Duy trì những thói quen này, dân công sở sẽ không còn sợ “ngày mai chả biết ra sao nữa”
Dịch COVID-19 đã khiến người lao động khốn đốn và dân văn phòng cũng không ngoại lệ. Vậy làm thế nào để dân công sở không còn nơm nớp nỗi lo mất việc?
Đã có hàng triệu người lao động mất việc vì COVID-19
Dịch COVID-19 đã có dấu hiệu tạm lắng tại Việt Nam nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối với nhiều quốc gia trên thế giới. Virus đáng sợ này không chỉ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đến cuộc sống, công việc của người lao động.
Theo hãng tin AP, gần 26 triệu người đã nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 tuần qua ở Mỹ. Nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Zhang Bin, cho rằng nếu tính cả những lao động nhập cư, có thể đã có tới 80 triệu người ở nước này mất việc vào cuối tháng 3.
Tại Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, đến cuối quý 2/2020, dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 triệu đến 10,3 triệu lao động Việt Nam vì bị giảm giờ làm, giảm lương và mất việc.
Trước tình hình dịch bệnh như vậy, việc làm bị ảnh hưởng là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu như người lao động nói chung và giới trẻ nói riêng biết cách “phòng thủ”, biết cách tạo ra những thói quen tích cực thì sẽ giảm thiểu được ít nhiều thiệt hại.
Luôn trau dồi kĩ năng chuyên môn, nâng cấp bản thân
“Không có công việc ổn định, chỉ có năng lực ổn định”, câu nói này trở nên vô cùng đúng đắn trong thời điểm hiện tại, khi mà người lao động đang điêu đứng vì COVID-19. Trưởng phòng giải pháp nhân sự toàn cầu của Novartis (Công ty dược ở Thụy Sĩ) - Ông Tripti Jha - đã có những chia sẻ rất hay về vấn đề này trong một buổi thảo luận.
Ông Tripti Jha cho rằng: Khái niệm "ổn định" chưa bao giờ... ổn định. Bạn làm một công việc được cho là ổn định không có nghĩa là bạn an toàn mãi mãi. Vì một lý do bất khả kháng nào đó, bạn có thể bị đẩy ra đường.
Và khi đó vỏ bọc ổn định sẽ bóp nghẹt bạn trong một xã hội luôn vận động. Vì thế, phải thay đổi tư duy cũ kỹ và đầy nguy hiểm này. Thay vì làm một công việc ổn định, bạn cần tạo ra sự ổn định ở chính con người bạn, đó chính là năng lực ổn định.
Không có công việc ổn định, chỉ có năng lực ổn định
Xã hội thay đổi thế nào thì con người phải thay đổi như vậy. Khoa học kỹ thuật phát triển thế nào thì kỹ năng của con người cũng phải bám theo. Bạn luôn phải chạy, chạy không ngừng nghỉ để bản thân không lạc hậu. Kiến thức là vô tận nên đừng bao giờ ngưng học hỏi. Khi bạn có năng lực ổn định thì bất kỳ công việc nào cũng sẽ trở thành ổn định.
Quản lý thời gian, nghiêm khắc với bản thân
Sự khác biệt lớn nhất giữa làm việc tại công sở và ở nhà chính là cách quản lý thời gian và tính tự giác của mỗi người. Khi đến công ty, bạn bắt buộc phải tuân theo giờ giấc đã quy định. Tuy nhiên, khi làm việc từ xa, không nhiều bạn trẻ đủ nghiêm khắc ép bản thân ngồi đủ 8 tiếng trước máy tính.
Theo nhận định của Simon Brown, giám đốc điều hành của Novartis việc quản trị thời gian là chìa khóa tối quan trọng để làm nên một người thành công. Người lãnh đạo cao nhất của mình là chính mình. Những người hiểu quan điểm đó thì dù phải đối mặt với hoàn cảnh nào cũng đều dễ dàng vượt qua.
