Đừng liều với ngoại tình công sở

Tôi choáng ngợp bởi nụ cười, ánh mắt, giọng nói và cả sự quan tâm của anh.

Tôi 32 tuổi, có nhà cửa, một mái ấm và 2 cô con gái xinh xắn. Lần đó, qua công tác, tôi quen anh. Anh vẫn chưa có gia đình. Tôi choáng ngợp bởi nụ cười, ánh mắt, giọng nói và cả sự quan tâm của anh. Sau 4 lần gặp gỡ anh đã nắm tay tôi, nói nghiêm túc: “Chưa bao giờ anh có cảm giác như vậy với ai!” Cho đến bây giờ, tôi vẫn tin đó là lời rất thật lòng. Những ngày quen anh, tôi luôn có cảm giác tội lỗi với chồng, con và cả người mẹ chồng tuyệt vời của tôi. Những lúc hai đứa gặp gỡ về, thấy tôi có vẻ hơi mệt mỏi, mẹ chồng luôn là người lo lắng nhất: “Con có sao không?”. Rồi bà đi pha nước cam cho tôi uống, phụ tôi làm bếp... Chồng tôi thì sung sướng tận hưởng những thú vị từ chuyện giường chiếu mà tôi tự mình “cải cách” sau khi rút thêm “kinh nghiệm” với anh. Tôi chia con người mình ra hai phần, phần cho gia đình và công việc thì rất chu toàn; phần với anh, tôi đắm đuối. Nói tóm lại, tôi thật sự có liều “doping” cho cuộc sống của mình.

Nhưng càng ngày chúng tôi càng nhận ra cách sống đó là không ổn. Đúng với bản chất đàn bà, tôi bắt đầu ghen vì anh vẫn luôn được nhiều cô gái “rình rập”. Anh bằng tuổi tôi nhưng chưa có gia đình, lại thành đạt và rất chuẩn mực trong giao tiếp, nên bao người quen cứ giới thiệu bạn bè, em gái, thậm chí có người còn chấm anh là rể tương lai… Anh giới thiệu tôi với gia đình, bạn bè; cả nhà anh ai cũng mến tôi, các em gái của anh thích tâm sự với tôi chuyện chồng con và luôn nhờ tôi tìm người mai mối cho anh. Nói chung, chúng tôi “diễn” khá đạt nên cả hai bên gia đình chẳng ai mảy may nghi ngờ. Dù vậy, đó là mối quan hệ lén lút nên cảm giác rắc rối, tội lỗi cứ đến liên hồi. Tôi đau đớn, cố cắt đứt nhiều lần, nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Anh cũng vậy, bao nhiêu sim điện thoại được thay, để rồi chúng tôi lại nhắn tin chào nhau: “Em có khoẻ không?”, “Anh đang rất nhớ…”.

Đừng liều với ngoại tình công sở - 1

Tôi thấy mình may mắn khi chưa bị tai họa từ sự phản bội của mình. (Ảnh minh họa)

Năm 2010, một lần vào quán cơm trưa văn phòng với đồng nghiệp, tình cờ thấy anh kéo ghế mời một cô gái rất trẻ ngồi ăn, tim tôi thắt lại. Tôi chẳng thể làm được gì suốt buổi chiều hôm ấy. Tôi nhắn tin “vĩnh biệt”. Anh điện thoại nhiều lần tôi không bắt máy. Cuối cùng, anh chặn đường để hỏi nguyên do, tôi nói: “Tôi không thể nhìn anh sánh vai cùng người khác”. Anh lại thật thà: “Em ơi, anh cũng cần có vợ!”.
 
Liều “doping” đã hết, tôi sống thiếu nó cực kỳ khó khăn. Nhưng, như anh từng nói: “Dù sao, cũng cảm ơn tất cả những ngọt ngào…”. Tôi cố sống để quên, để coi như không có anh trên cõi đời này. Tôi vẫn giữ số điện thoại và tên anh trong danh bạ, nhưng không bao giờ chạm tới chiếc điện thoại mỗi khi về đến nhà. Thậm chí, có lúc tôi để nó luôn trong hộc bàn ở cơ quan. Vợ chồng tôi gần gũi nhau nhiều hơn, hạnh phúc hơn, hay chở nhau đi ăn uống hơn; có lúc thấy bóng anh, thấy anh nhìn, tôi lờ như không biết.
 
Hai năm qua, tôi tưởng tình cảm mình đã chết, nhưng một ngày chồng tôi về nói: Nhỏ M. và T. sắp cưới nhau đó em. Tôi giật bắn người. Hoá ra, T cũng là bạn của ông xã tôi và M. là người anh chọn. Đó là một cô gái nhỏ hơn chúng tôi 2 tuổi, từng dang dở một lần. Khi chồng tôi mang chiếc thiệp cưới của anh và M. về, cầm thiệp, tôi chết lặng trước câu ghi trên thiệp: “Trăm năm tình viên mãn/ Bạc đầu kẻ phu thê”. Tôi biết, đó cũng là lời nhắc cho tôi, từ nay phải sống tốt hơn, tử tế hơn với gia đình của mình. Tôi thấy mình may mắn khi chưa bị tai họa từ sự phản bội của mình. Tôi muốn cảnh tỉnh với Thu Hà và những chị em khác, “doping” dễ dùng nhưng khó dứt và tác dụng phụ của nó rất lớn. Tốt nhất, đừng liều với “doping”, bạn ạ.

Cho đến bây giờ, khi cái câu: “Sáng dắt cơm đi ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm” đã trở thành thông thường, phổ biến và quá quen thuộc thì chuyện “Ngoại tình công sở” không còn gì là lạ lẫm nữa. Người ta thanh minh bằng sự nhàm chán của cuộc sống vợ chồng, người ta bào chữa cho nó bằng những đam mê mới mẻ cho vui mà không phương hại đến bất cứ ai và thậm chí, người ta cũng chẳng buồn thanh minh hay bào chữa gì mà chỉ đơn giản coi nó là… mốt, là một cách xả stress của cuộc sống hiện đại.
 
Ngoại tình vốn là điều bị lên án theo cách sống, cách nghĩ truyền thống của người Việt Nam. Có điều gì có thể là nguyên nhân chính đáng cho hành động đó hay không? Và nó có phải, như người ta nghĩ: chẳng ảnh hưởng đến gia đình nếu biết dừng ở mức độ hay ranh giới nào đó hay không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Ngoại tình với đồng nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN