị H. mệt mỏi khi vừa phải dạy bảo con mình, vừa phải quản lý con người khác. Chị đã cùng bố mẹ cháu trai trao đổi nhiều lần về cách dạy dỗ, thậm chí có ý định muốn trả cháu về cho bố mẹ, tránh khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì khó gánh nổi trách nhiệm nhưng vẫn không… ăn thua.

“Bố mẹ cháu bảo, con họ như thế thì càng phải ở gần người thân để được kèm cặp. Nói thì vậy nhưng khi con trai họ làm việc gì sai trái, họ lại có ý trách móc vợ chồng tôi không dạy bảo cẩn thận hoặc không thông báo cho họ đúng lúc. Cuộc sống của tôi đang thoải mái bỗng dưng trở nên nặng nề khi phải “cưu mang” một đứa cháu hư”, chị H. tâm sự.

Cùng hoàn cảnh có con cháu sinh viên đến ở nhờ, chị V.T. hiểu rất rõ những nỗi phức tạp, bất tiện mà cuộc sống “chung đụng” mang lại. Tích cóp 4 năm, vợ chồng chị mới mua được một căn chung cư nhỏ ở thành phố, đúng lúc cô em chồng đỗ đại học nên dọn đến ở cùng. Vậy là chị chưa được tận hưởng một ngày thoải mái nào ở căn nhà mới đã phải chịu cảnh “chị dâu – em chồng”.

Em chồng chị vốn được bố mẹ cưng chiều hết mực nên sinh ra lười biếng, ỷ lại. Hằng ngày, chị đi làm đã mệt, về nhà lại phải tất bật trông con, làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát, trong khi em chồng chỉ ăn xong lại “chui tọt” vào phòng. Phàn nàn với chồng, chị chỉ nhận được lời đáp thờ ơ: “Em nó còn nhỏ, để anh uốn nắn từ từ”.

Đến khi cô em chồng thản nhiên dẫn bạn bè về nhà tụ tập, rồi ngủ lại qua đêm thì chị T. không thể bỏ qua. “Em chồng tôi không kiêng nể chị dâu, dẫn bạn bè về nhà ăn uống, bày bừa ra nhà mà không hề dọn dẹp. Tôi đã nhắc nhở vài lần nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Chịu đựng gần 2 năm, cuối cùng tôi quyết định “tiễn” cô em chồng vô ý thức ra khỏi nhà, mặc cho mối quan hệ giữa mình và bố mẹ chồng rạn nứt”, chị T. kể.

Việc ở nhờ nhà người thân khi lên thành phố học tập mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng không hề đơn giản. Nếu không được trang trị tốt kỹ năng cần thiết để hòa nhập với môi trường mới, các bạn trẻ có thể tự biến mình thành “cái gai” khi ở nhờ nhà người thân, họ hàng.

Giá xăng tăng, sinh viên chật vật làm thêm, tằn tiện chi tiêu

Xăng dầu tăng kéo theo bão giá đang làm khó các sinh viên bám trụ lại Hà Nội. Các bạn trẻ tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu hoặc tăng giờ làm thêm để có tiền trang trải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HẠ NHIÊN ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN