"Em tha cho anh đi"

Những lời này tuy anh nói trong cơn say nhưng nó vẫn như nhát dao cứa vào lòng tôi.

Anh bảo đó là sự nhàm chán của tình yêu. Còn tôi nghĩ mãi mà chẳng ra: Sao anh không nói những điều này khi hai đứa còn nghèo, anh chỉ nhất y, nhất quỡn một bộ quần áo, chiều nào tôi cũng phải giặt rồi quấn vào cái khăn cho ráo nước, sau đó ngồi quạt để sáng mai anh kịp có đồ mặc đi làm?

Sao anh không nói tình yêu nhàm chán khi bữa cơm hằng ngày của hai vợ chồng chỉ rặt một món cá biển hết kho, chiên rồi lại nấu canh? Sao anh không bảo tình yêu nhàm chán khi anh dẫn bạn bè về nhà nhậu tới khuya chỉ với một miếng khô cá đuối mà hò hát vang trời?...

Và rất nhiều thứ mà giờ đây, mỗi khi nhớ lại cái thời nghèo khó ấy, từng kỷ niệm đối với tôi như những báu vật...

Anh cũng không nhớ cả một thời gian dài gần 3 năm trời anh thất nghiệp, một mình tôi gồng gánh gia đình cho anh đi học thêm để giờ đây anh mới có một chỗ đứng vững vàng ngoài xã hội?

“Em không thể hiểu cảm giác của anh mỗi chiều khi sắp sửa hết giờ làm việc đâu. Một cảm giác nhàm chán đến ngột ngạt. Tại sao anh phải gắn chặt cuộc đời mình với một người phụ nữ cằn cỗi, già nua như vậy? Em tha cho anh đi, cởi trói cho anh đi. Mười tám năm là quá đủ rồi”. Những lời này tuy anh nói trong cơn say nhưng nó vẫn như những nhát dao cứa vào lòng tôi.

"Em tha cho anh đi" - 1

Suốt đời này, kiếp này, tôi sẽ không bao giờ hết hận anh… (Ảnh minh họa)

Anh giờ là một người có quyền chức, còn tôi chỉ là một “con buôn” thấp kém, suốt ngày sấp ngửa với hàng hóa, tiền nong, lời lỗ… Tôi không còn khóc được nữa. Thật sự tình người quá bạc bẽo. Cứ tưởng mình hi sinh như thế, vất vả như thế vì chồng con thì sẽ được đền đáp; có ngờ đâu, khi người ta muốn dứt áo ra đi thì có trăm ngàn lý do để trút xuống đầu người đã đồng cam cộng khổ với mình.
 
Chị bạn thân của tôi bảo: “Mày đừng có ký vào đơn ly hôn thử coi nó làm được gì? Đồ bạc bẽo, thế nào cũng bị trời hại”. Tôi cười chua chát: “Em muốn giữ cái hồn của ảnh, chứ giữ cái xác mà làm gì? Không ký mà được sao? Chị không biết đó thôi, ảnh có về nhà đâu? Mua nhà ở với cô kia rồi”.
 
Vậy là chúng tôi ly hôn.

3 năm qua, tôi không gặp lại anh lần nào. Thật ra là tôi có thấy nhưng chưa bao giờ nói với anh một câu. Khi anh đến thăm con, tôi vào phòng đóng cửa cho đến khi anh về. Đám giỗ ba mẹ chồng, tôi gởi đồ về cúng chứ không sang. Anh gọi điện có việc cần, tôi không nghe máy…

Vậy mà giờ đây, cô con gái đầu lòng của tôi lại bảo “ba muốn quay về”. Con bé nằn nỉ: “Mẹ tha thứ cho ba đi. Nhà có đủ 4 người vẫn vui hơn mà mẹ”. Nghe con nói, tự dưng tôi nổi cáu: “Con im đi. Biết gì mà nói?”. Con bé lấm lét bởi ít khi nào tôi lớn tiếng với con.

Hừ, anh nói nghe thật dễ. Cầm dao cứa nát trái tim tôi, bây giờ lại muốn quay về ư? Đó là một suy nghĩ mà một người có liêm sỉ không bao giờ được phép nghĩ tới. Suốt đời này, kiếp này, tôi sẽ không bao giờ hết hận anh

Quay về ư? Chỉ khi nào tôi không còn thở được nữa thì anh mới nên nghĩ đến điều đó. Còn bây giờ, dẫu anh có bệnh nan y; dẫu anh có bị què một chân, đui một mắt đúng như con tôi đã nói thì anh cũng sẽ không được phép quay về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thương (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN