Gái ế học cao để... "thoát thân"
Chọn đi học là cách để gái ế “giết” thời gian nhưng đó cũng là một cứu cánh để họ tự tạo cơ hội cho mình.
Rảnh rỗi như gái ế
Dồn toàn tâm toàn ý để xây dựng sự nghiệp, tới năm 32 tuổi, chị Thu Trà (Hàng Nón, Hà Nội) tạm hài lòng với vị trí phó giám đốc và mức lương ngàn đô. Mỗi khi được bạn bè khen ngợi và tỏ ý ghen tị, chị vui lắm. Thế nhưng, nghĩ đi nghĩ lại, chị thấy mình cô đơn kinh khủng.
Thời gian trước, vì mải lo sự nghiệp, thể hiện bản thân, chị làm việc không kể ngày đêm. Bây giờ, có được vị trí vững chắc, chị lại có đội ngũ nhân viên giỏi giang, nhiệt tình nên công việc ngày càng dễ thở hơn, thời gian chị dành cho bản thân cũng nhiều hơn.
Cứ đến thứ bảy, chủ nhật, khi gọi điện cho mấy người bạn cấp 3 rủ đi cà phê, tán gẫu thì chị đều nhận được lời từ chối. Người thì kêu “Tao cho con đi chơi”. Người khác lại lý do “Về nhà ngoại ăn cơm”.
Kể từ đó, tự dưng chị cảm thấy sợ hãi những ngày cuối tuần, những buổi chiều, những buổi tối thui thủi một mình. Ban đầu, chị định lấy công việc để lấp chỗ trống. Nhưng công việc của chị giờ đã vào guồng, nhân viên làm việc, chị giám sát nên dù có vẽ vời ra bao nhiêu thứ để làm thì 7h tối chị đã có mặt ở nhà rồi. Chị chẳng biết làm gì với 5 tiếng dài đằng đẵng trước khi chìm vào giấc ngủ.
Còn tìm người yêu ư? Thú thực chị không biết làm thế nào để có người yêu. Bạn bè chị đã lập gia đình hết. Đồng nghiệp càng khó hơn vì chẳng ai ngoài 30 mà vẫn đơn thương độc mã cả. Chẳng lẽ chị lại kiếm “phi công” trẻ?
Rốt cuộc, chị tìm ra cách "giết" thời gian lý tưởng nhất, đó là đi học cao học. Chị nghĩ học cao học vừa mang lại cho chị cơ hội thăng tiến, vừa giúp chị giảm bớt những lúc phải vò võ một mình.
Không thành đạt như chị Trà, chị Khánh (Tân Bình, TP.HCM) càng có nhiều thời gian cần "giết” hơn. Chị tâm sự, ngày còn học đại học, chị yêu tưởng như chết đi sống lại một anh chàng. Chị dành hết tình cảm, tiền bạc, thời gian và cả đời con gái để rồi cuối cùng hắn "truất ngựa truy phong". Chị một mình đi bỏ cái thai mà trong lòng đau quặn thắt.
Mối tình đầu đầy nước mắt và thù hận khiến chị quyết định "đóng cửa" trái tim mình. Gần 15 năm trôi qua, vết sẹo mãi chưa lành, chị vẫn chưa thể mở lòng được với bất kỳ người đàn ông nào. Chị xua đuổi tất cả, cho tới khi chị khao khát một bờ vai để tựa vào thì xung quanh chị đã không còn ai nữa.
Chị là nhân viên văn phòng nên công việc chỉ gói gọn trước 5 giờ chiều. Sau giờ ấy, chị chẳng còn gì để làm nữa. Khoảng thời gian rảnh rỗi nhiều đồng nghĩa với việc nỗi cô đơn, tủi hận trong chị càng lớn. Cũng như chị Trà, chị Khánh chọn cách học cao học để... bớt rảnh rỗi.
Học cao học vừa mang lại cho chị cơ hội thăng tiến, vừa giúp chị “giết” khoảng thời gian rảnh rỗi (Ảnh minh họa).
Cao học - cơ hội cho gái ế?
Ngay từ khi nhập học, chị Trà đã rất thất vọng khi bạn cùng lớp của mình toàn “lũ vắt mũi chưa sạch”. Theo chị, các em cùng lớp ra trường trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa xin được việc. Vậy là họ đành đi học lên.
Ngoài ra, trong lớp có vài anh lớn tuổi hơn nhưng theo đánh giá của chị, họ đều là mấy “anh chàng ngộ chữ”, lúc nào cũng chúi mũi vào tài liệu, học thì say sưa và nghiêm túc lắm.
Trong lớp, chị là người thành đạt, ăn nói lưu loát nhất nên được bầu là lớp trưởng. Quen làm sếp nên mọi việc của lớp, chị chỉ đạo đâu ra đấy khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Một trong các “anh chàng ngộ chữ” sớm phải lòng và theo đuổi chị. Nhưng quả thực, tại môi trường này, chị luôn coi mình là “bề trên”, tất cả là “chiếu dưới” nên chị phũ phàng đóng mọi cánh cửa, không cho anh chàng kia tiếp cận mình.
Kết quả, khi khóa học gần kết thúc, chị vẫn lẻ bóng dù “anh chàng ngộ chữ” kia không ngừng tấn công. Có lẽ vì quá thành đạt, chị cho rằng anh ấy không xứng đáng với mình.
Nhưng đôi khi, trong lúc cô đơn, buồn bã, chị thầm nghĩ, đối với bất cứ người phụ nữ nào thì tiền tài, danh vọng có lẽ cũng chẳng quan trọng bằng việc có một người đàn ông yêu thương mình thật lòng luôn ở bên cạnh để sẻ chia mọi vui buồn. Và, chị đang phân vân không biết có nên dẹp bỏ cái tôi cá nhân để mở lòng đón nhận người đàn ông “tầm thường” đã theo đuổi chị suốt thời gian qua hay không.
Trong khi đó, chị Khánh lại nhanh chóng tìm được cánh cửa hạnh phúc nhờ khóa học thạc sỹ. Chỉ sau một năm học, người thầy giáo với phong thái lúc nào cũng chỉn chu, đứng đắn đã chinh phục được trái tim chị.
Thầy Hinh bị vợ bỏ để theo người đàn ông giàu có nên thầy thấu hiểu được mất mát, đau thương của đời người. Có lẽ sự đồng điệu đã kéo hai trái tim lại gần với nhau.
Bây giờ, sống trong niềm hạnh phúc của tình yêu, chị mới nhận ra một điều gái ế không phải vì ế mà chỉ vì chưa sẵn sàng mở lòng mình với mọi người xung quanh. Chọn đi học là cách để gái ế “giết” thời gian nhưng đó cũng là một cứu cánh để chị tự tạo cơ hội cho mình.