Đường vào đời của cô bé mồ côi cụt chân
TP HCM - 13 năm trước, cô bé 6 tuổi Hoàng Oanh mất mẹ, hai tháng sau bị xe tải cán nát chân, cánh cửa cuộc đời tưởng như đã đóng sập trước mắt.
Nhưng 13 năm sau, khi biết tin Nguyễn Thị Hoàng Oanh đỗ Đại học Phenika, nhiều người trong khu trọ nằm ở phường 9, quận Gò Vấp không khỏi ngỡ ngàng.
Trước khi chia tay ra Hà Nội đi học, cô gái sinh năm 2005 hứa cố gắng giành học bổng để bà không phải đi bán vé số kiếm tiền học phí cho mình nữa.
Nguyễn Thị Hoàng Oanh đang ở kí túc xá đại học Phenika Hà Nội, ngày 16/10. Ảnh: Hải Hiền
Bà Trần Thị Lê Tuyết, em gái của bà ngoại Hoàng Oanh, đã cưu mang mẹ con em từ lúc cô bé lọt lòng. Năm cô bé 6 tuổi, mẹ em phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Không có tiền chữa trị, người mẹ được một tu viện nhận chăm sóc cuối đời. Mỗi lần vào thăm, thấy bà rên rỉ vì đau, cô bé lại giơ bàn tay bé xíu xoa nhẹ vào lưng, hứa lớn lên làm bác sĩ để chữa cho mẹ.
Ngày mẹ mất, Hoàng Oanh vừa qua sinh nhật 6 tuổi nhưng chưa được đi học vì thất lạc giấy tờ. Hai tháng sau, cô bé bị ô tô tải nghiền nát chân trái trong một vụ tai nạn trên quốc lộ.
Tỉnh dậy trong bệnh viện, thấy một chân của mình đã biến mất, Hoàng Oanh hoảng sợ hỏi bà Tuyết. Người bà nói dối là phải ăn khỏe, ra viện rồi chân sẽ mọc lại. Cô bé tin vậy, bữa nào cũng cố ăn hết suất cơm, mong ngày chân mọc đủ lại được chạy nhảy như trước.
Nhưng chờ mãi vẫn thấy chân trái chỉ là một nhúm thịt lủng lẳng. Gặng hỏi thì bà Tuyết ôm mặt khóc. Với một đứa trẻ 6 tuổi, nỗi đau của người bà dường như tác động lớn hơn cả việc bị cắt cụt chi. Từ đó, cô bé không hỏi thêm về việc "mọc chân" nữa.
Mất một chân nên lúc đầu Hoàng Oanh không thể tự đứng dậy. Có mạnh thường quân tặng chiếc chân giả, nhưng mỗi khi tháo rời, chỗ da tiếp xúc lại rỉ máu rồi phồng rộp mụn nước. Hàng xóm thương tình mua cho đôi nạng, cô bé dùng tập đi mỗi ngày và gọi nó với biệt danh "người bạn chân thép". Không chỉ hỗ trợ đi đứng, "người bạn chân thép" còn đồng hành với Hoàng Oanh suốt những năm đi học.
Những ngày đầu đi học về, cô bé thường quẳng đôi nạng vào một góc, trốn trong chăn rồi bỏ ăn. Ngày nào đón cháu từ trường, bà Tuyết cũng chạy xe qua những nơi có người vô gia cư rồi nhắn nhủ: "Con còn may mắn hơn nhiều người vì có nhà để ở, cơm để ăn và mọi người để yêu thương".
Ngoài hai con, để có tiền nuôi thêm đứa cháu họ ăn học, bà Tuyết nhận thêm vé số về bán. Cả nhà 5 người chi tiêu tằn tiện từ thu nhập bán vé số cùng tiền công phụ hồ của người chồng.
Năm học lớp 2, Hoàng Oanh xin đi theo bà để bán vé số cùng. Từ ngày đó, người dân xung quanh công viên Lạc Hoa, quận Gò Vấp thường nhìn thấy cô bé 8 tuổi chống nạng đi cạnh người phụ nữ gầy guộc chào mời mọi người mua xổ số.
Trừ ngày mưa, hàng ngày hai bà cháu xuất phát từ nhà lúc 19h và kết thúc lúc 21h30. Để ôn bài, Hoàng Oanh tranh thủ giờ ra chơi trên lớp hoặc sau 22h khi công việc kết thúc. Lúc công viên vắng người, cô bé lại mở sách học bài dưới ánh đèn đường.