Quản lý thời gian là thói quen mang đến thành công
Bạn đang làm dở việc ở nhà bỗng tivi chiếu một bộ phim hay. Bạn bị cuốn vào bộ phim với suy nghĩ xem xong thì làm tiếp. Khi trở lại bàn làm việc, dư âm của bộ phim, cảm xúc của bạn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc. Tại sao không làm nốt việc rồi thoải mái với chiếc điều khiển vô tuyến. Cách đối phó với con trẻ hoặc các thành viên khác trong gia đình khi đang làm việc cũng là vấn đề không dễ giải quyết. Người thành công là người biết cách sắp xếp thời gian.
Công việc nào cũng khó khăn và ai cũng phải đối mặt với những thử thách khi làm việc. Người nghiêm khắc với bản thân sẽ biết gò mình vào khuôn khổ, biết tự đặt ra những dấu mốc và lấy đó làm điểm tựa vươn lên.
Luôn phải có kế hoạch cho cuộc đời mình
Thông thường mỗi người đều có độ tuổi lao động nhất định. Nếu bạn làm việc trong môi trường công sở, thời gian lý tưởng nhất là từ 22 tuổi đến khi nghỉ hưu. Vậy trong khoảng hơn 30 năm làm việc đó, bạn có lường trước được những gì sẽ diễn ra hay không, bạn có xác định làm một việc mãi mãi không?
Theo quan điểm của phó chủ tịch IBM, Diane Gherson việc lập kế hoạch cho cuộc đời có ý nghĩ vô cùng quan trọng. Trong bất kỳ doanh nghiệp hay cá nhân người lao động đều sẽ gặp phải những khủng hoảng, giới chuyên môn gọi là “Black Swan” (Thiên nga đen). Vì vậy để không rơi vào thế bị động, chúng ta luôn phải có những kế hoạch.
Cuộc sống hay công việc luôn cần những kế hoạch cụ thể
“Những tập đoàn lớn đều đã rơi vào khủng hoảng, điều đó khiến nhân viên của họ cũng điêu đứng. Bạn là nhân viên hay nhà điều hành cũng đều phải vượt qua cuộc khủng hoảng của riêng mình. Bạn cần có kế hoạch để phản ứng. Bạn cũng phải kiên định với bản thân, luôn suy nghĩ tích cực bởi khó khăn nào cũng đều có cách giải quyết”, Diane Gherson phân tích.
Quan tâm, lắng nghe và đồng cảm
Dịch COVID-19 là vấn nạn toàn cầu. Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Không chỉ riêng bạn mất việc mà có hàng triệu người cùng cảnh ngộ. Vì thế hãy giữ cho mình một tâm hồn đẹp, một cách hành xử văn minh để đồng cảm, thấu hiểu với nỗi đau chung của toàn nhân loại.
“Mọi người ở khu phố nhà tôi đã cùng rung chuông hoặc chơi một loại nhạc cụ nào đó vào lúc 19h hằng ngày. Hành động đó để tri ân các bác sỹ đã chiến đấu để giữ lại mạng sống cho các bệnh nhân COVID-19.
Chỗ chúng tôi không có chuyện tranh giành thực phẩm. Chúng tôi còn nhờ nhau mua những vật phẩm thiết yếu để hạn chế tối đa việc ra đường. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau dù nỗi sợ bệnh tật luôn ám ảnh”, CEO Bryan Power từ Nextdoor dẫn chuyện.
Câu chuyện của Bryan Power cho thấy bất kỳ trong hoàn cảnh nào tính tương thân tương ái, biết đồng cảm lắng nghe luôn được trân trọng và đánh giá cao.
Giới trẻ ngày nay luôn bị cho là có lối sống vô cảm và điều đó cần được loại bỏ ngay lập tức. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ngoài cuộc sống hay môi trường công sở, người chan hòa, thân thiện luôn luôn có chỗ đứng trong lòng những người xung quanh.
Nguồn: [Link nguồn]
Không phải cứ chăm chỉ hết mình, tăng ca quần quật là sẽ được sếp chú ý, sếp thương. Thực tế không màu hồng như...