'Ét ô ét, ô dề' và những cụm từ gây bão mạng của giới trẻ năm 2022
Trong năm 2022, nhiều cụm từ, câu nói của giới trẻ đã trở thành trào lưu lan truyền rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội và được nhiều người sử dụng bởi sự sáng tạo, hài hước, vui nhộn.
Gen Z là thế hệ năng động và không ngừng đổi mới. Ở thế hệ này hội tụ đủ những yếu tố như trẻ trung, sáng tạo và tích cực học hỏi. Khi mạng xã hội và các nền tảng số lên ngôi, phần lớn các bạn trẻ sẽ có nhu cầu thể hiện cái tôi riêng và cá tính độc đáo, đặc biệt bằng ngôn ngữ. Một số 8x, thậm chí 9x đời đầu... còn phải "đánh vật" và nhờ sự trợ giúp của "chị Google" hay các cô cậu tuổi teen mới có thể hiểu được ngôn ngữ "hot trend" của Gen Z.
Hê sờ lô hơ sờ ly ly
Nhân vật Trung "trâu" do nam diễn viên Duy Hưng đóng
Câu nói "gây bão mạng" này bắt nguồn từ bộ phim truyền hình “Ga-ra hạnh phúc” và chủ nhân câu nói này chính là nhân vật Trung “trâu” do nam diễn viên Duy Hưng thủ vai. Ngoài ra, trong phim, Trung "trâu" cũng trở thành tâm điểm gây cười với hàng loạt câu nói hài hước không kém khác.
"Ét o ét" (SOS)
Tín hiệu cầu cứu SOS là cách viết tắt của nhiều cụm từ tiếng Anh như: Save Our Ship (Hãy cứu tàu chúng tôi), Send Out Succor (Gửi cứu trợ), Save Our Souls (Hãy cứu lấy những linh hồn của chúng tôi)…
Cụm từ hot trend này xuất hiện lần đầu trên Tik Tok hồi đầu năm 2022 trong một video để phản hồi bình luận "Cô bị ép đúng không, hãy ra ký hiệu đi", sau đó người phụ nữ nói: "Ét o ét (SOS)".
Nhiều bạn trẻ nhanh chóng bắt chước, nhưng thay vì viết theo cách thông thường là SOS, cộng đồng mạng lại sử dụng cách phát âm là "ét o ét" trong những tình huống khó đỡ, hoặc thu hút sự chú ý của mọi người vào vấn đề nào đó. Lý do "ét o ét" phổ biến bởi cụm từ này dễ dùng, dễ nhớ và hài hước. Ngoài ra, cách phát âm và biểu cảm khi nói cũng dễ gây hài.
"Gét gô"
Trong vô số những status (trạng thái), comment (bình luận)... trên Facebook, cụm từ "gét gô" xuất hiện thường xuyên trong bất kỳ trường hợp, hoàn cảnh nào.
Được biết, người đầu tiên "khởi xướng" cho trào lưu "gét gô", hay nói chính xác là... phát âm sai từ "let's go" thành "gét gô" chính là một TikToker. Người này đăng video trên TikTok cho biết bản thân sẽ thực hiện thử thách nằm 6 ngày 6 đêm dưới bãi sình. Đồng thời hô hào quyết tâm chinh phục thử thách bằng câu chốt đầy tự tin: "gét gô". Khả năng diễn xuất trong video hài hước, kèm cách phát âm sai đã khiến dân mạng cười nghiêng ngả.
Từ đó, "gét gô" thành cụm từ hot trend mà dân mạng, đặc biệt là giới trẻ không thể bỏ lỡ. Nhất là khi các bạn trẻ rủ nhau đi du lịch, đi shopping, đi ăn... đều thêm cụm từ "gét gô" cho thêm phần hào hứng.
Ảnh minh họa: Tuệ Nhi
"Ô dề"
Cụm từ này được xuất hiện trên một clip Tik Tok của người phụ nữ ở độ tuổi trung niên khi trang điểm với khuôn mặt dày và có phần hơi quá tay. Tuy nhiên trong clip, người phụ nữ lại có phát ngôn rằng “làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề”.
Cụm từ này chỉ mức độ làm quá của một hành động nào đó. "Ô dề" thực chất có nghĩa là "over" - vượt quá mức trong tiếng Anh. Nhiều bạn trẻ hay dùng cụm từ này để châm biếm hay mỉa mai một cách vui vẻ trên mạng xã hội hoặc ngoài đời thực.
"Ra dẻ"
Cụm từ "Hay ra dẻ quá à" bắt nguồn từ câu nói "mắng yêu" của Lê Dương Bảo Lâm dành cho 5 người anh em còn lại trong chương trình "2 Ngày 1 Đêm" từng viral trên mạng xã hội.
Nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm
Tuy nhiên, "hay ra dẻ quá à" thực ra là cụm từ "hay ra vẻ quá à", mang hàm ý "có được cái vẻ" hoặc "cái hình thức bên ngoài" trong khi bản thân chưa có hay chưa có đủ chất lượng. Ví dụ, "ra vẻ" giàu có hoặc "ra vẻ" giỏi giang.
"Ú òa... mình chỉ là người đến sau"
Cụm từ này bắt nguồn từ màn trình diễn ca khúc Waiting for You của ca sĩ Mono, với động tác che mặt, sau đó mở ra và nói "ú òa" đã khiến người xem bất ngờ, thích thú. Sau đó, cụm từ này nhanh chóng được cộng đồng mạng "bắt trend". Cụm từ "ú òa" từ đó cũng được sử dụng rộng rãi để chỉ việc gây bất ngờ, ngạc nhiên cho người khác.
Nam ca sĩ Mono trình diễn và khuấy động hot trend "ú òa". Ảnh: internet
Ngoài ra, một số cụm từ khác cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên mạng xã hội trong năm qua, phủ sóng rộng rãi từ các câu bình luận tự động gợi ý mà Gen Z dùng thường xuyên, chẳng hạn như: Mai đẹt ti ni, Dùng tốt lắm shop, Tuyệt vời lắm chị, Hay quá chị yêu... kể cả không liên quan đến bài đăng, vẫn được dùng để khen, đùa vui nhẹ nhàng.
“Chỉ sống một lần trong đời” và “tiết kiệm khi có thể” là một trong những xu hướng hàng đầu của giới trẻ hiện đại. Dù vậy, ranh giới mong manh và những tác động...
Nguồn: [Link nguồn]