Du học sinh Việt thức trắng đêm chuẩn bị Tết
Du học sinh Việt thức trắng đêm để gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống đón Tết.
Khi nhiều bạn trẻ Việt đang so sánh giữa Tết xưa và Tết nay thì có những bạn du học sinh sống xa nhà lại chỉ mong mỏi được về nhà đón Tết sum vầy.
Với họ, Tết là thời điểm cảm nhận rõ nhất tình yêu da diết với đất nước mình. Dù đã 3, 4 lần đón Tết nơi xa xứ, chuẩn bị đủ những đồ ăn truyền thống trong ngày Tết như ở Việt Nam nhưng họ vẫn thấy thiếu một thứ rất quan trọng, đó là “mùi vị” Tết nơi quê nhà.
Thức trắng đêm lo Tết
Dù đã đón ba cái Tết bên nước bạn nhưng Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1992, du học sinh tại Nga) vẫn chưa quen được cảm giác nhớ nhà, nhớ hương vị ngày Tết nguyên đán của người Việt.
Cảm xúc bỡ ngỡ, tủi thân, mong ngóng về phút giao thừa bên gia đình vẫn nguyên như cái Tết đầu tiên Thắng đón Tết nơi đất khách - nơi cách xa nhà nửa vòng trái đất.
Du học sinh Nga đón Tết xa xứ
Tuy vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, Thắng và các bạn đều lên kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ cho một cái Tết đúng nghĩa, mang hương vị quê nhà. “Cũng may là ở chỗ mình có rất nhiều du học sinh Việt Nam nên mọi người hay tụ tập, quây quần bên nhau chuẩn bị Tết. Có thể nói, Tết là dịp chúng mình mong đợi nhất trong năm” – Thắng chia sẻ.
Năm nào cũng vậy, Thắng cùng các bạn phải lên kế hoạch, thực đơn, phân công công việc từ ba tuần trước Tết, sau đó tất cả mọi người phải tập trung làm trong mấy đêm liền. Cả đội du học sinh mỗi người một việc. Người thì phụ trách mua đồ, người nấu ăn, người trang khí khán phòng cho thật có không khí Tết Việt.
“Do bên Nga, thực phẩm Việt rất khó mua nên để làm được một mâm cỗ Tết đầy đầy đủ các món ăn Việt truyền thống, các bạn phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Riêng mai, đào bên này không có nên chúng mình phải tự tay làm một cây hoa giả bằng giấy. Còn lá dong thì phải đặt trước cả tháng mới có. Nhưng khó đến mấy thì chúng mình cũng phải kiếm cho bằng được, vì không có bánh chưng, hoa đào thì còn gì là Tết” – Thắng chia sẻ thêm.
Cành mai bằng giấy do Thắng và các bạn tự làm
Phút giao thừa đến, mọi người quây quần bên mâm cỗ Việt đếm ngược từng giây.
“Dù ở bên trời Nga nhưng chúng mình đã có một cái Tết Việt đúng nghĩa. Tuy nhiên, mọi người vẫn thiếu một thứ quan trọng nhất, đó là tình cảm gia đình. Năm nào cũng vậy, sau những phút vui đùa cùng nhau, mỗi đứa lại chui vào góc riêng gọi điện cho bố mẹ, đứa thì thút thít khóc, đứa thì thơ thẩn. Có lẽ, dù được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng đến đâu thì “hương vị” sum vầy, đoàn viên của ngày Tết vẫn là thứ du học sinh không bao giờ có được nơi đất khách" - Thắng cho biết thêm.
Cho đến giờ, sắp đón cái Tết thứ 2 nơi xa xứ nhưng Ninh Đức Hoàng Long (sinh năm 1991, sinh viên trường Học viện âm nhạc Liszt Ferenc, Hungary) vẫn còn nguyên cảm xúc lần đầu tiên đón Tết nơi xứ người.
Long chia sẻ, do chênh lệch múi giờ nên giao thừa vào đúng 6h chiều bên này. Sau khi học xong, Long cầm xấp tiền lẻ đem từ Việt Nam sang đi lì xì cho mọi người. Ai cũng bất ngờ và xúc động khi được nhận lì xì bằng tiền Việt.
Ngoài ra, Long cũng tự chuẩn bị cho mình những món ăn truyền thống ngày Tết. Long tâm sự: “Năm ngoái mình còn làm bếp trưởng nấu ăn cho 20 bạn Việt Nam cùng đoàn du học sinh. Chúng mình quây quần đón Tết cũng vui lắm. Nhưng có một thứ không bao giờ có được là không khí rộn ràng ngày Tết của quê hương, cảnh người người, nhà nhà ra đường đi chúc Tết”.
Nơi xa xứ, Long thường đón Tết bằng chuyến lưu diễn "Tết cho cộng đồng người Việt"
Ngày Tết, Hoàng Long thường đi diễn cho sự kiện: “Tết của cộng đồng người Việt”. Long chia sẻ: “Đi diễn trong ngày Tết cũng là niềm vui lớn, giúp mình vơi đi nỗi nhớ nhà. Năm trước mình hát bài Cung đàn mùa xuân, được mọi người ủng hộ rất nhiệt tình. Tết năm nay mình tiếp tục đi diễn, ngoài ra còn tham gia làm clip chúc Tết của du học sinh trên thế giới. Ngày Tết phải hoạt động nhiều cho đỡ nhớ nhà”.
Một mình đón Tết nơi xa xứ
Một mình đón Tết nơi đất khách quê người nhưng Nguyễn Ly (sinh năm 1990, du học sinh tại Nga) vẫn tự tay chuẩn bị một mâm cỗ đầy với những món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò, chả, mứt Tết…
Ly chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, ngày 30 Tết mình dọn phòng, làm cơm cúng giao thừa theo giờ Việt Nam. Nhưng ở đây không có bàn thờ và không được phép thắp hương trong phòng nên mình để mâm cơm lên nóc tủ lạnh rồi thắp nến thay hương cầu mong một năm an lành”.
Một mình đón Tết nơi xa xứ không tránh khỏi cảm giác tủi thân, Ly thường đem clip đón năm mới ở Việt Nam ra xem cho vơi nỗi nhớ nhà. Với Ly, Tết Việt mang một ý nghĩa đặc biệt, thiêng liêng, đó không chỉ là khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mà còn là thời điểm cả gia đình đoàn viên, sum vầy. Tuy không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình nhưng Ly vẫn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để có được chút “hương vị” ngày Tết dù không đủ đầy.
Dù một mình nhưng Ly vẫn tự tay làm những món ăn Việt để đón Tết. Bún bò là món ăn Ly rất yêu thích
Ly tâm sự: “Tết là thời khắc mình cảm nhận rõ nhất tình yêu da diết quê hương, đất nước. Mình luôn tự nhủ, con người sinh ra đều có nguồn cội, mình không bao giờ quên nơi sinh ra và lớn lên. Chốn đất khách này chỉ chắp cánh cho mình bay cao hơn về tương lai chứ không thể thay thế nguồn cội trong lòng mình”.
Dù không thể về quê sum vầy với gia đình, nhưng du học sinh vẫn luôn luôn nhớ về ngày Tết cổ truyền, tìm mọi cách để có được hút “hương vị” ngày Tết.
Quan trọng hơn cả, những cái Tết trên đất khách là Tết của sự trưởng thành, và tình yêu thương gia đình được vun đắp bằng sự quyết tâm học tập để chờ một ngày không xa, họ sẽ lại quay về tận hưởng Tết đoàn viên cùng gia đình.