Du học sinh dở khóc dở cười vì “sốc văn hóa”

Du học sinh sốc trước nhiều thứ: ngôn ngữ, môi trường, cách ứng xử của người dân bản địa…

Đến sống và học tập tại một đất nước xa lạ, du học sinh khó tránh khỏi bị sốc do khác biệt về ngôn ngữ, môi trường, con người và cách ứng xử trong cuộc sống. Nếu không ý thức được đó chỉ là phản ứng bình thường khi bước chân vào nền văn hóa mới, họ sẽ thấy lạc lõng và cô đơn.

“Dở khóc dở cười” vì cái gì cũng lạ

Thích sang Anh du học chỉ vì ở đó có “ông già tuyết”, Nguyễn Thị Mai Anh (sinh viên trường Cass Business School, Anh) không tránh khỏi “sốc văn hóa” vì chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cô đã có những bài học đầu đời quý giá trước khi hòa nhập với môi trường ở đây.

Du học sinh dở khóc dở cười vì “sốc văn hóa” - 1

Vì không hiểu văn hóa Anh, Mai Anh từng tự ái trước sự thẳng thắn của người dân ở đây

Điều khiến cô gái 21 tuổi bất ngờ nhất là sự thẳng thắn của người dân bản địa. Mai Anh kể, khi mới sang, cô thường xuyên đến nhà một cặp vợ chồng người Anh chơi vào cuối tuần.

Nhưng bỗng một ngày người chồng nói, vợ của anh không muốn cô sang chơi vào cuối tuần bởi đó là thời gian duy nhất họ được ở bên nhau. Sự xuất hiện của cô khiến họ mất đi không gian riêng.

Mình bất ngờ và buồn, kể từ đó không bao giờ sang chơi nữa. Cho đến 3 năm sau mình mới biết, người Anh luôn thẳng thắn như vậy, do mình quá nhạy cảm nên mới buồn và giận họ. Người Anh họ rất thành thật, nghĩ gì nói đó chứ không nói giảm nói tránh. Tiếc là, lúc ấy chẳng có ai nói với mình điều đó”, Mai Anh chia sẻ.

3 tháng đầu tiên, Mai Anh còn gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề nghe, nói dù ở Việt Nam cô là một học sinh “siêu giỏi” tiếng Anh. Phải mất thời gian dài tiếp xúc với người bản địa, khả năng giao tiếp của cô gái 21 tuổi mới khá lên.

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1993, đang học thạc sỹ Luật doanh nghiệp tại trường ĐH Limoges, Pháp) cũng gặp phải nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khi mới đặt chân tới đất Pháp.

Vấn đề đầu tiên khiến Hạnh đau đầu là tài chính. Trước khi xách giỏ đi chợ, cô đã được dặn dò không quy đổi tiền Euro sang tiền Việt. Nhưng vì “não không nghe lời” nên đi cả ngày cô vẫn không mua nổi vài thứ.

Một bát phở Pháp có giá từ 8 đến 13 Euro (tương đương 250 đến 325 nghìn đồng), vừa ăn vừa tiếc. Mỗi khi đi mua đồ mình đều dạo quanh các chợ và siêu thị để tham khảo giá. Thứ gì cầm lên cũng muốn mua nhưng hễ nhìn đến giá tiền là lại đặt xuống. Mãi đến sau này, mình mới rút ngắn được thời gian mua đồ”, Mỹ Hạnh cười.

Du học sinh dở khóc dở cười vì “sốc văn hóa” - 2

Mỹ Hạnh từng đối mặt với nhiều tình huống "dở khóc dở cười" khi đi du học

Những ngày mới sang, khi đi xe buýt đến trường, Hạnh gặp rất nhiều người da màu. Nữ du học sinh rất sốc bởi, nhìn họ cô liên tưởng đến khủng bố, đánh bom. Ngay cả khi được những người bạn da màu chủ động bắt chuyện, cô vẫn rụt rè và sợ hãi.

“Một ngày các bạn ấy đọc kinh thánh đến vài lần, nhìn có vẻ rất sợ. Nhưng sau một thời gian tiếp xúc mình nhận ra sự chân thành ở họ. Mình được giúp đỡ nhiều trong học tập và cuộc sống. Dần dần trở nên thân thiết, cuộc sống cũng dễ thở và vui vẻ hơn”, Mỹ Hạnh kể.

Những ngày mới sang Pháp, Hạnh sốc trước rất nhiều thứ từ văn hóa, ngôn ngữ cho đến… vẻ đẹp của đất nước này. Nữ du học sinh gọi đó là “cú sốc tích cực”.

Hạnh kể, phương tiện giao thông ở đây rất tiện lợi và an oàn, hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt hoạt động nhịp nhàng. Người dân ở đây năng động, bất kể là trẻ hay già đều làm việc chăm chỉ và ham mê đi du lịch.

Từng thứ từng thứ đều khiến mình bất ngờ, sợ hãi và thú vị. Đến học và sống ở một đất nước xa lạ, có ngoại ngữ thôi chưa đủ, cần phải tìm hiểu kỹ nền văn hóa của họ để không thấy bị lạc lõng và tách biệt”, Hạnh chia sẻ.

“Sốc” vì chương trình giáo dục

Nhiều bạn trẻ thừa nhận, đến khi học trường quốc tế rồi mới thấy, quãng thời gian phấn đấu xin học bổng du học… chưa ăn nhằm gì.

Một năm học thạc sỹ Luật trên đất Pháp khiến Mỹ Hạnh bị xoay như chong chóng. Toàn bộ giáo trình giảng dạy bằng tiếng Anh, Pháp cộng thêm phương pháp học hoàn toàn khác khiến thời gian đầu đi học, cô nàng không hiểu gì.

Ngoại ngữ đã khó, học chuyên môn còn khó hơn vì hệ thống luật pháp mỗi nước khác nhau. Có môn, lúc mình hớn hở vì hiểu bài thì đó cũng là buổi học cuối. Một kỳ, mình học 8 môn, vỏn vẹn trong 2 tháng rồi bước vào thi. Kỳ 1 mình không qua điểm sàn, kỳ 2 buộc phải đạt điểm cao để kéo lên. Thầy giáo từng khuyên mình bảo lưu việc học tại khoa Luật, tập trung học ngoại ngữ trước. Mình sốc và buồn nhưng vẫn xin thầy được thử sức học song song”, Mỹ Hạnh kể.

Kể từ đó, Hạnh miệt mài vừa học ngoại ngữ vừa mượn vở ghi chép của bạn cùng lớp để học môn chuyên ngành. Thay vì ghi âm lại bài giảng, cô nàng đổi sang phương pháp vừa nghe giảng vừa bắt từ khóa rồi tra từ điển ngay trong lớp để hiểu. Trong kỳ thi, có hôm Hạnh chỉ được ngủ 2,5 tiếng, tất cả đảm bảo hoàn thành tốt kỳ thi.

Sau 1 năm học tại trường ĐH Temple (Mỹ), Phạm Ngọc (19 tuổi) thừa nhận, khối lượng kiến thức cần thu nạp ở đây nặng hơn rất nhiều so với 12 năm học phổ thông. Anh từng “sốc” trước những bài tập mơ hồ, không có đích đến của thầy cô.

Du học sinh dở khóc dở cười vì “sốc văn hóa” - 3

Ngọc "sốc" trước những bài tập mơ hồ của giáo sư trường ĐH Temple

Ở đây, các giáo sư luôn yêu cầu sinh viên phải sáng tạo. Rất nhiều bài tập mình phải tự tìm hướng đi như một con cá bé tẹo bơi trong biển lớn. Phải mất 3, 4 tháng lạ lẫm, mình mới học được cách giải quyết các bài tập “không tưởng” của thầy cô”, Ngọc nói.

Chàng trai 19 tuổi kể, cô giáo tiếng Anh từng giao cho lớp anh đề bài: “Tại sao chúng ta lại cười?”. Không thể chấp nhận được dạng bài mơ hồ đó, Ngọc đã tìm đến giáo sư để hỏi và câu trả lời anh nhận được là: “Cô cố tình đưa ra đề bài không đích đến, hãy làm cô bất ngờ với ý tưởng của em”. Phải mất 3 tháng “vật lộn”, Ngọc mới tìm ra được câu trả lời cho mình.

Du học sinh dở khóc dở cười vì “sốc văn hóa” - 4

Ngọc Mai từng thức trắng đêm để hiểu một bài học

Hoàng Ngọc Mai từng phải thức trắng đêm để hiểu một bài học của thầy, cô trường ĐH Bryn Mawr (Mỹ) dù trước đó, cô là nữ sinh tài năng nổi tiếng của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Mai chia sẻ, suốt học kỳ đầu cô luôn cảm thấy việc học quá tải bởi chưa quen với cách học ở đây. Có những lúc, Mai vô cùng hoài nghi về khả năng của mình và lo âu về kết quả học tập.

“Khá lâu sau mình mới quen với cách học và thấy bớt quá tải, lo lắng. Dù chương trình vẫn nặng nhưng mình đã có động lực để học bởi mình biết, đó là những cần thiết và bổ ích”, Mai chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
"Tất tần tật" bí kíp săn học bổng tiền tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN