"Đưa nhau đi trốn" như Đen Vâu, cô gái phải nghĩ lại sau 2 năm: Vỡ mộng vì khó thích nghi
Mới đây, tài khoản Lê Phương Lin đã chia sẻ câu chuyện của bản thân trong Group Bỏ phố về rừng. Bài viết nhanh chóng thu hút đông đảo các thành viên quan tâm và bình luận rôm rả trước xu hướng “đưa nhau đi trốn” của nhiều bạn trẻ.
Phương Lin ở một nông trại cà phê khi lên Đà Lạt sinh sống. Ảnh: FBNV
Phương Lin cho biết mình đã trải qua gần 2 năm sinh sống tại Đà Lạt sau khi tạm từ bỏ cuộc sống náo nhiệt, hối hả ở thành phố. Thời gian “về rừng” tuy không quá dài nhưng cũng giúp cô nàng nhận ra bản thân yêu mến thiên nhiên, con người ở Đà Lạt và dần dần yêu thương chính mình nhiều hơn so với lúc sinh sống tại TP.HCM.
“Mình lên Đà Lạt ở farm (nông trại) cà phê, được sống mà không màng đến cơm áo gạo tiền, đến nỗi trong túi chỉ tầm 20k đã đủ tự tin bước ra đường, chân mang dép tổ ong, mặt không son phấn, quần áo mặt trên dưới 50k vì mình toàn mặc đồ si, nhìn mình nham nhở nhưng vẫn tự tin lắm.
Mình hoàn toàn tận hưởng cách sống như vậy. Không khí làm cho tâm trạng mình tan chậm, việc mà mình thích làm nhất là được uống một bình cafe drip vào buổi sáng, ăn khoai tây nghiền vào buổi tối, và hẳn phải được đọc sách rồi. Đó là cuộc sống mà mình từng có, là đặc sản ở Đà Lạt mà không đâu mình cảm nhận được”, Phương Lin chia sẻ về khoảng thời gian tuyệt vời ở Đà Lạt khi quyết định “bỏ phố” về đây sinh sống.
Đáng tiếc là mọi thứ chỉ đẹp đẽ, thơ mộng trong thời gian đầu. Sau gần 2 năm “rời thành phố chật chội náo nức” (lời bài hát Đưa nhau đi trốn), Phương Lin dần đối diện với những thực tế phũ phàng của cuộc sống “bỏ phố về rừng” và bắt đầu vỡ mộng.
Đầu tiên, phải kể đến vấn đề kinh tế vì cũng đến lúc khoản tiền tiết kiệm sẽ vơi cạn. Kế đến là việc tận hưởng cuộc sống quá nhiều sẽ dẫn đến cảm thấy bản thân tụt hậu, sống mơ hồ trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa đang miệt mài nỗ lực ở thành phố.
“Mình quyết định lại bỏ rừng về phố, nơi phồn hoa, để tiếp tục công cuộc học tập và làm việc, mình đặt ra mục tiêu cao hơn, bắt tay làm những thứ mà mình đã bỏ lỡ.
Mình nhận ra, với những người như mình, bỏ phố về rừng vẫn còn quá sớm. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, bản thân chưa đủ năng lực về tài chính, chưa đủ bản lĩnh tự thân, cầm cự đến lúc nào đó rồi cũng sẽ gục ngã”, Phương Lin rút ra bài học cho bản thân sau gần 2 năm chuyển đến Đà Lạt sinh sống.
Thời gian đẹp đẽ của Phương Lin khi mới đến Đà Lạt sinh sống. Ảnh: FBNV
Tuy kế hoạch bỏ phố về rừng của Phương Lin phải dừng lại sau gần 2 năm thực hiện nhưng đó cũng là trải nghiệm quý giá cũng như giúp cô nàng “sạc” lại năng lượng cho bản thân. Phương Lin cho biết thêm, cô nàng sẽ tiếp tục phấn đấu để tích lũy kiến thức, kinh tế thật vững vàng rồi mới nghĩ đến chuyện “đưa nhau đi trốn” thế này.
Bên dưới bài chia sẻ của Phương Lin, nhiều người đã vào bình luận bày tỏ đồng cảm và động viên cô nàng:
“Bỏ thành phố về quê lập nghiệp thực sự không đơn giản nhưng có ý chí đam mê nỗ lực và kiên trì thì chắc chắn sau 5 đến 10 năm sẽ có thành quả”.
“Rất may là em đã nhận ra cuộc sống có rất nhiều điều tuổi trẻ phải làm trước khi về nghỉ ngơi. Bạn bè anh nhiều người tầm tuổi em chưa có gì trong tay nhưng bay bay mãi và mất định hướng trong cuộc sống”.
“Có những trải nghiệm đáng nhớ, có những tháng ngày đáng yêu, thời điểm rời phố thị mạnh mẽ biết chừng nào và khi trở về cũng thật đủ đầy năng lượng tích cực của núi rừng”.
“Cuộc đời luôn cần những trải nghiệm như thế. Bạn còn trẻ, cứ trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm và tài chính. Khi sẵn sàng thì triển thôi. Không thì nhà thành phố mình trồng hoa, rau vậy”.
Cuộc sống hối hả ở thành phố dễ khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy kiệt sức, chán nản và nung nấu ý nghĩ “đưa nhau đi trốn” với viễn cảnh đẹp đẽ “phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh” hay “ngủ một giấc mà không cần báo thức”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng thích nghi hoặc gắn bó lâu dài với cuộc sống ở “rừng”. Lời khuyên là bạn hãy mở lòng, tâm sự những áp lực với bố mẹ hay bạn bè thay vì phút cao hứng quyết định “bỏ phố về rừng” rồi dễ “vỡ mộng” về sau.
Quyết định lạ lùng, bỏ phố về quê làm vườn, làm cá gỗ của cô gái nhỏ khiến không ít người thắc mắc.
Nguồn: [Link nguồn]