“Đứng dậy đi những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp”

“Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả. Có luật tử hình những kẻ lười biếng thì chắc chắn nền kinh tế khỏi lo thất nghiệp”.

Con số gần 178.000  cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp do Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố vừa qua khiến không ít người hoang mang, đặc biệt là những sinh viên đã, đang và sẽ tìm kiếm thành công bằng con đường học đại học.

“Đứng dậy đi những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp” - 1

Gần 178.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp (Số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Khoa học Lao động và Xã hội (ảnh minh họa)

Trên thực tế, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đã được nhắc đến rất nhiều với những con số xác thực không thế chối cãi. Cùng với đó, rất nhiều nguyên nhân đã được vạch ra như: do bản thân sinh viên chưa năng động, do đào tạo ồ ạt, kinh tế khó khăn…

Mới đây, doanh nhân Nguyễn Minh Ngọc – Giám đốc Gemslight Company Ltđ vừa có một bài viết nếu quan điểm của mình về tình trạng thất nghiệp tràn lan của cử nhân, thạc sỹ khiến cộng đồng mạng xôn xao.

Được sự đồng ý của ông Nguyễn Minh Ngọc, chúng tôi xin trích đăng toàn bộ bài viết:

“Tôi xin lỗi các ông bà đang thất nghiệp và cầm tấm bằng thạc sĩ, cử nhân. Tốt nhất hãy xem lại bản thân. Đừng đổ tại xã hội, nền giáo dục, đổ tại xuất thân nghèo khó.

Tôi nói thẳng như sau: Nền giáo dục kém thì đầu ra sẽ phải thất nghiệp hết chứ không thể chỉ riêng ông bà. Đừng có nghĩ người khác may mắn với quan hệ này nọ. Bao con người đi lên từ bàn tay trắng, họ không phải siêu nhân mà họ chỉ cần siêng năng và chẳng quản ngại khó khăn và nỗ lực.

Xã hội này không ai phải có trách nhiệm với ông bà cả. Đừng có ỉ lại và nghĩ rằng xã hội phải giúp đỡ ông bà. Đừng có mơ trông chờ người khác khi chính bản thân lười nhác, không có trách nhiệm với chính mình.

Còn kiến thức thì vứt cái tư duy ông cử nhân, bà thạc sĩ đi. Học xong trường đại học chỉ đủ cho các ông bà thò được đầu lên khỏi mặt đất thôi, còn hít bụi còn chán, chưa phải đã được đứng lên mà đi hiên ngang đâu. 

Các ông, bà vẫn đang rơi vào trạng thái "không biết mình đang không biết cái gì" đấy. Và thường trạng thái này là ông bà cứ ngỡ rằng, ông bà đang biết tuốt. Thế giới đang vận động điên đảo lắm ông bà ạ. Nói toẹt ra người ta đang kiếm tiền như nào chắc gì ông bà đã hiểu, chứ đừng nói làm được hay không.

Các ông bà đi làm thì kỹ năng không có, giá trị thấp nhưng lại đòi hỏi công việc phải nhàn hạ, lương cao, tương lai, ổn định. Người ta làm kinh doanh chứ có phải mở doanh trại từ thiện đâu.

Xin lỗi chứ các nhà tuyển dụng buốt hết đầu, nát hết óc vì những vĩ nhân thất nghiệp không màng việc chẳng cao sang.

Ông bà nào đi làm việc tay chân thì y rằng: Cứ hễ hỏi đang làm gì lại trả lời thanh cao là đang đi làm tạm thời thôi, chờ chỗ này chỗ kia ngon. Không muốn gắn bó thì tốt nhất đừng xin việc tạm bợ, hãy thương những nhà tuyển dụng, nhà kinh doanh tý, xin các ông bà đấy.

Thế giới này không có chỗ đứng cho những kẻ lười biếng mà còn bảo thủ. Chỉ có một cách duy nhất được lười biếng đó là ông bà phải thật thông minh và hiểu biết sâu rộng. Còn nếu chưa thì tốt nhất hãy biết mà lao vào làm việc.

Những người tàn tật, chất độc màu da cam họ còn phải dựng rạp làm xiếc, hát rong để tạo ra giá trị cho xã hội. Họ tàn tật cơ thể nhưng tư duy và suy nghĩ họ không tàn tật.

Tôi khẳng định luôn với sự bùng nổ về công nghệ thì những thứ nhàng nhàng như các ông bà làm được sắp chuyển sang phần mềm hết rồi. Các nhà kinh doanh khổ sở vì ông bà nhiều thì họ ắt tìm máy móc và phần mềm thay thế. Dù sao phần mềm nó làm việc và không biết kêu ca. Và thực sự nó khiến những nhà kinh doanh nhẹ đầu.

Hãy xem lại chính mình đi. Nếu ngày hôm nay mà ông bà vẫn đang ngồi chờ mong xã hội cưu mang một công việc thì thực sự ông bà chẳng khác gì kẻ tàn tật về tư duy và suy nghĩ.

Đừng chờ nữa, đừng mong nữa, chẳng ai cần ông bà đâu cho đến khi họ thấy có lợi từ ông bà. 

Đứng dậy, đi đi, chứng minh cho mọi người rằng ông bà không hề tàn tật. Nếu thích thì vứt cái bằng đi và lao ra làm việc. Thế giới bên ngoài không phụ công ông bà đâu. Quên cái bằng đi vì chắc gì nó đã giúp ông bà kiếm được nhiều tiền. Quên cái suy nghĩ rằng làm không đúng ngành học là phí phạm đi vì thực chất các ông bà có đúng ngành cũng chưa là cái gì cả.

Sống và làm điều đam mê và thích thú đi. Và đã làm thì ra làm, dồn hết tâm hết sức mà làm cho ra môn ra khoai. Trên đời này không có cái việc gì không kiếm ra tiền cả.

Biết nấu ăn thì hãy nấu cho ngon, nấu cả ngày, nấu cả đêm, đọc sách nấu ăn, nấu thật nhiều để rồi một ngày khách sạn 5 sao cũng phải tìm đến ông bà.

Biết đá bóng thì hãy đá đi, đá cho giỏi vào, đá ngày, đá đêm... Đá đến khi tuyển quốc gia phải mời ông bà vào.

Biết bưng bê nhà hàng thì bưng đi, bưng giỏi vào, bưng bằng 3 ngón tay thôi, học cách vừa bưng vừa lắc đi, học cách bưng đi cầu thang bộ đi. Để nhà hàng 5 sao phải săn đón ông bà và rước như rước người nổi tiếng.

Biết về máy tính thì kiếm tiền online đi. Click vào link cũng kiếm được tiền, tải file lên cho người ta down cũng kiếm được tiền, up video YouTube cũng kiếm được tiền, mạng xã hội cũng kiếm được tiền.

Làm đi, ăn ngủ với nó, đừng có mà đứng núi này trông núi nọ. Làm đến khi cả mớ tiền đổ về cho xã hội nể ông bà đi. 2 năm, 3 năm cũng phải gắn bó, trời không phụ người đâu.

Nếu được sinh ra lành lặn, được ăn học để nhoi lên khỏi mặt đất là ông bà đã hơn bao người. Nhưng đừng nghĩ đó là đích đến mà hãy tỉnh táo đi, đây mới chỉ là bắt đầu. Đây mới là vạch xuất phát. Vứt cái giải huyện, giải tỉnh, Olympic hay gì đó trong quá khứ đi. Xã hội cần giá trị không cần mấy thứ quá khứ đó.

Đứng lên đi. Ngồi đó mà tự hào gì khi nằm trong dân số 178.000 người thất nghiệp kia.

 Không ai cho ông bà việc thì đứng ra mà cho người khác việc. Làm sao phải sợ người nào. Không có luật pháp nào cấm ông bà trở nên tài giỏi. Tôi chưa thấy ai chăm chỉ mà thất nghiệp cả.

Còn chưa thức tỉnh, còn đổ lỗi cho bên ngoài mà vẫn chưa biết cội nguồn là TẠI BẢN THÂN thì xin chào thân ái và quyết thắng”.

Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Gemslight Company Ltd

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN