Đón trung thu tại nhà mùa dịch, bạn trẻ tự làm đèn lồng, bánh sắc màu đẹp long lanh
Có nhiều thời gian hơn khi nghỉ dịch, nhiều bạn trẻ đã học cách làm bánh trung thu đủ màu sắc và hương vị để cùng gia đình vui Tết Đoàn viên.
Video chị Thảo ghi lại sự cầu kỳ, tỉ mỉ qua các bước làm bánh Nerikiri.
Về quê nghỉ dịch ở cùng với bố mẹ đến nay được 3 tháng, chị Thảo ( 27 tuổi, là quản lý phòng khám tư nhân tại TPHCM) có nhiều thời gian rảnh hơn nên đã lên mạng học làm bánh Nerikiri Nhật Bản nhân dịp Tết Trung thu.
Vì rảnh rỗi nên sở thích làm bánh của chị Thảo cũng có chút "ngẫu hứng". Để có được những chiếc bánh tạo hình đẹp mắt, chị đã phải chuẩn bị và xem kỹ các video của nghệ nhân Nhật Bản làm. Sau đó, chị Thảo chọn những mẫu cơ bản nhất, dễ làm nhất rồi biến tấu thêm để có dấu ấn cá nhân mà không phải làm giống hoàn toàn.
"Mình nghĩ cách để làm bánh thành công là bước chuẩn bị, cần nghiên cứu kĩ món muốn làm, sau khi chắc chắn đã hiểu và làm được thì mình sẽ bắt tay làm. Thật ra, bánh mình làm nhìn có vẻ cầu kỳ nhưng chỉ "nhọc công" khi sơ chế nguyên liệu, còn việc tạo hình bánh làm mình thấy đỡ stress hẳn", chị Thảo chia sẻ.
Những chiếc bánh cầu kỳ và đẹp mắt do bàn tay khéo léo của chị Thảo làm để biếu người thân. Còn việc kinh doanh từ làm bánh chị chưa nghĩ đến mặc dù cũng có nhiều bạn bè khuyên nhủ.
Trung thu năm nay với gia đình chị Thảo cũng khá đơn giản. Chỉ cần bánh ngon, trà nóng, ngồi cùng nhau nhâm nhi, trò chuyện là vui. "May mắn nhà mình đang ở vùng xanh nên vẫn có thể nhìn thấy mấy em nhỏ cầm đèn lồng đi tới đi lui, có ít không khí", chị Thảo nói.
Thiên về làm bánh trung thu truyền thống, bạn Đỗ Thị Thúy Quỳnh (sinh năm 2001, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) có đam mê làm bánh để phục vụ gia đình.
"Sau một ngày làm việc và học tập mệt mỏi, còn gì tuyệt vời hơn khi tự tay làm những món bánh xinh xắn, thơm ngon để “tự thưởng” cho bản thân. Biết làm bánh cũng là một thú vui tao nhã, một cách xả stress của mình. Trong kỳ nghỉ dịch dài cũng trùng với Tết Trung thu, mình muốn mang những chiếc bánh do chính mình làm cho mọi người cùng thưởng thức", Thúy Quỳnh chia sẻ.
Để có được những chiếc bánh chuẩn vị truyền thống, Quỳnh cho biết: "Vỏ bánh gồm bột mì, dầu ăn, nước đường nhào bột với một chút dầu ăn. Phần nhân gồm đậu xanh, đường. Đậu xanh rửa sạch, hấp chín đem xay nhuyễn với đường rồi cho vào chảo sên đến khi không dính. Sau đó bọc vỏ vào nhân rồi đóng khuôn và đem nướng".
Với Quỳnh, làm bánh cũng mất rất nhiều thời gian nhưng không phải ngày nào cũng làm bánh. Nữ sinh vẫn đang duy trì học và làm việc online nên đã sắp xếp thời gian vừa học vừa làm và làm bánh cho phù hợp.
Đèn lồng tự chế của bạn Nguyễn Công Toàn (sinh năm 2000). Vì ngày bé, Toàn hay được bố mẹ làm cho, nhưng hiện giờ đi học xa nhà, lại ở trọ một mình nên tự mày mò, sáng tạo ra chiếc đèn lồng tạo không khí cho Tết Trung thu. Tuy cũng khá nhớ nhà nhưng Toàn vẫn luôn tự động viên bản thân bằng cách làm bánh trung thu, làm đèn lồng để ôn lại ký ức xưa.
Bánh trung thu do Công Toàn tự làm đẹp như mua ở tiệm.
Anh Đinh Vũ Quang Cường (làm việc trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng), chia sẻ về không khí đón Tết Đoàn viên cùng gia đình: "Mình không giỏi làm bánh nhưng muốn khám phá khả năng bản thân, và mình nghĩ nếu Trung thu tự làm bánh biếu bố mẹ, người thân sẽ ý nghĩa hơn. Mình hy vọng mọi người sẽ có Tết Đoàn viên vui vẻ, bình an bên gia đình".
Nhân bánh trung thu thập cẩm do anh Cường làm.
Là con trai nhưng anh Cường vẫn muốn vào bếp để làm bánh cho gia đình thưởng thức nhân dịp đặc biệt.
Những chiếc bánh đến từ tình yêu thương của thành viên trong gia đình chắc hẳn sẽ làm nên không khí Tết Đoàn viên ấm áp, vui vẻ và đong đầy tình cảm. Nhất là trong thời điểm nghỉ dịch kéo dài, bạn trẻ có thời gian để thể hiện và làm được những điều có ý nghĩa cho gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian giãn cách xã hội, thay vì buồn chán, mang cảm giác bí bách do cuộc sống bị xáo trộn, nhiều gia đình ở TP.HCM tận...