Đồng nghiệp xấu tính thích bắt nạt
Chị ta vừa lười vừa xấu tính hay ỉ lại, còn đi ton hót với sếp đủ thứ xấu về tôi
Vừa nhận việc, tôi bị phân công làm việc nhóm với một chị già vừa lười, vừa xấu tính. Chị ta hay ỉ lại, đổ việc cho tôi, nhiều khi thấy chị ấy làm việc vô nguyên tắc, tôi góp ý thì chị khó chịu nhưng không nói thì tôi cứ phải chạy theo sửa những lỗi mà chị ta gây ra. Điều tệ hại nhất là chị ta rất giỏi nịnh nọt, ton hót với sếp đủ thứ xấu về tôi. Tôi rất thích công việc mới này và không thể để mất nó, nhưng làm việc với chị ta thì tôi bị ức chế đến trầm cảm…
Bạn có để ý thấy bọn gà, mèo, chó… khi phát hiện ra có kẻ lạ thâm nhập lãnh địa của nó, đều tỏ ra dọa dẫm, xù lông, gầm gừ dọa, hoặc thậm chí xông ra đuổi… Đấy là phản ứng bản năng của loài vật để giữ tổ, tự vệ. Chưa nói đến chuyện chị đồng nghiệp kia xấu tính hay không, nhưng bạn đang rơi vào một tình thế hết sức bình thường, phổ biến mà ông cha ta gọi là “ma cũ bắt nạt ma mới”.
Khi bạn bước chân vào một môi trường mới, cho dù tất cả “ma cũ” đều lịch sự tươi cười chào đón, nhưng bạn đừng tưởng rằng mình đang lạc vào một thế giới “người với người sống để yêu nhau”. Điều đó có thể xảy ra, nhưng là sau này, khi bạn đã quen và chứng tỏ với mọi người mình hòa nhập tốt. Con người, dù được trang bị rất nhiều bài học giao tiếp xã hội, nhưng bản chất tự nhiên vẫn là động vật cao cấp, do đó, nếu có đồng loại thâm nhập lãnh địa của mình thì phản ứng đầu tiên là cảnh giác, dò xét. Thế mà vừa chân ướt chân ráo đến nơi, bạn đã soi thấy đồng nghiệp vừa già, vừa lười, vừa xấu tính, lại còn mắc đầy lỗi trong công việc… như vậy, bạn khong bị ghét mới là lạ.
Tuy nhiên, có một số người hay bị ghét, bị bắt nạt hơn những người khác, dù họ rất hiền lành, chẳng làm gì xấu. Bạn có để ý người sợ chó luôn bị chó cắn dữ hơn những người không sợ. Rõ ràng họ chẳng làm gì cả, thậm chí còn rúm vào một góc, thế nhưng con chó như đánh hơi thấy nỗi sợ của họ, lại càng xông ra hung hăng đe dọa. Trong khi đó, những người khác không sợ thì qua lại điềm nhiên không sao hết. Tại sao vậy?
Cứ làm việc thật tốt, sống ngay thẳng, vui vẻ hào nhã với các đồng nghiệp thì sợ gì một người nói xấu mình sau lưng (Ảnh minh họa)
Khi đã “sợ” và đề phòng ai, nghĩa là bạn đang đặt người đó vào vị trí đối nghịch, hoặc thậm chí là kẻ thù của mình. Những người sợ chó chắc chắn là không yêu chó rồi và ngay cả con vật cũng cảm nhận điều ấy, cho nên nó xông ra đuổi. Chẳng ai thích thú gì khi tiếp xúc với một người mới mà cảm thấy người đó đề phòng, căng thẳng với mình. Thế nên, tại người mà cũng tại ta. Trước khi trách móc chị đồng nghiệp chơi xấu, bạn nên xem lại chính mình đã. Liệu mình có căng thẳng quá không, có thành kiến với người ta không…?
Nhưng cả cơ quan chẳng ai ưa chị ta cả, vì thế mọi người mới đùn đẩy để tôi phải làm việc với chị ta. Không phải “ma mới bắt nạt ma cũ” mà chị ta xấu tính thật sự như thế thì tôi phải làm gì để sếp hiểu tôi là nạn nhân của chị ta chứ?
Nếu bạn mách được với sếp là chị ta xấu, thì bạn lại trở thành bản sao khi cư xử hệt như chị ta (kể xấu với về đồng nghiệp). Xích mích giữa bạn và chị đồng nghiệp là việc riêng tư giữa hai người, sếp lo công việc đã đủ mệt, có phải bố mẹ để phân xử khi con cái trong nhà cãi nhau lặt vặt đâu. Hơn nữa, bạn là người trưởng thành, ở vị trí đồng nghiệp ngang phân, sao có thể là “nạn nhân” của ai được nếu bạn không muốn thế. Mâu thuẫn giữa hai người cần phải trực tiếp giải quyết chứ đừng mượn thêm quyền uy của người thứ ba để làm nó phức tạp hơn.
Chị ta đã làm lâu ở đó, xấu hay tốt thì sếp cũng biết rồi. Việc bạn mách sếp chỉ đem lại 2 nhận xét mới:
- Bạn mới về mà đã có xích mích với đồng nghiệp.
- Bạn thiếu năng lực để giải quyết những chuyện cỏn con và chưa gì đã thấy mình là “nạn nhân”.
Và rồi, bạn sẽ tiếp tục làm việc với một đồng nghiệp càng ghét mình hơn.
Trở lại chuyện người sợ chó hay bị chó đuổi cắn. Tưởng vấn đề năm ở con chó hung dữ nhưng thực ra lại ở bản thân người đó. Nếu không sợ, cứ đàng hoàng mà đi, ung dung, thân thiện, thì chó cũng tự nhiên hết cắn. Bạn hãy tự hỏi mình, “cây ngay sợ gì chết đứng’, cứ làm việc thật tốt, sống ngay thẳng, vui vẻ hào nhã với các đồng nghiệp thì sợ gì một người nói xấu mình sau lưng.
Có những người cuộc sống của họ không hạnh phúc, trong lòng họ chất chứa những đau khổ, oan trách… vì thế mà trở nên hẹp hòi, khó chịu. Nếu như có ai đó hiểu họ, thương họ, chìa bàn tay ra giúp đỡ… chưa chắc họ đã xấu như thế. Bạn có biết gì về cuộc sống của chị đồng nghiệp kia không, bạn đã bao giờ đối xử thân thiện và tình cảm với chị ấy chưa? Nếu chị ta ghét bạn, bạn ghét lại, như vậy mối quan hệ sẽ không bao giờ được cải thiện mà chỉ càng xấu đi.