"Nếu không học sẽ chẳng có tương lai. Bà bảo gia đình không thể hỗ trợ được mãi, vì thế phải tự học cách giúp mình", Hoàng Oanh nói.
Hoàng Oanh tham gia đêm gala cuộc thi vẽ tranh và viết thư "Vì một Việt Nam tất thắng" năm 2021. Đại diện Ban tổ chức, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã gọi những em nhỏ tham gia cuộc thi là "chiến binh nhí, siêu nhân, những tác giả tuyệt vời". Ảnh: Quỹ Hy vọng
Những ngày đầu bán vé số, cô bé thấy vui vì kiếm được tiền, có thể mua sách vở quần áo mới. Nhưng niềm vui mất dần sau nhiều lần bị khách từ chối. Thi thoảng gặp bạn bè hay người quen, vài câu nói móc mỉa khiến cô bé mồ côi đau lòng, chỉ muốn bỏ về.
"Nào ai muốn bán vé số, nhưng lao động bằng sức lực của mình cũng đáng quý lắm chứ", người bà động viên khi thấy cháu gái buồn. Từ lúc đó, cô bé không bao giờ khóc khi ai đó nói những câu tương tự.
Dù nhà nghèo, nhưng bữa cơm gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng nói ríu rít của cô cháu gái hay những chuyện vui lượm lặt trên đường bán vé số. Được bà dạy cách yêu thương, Hoàng Oanh biết chia sẻ tình cảm cho người khó khăn hơn. Đó là những lần cô bé tặng phần cơm của mình tới người già lang thang gặp trên đường hay lần móc hết tiền lẻ trong túi trao cho đứa trẻ cơ nhỡ tại công viên.
Trong chuyện kể hàng ngày với bà Tuyết, cô cháu gái cũng thường nhắc tới ước mơ sau này làm bác sĩ sẽ mở một phòng khám miễn phí cho người nghèo. "Được ông bà chăm sóc yêu thương, cháu cũng hy vọng sau này mình làm được những việc như thế", cô bé nói.
Hoàng Oanh luôn cố gắng làm mọi việc giống như người bình thường, dù mất một bên chân trái. Ảnh: Hải Hiền
Cuộc sống khó khăn, gánh nặng mưu sinh đè nặng khiến nhiều đêm vợ chồng bà Tuyết thức trắng cùng những tiếng thở dài. Nhưng thấy cháu gái miệt mài bên bàn học, họ tặc lưỡi bảo nhau dù thế nào cũng cho con bé học tới nơi tới chốn.
Từ tiểu học cho đến trung học phổ thông, năm nào Hoàng Oanh cũng đạt học sinh giỏi. Mùa tựu trường năm 2019, cô bé còn nhận được thư khen của Chủ tịch nước vì nghị lực vượt khó.
Những năm sau đó, cùng với sự giúp đỡ của mạnh thường quân và chính quyền, Hoàng Oanh không phải đi bán vé số nữa. Em tập trung học, nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ. Bà Tuyết vẫn kiên trì với công việc đã gắn bó cả chục năm, phần vì không thể đổi nghề, phần muốn gom tiền cho đứa cháu "học giỏi nhất họ" vào đại học.
Kết thúc lớp 12, với thành tích đạt 24,1 điểm cho ba môn Toán, Hóa, Sinh, Hoàng Oanh trúng tuyển vào khoa Y học cổ truyền của hai trường đại học tại Hà Nội, ngành mà cô bé đánh giá phù hợp với sức khỏe bản thân.
Sở dĩ chọn học tại Thủ đô bởi những trường Hoàng Oanh đăng ký nguyện vọng đều liên kết để đưa sinh viên đi du học.
"Khiếm khuyết không thể cản trở mong muốn sang nước ngoài học tập. Dù mất chân nhưng em không mất hy vọng ở tương lai", cô gái 19 tuổi nói.
Nguồn: [Link nguồn]
15 năm qua, khoảnh khắc ám ảnh nhất của Huệ An là ngồi nhìn mẹ lăn lộn với những cơn đau trên chiếc chiếu rách dưới gầm cầu, ven sông Sài Gòn.