Đối phó với tiểu nhân nơi công sở

Trong môi trường công việc, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi những “kẻ tiểu nhân” trước mặt ngon ngọt, giả tạo nhưng lại có thể giở những “trò mèo” sau lưng để hạ bệ bạn. Phải làm sao khi rơi vào trường hợp này?

Khốn khổ với những kẻ xảo trá, chuyên tìm cách hạ bệ người khác

Cuộc sống vốn dĩ luôn chứa đựng những chuyện bất công, đặc biệt là chốn công sở. Không ít lần bạn cảm thấy uất ức, bất công khi đồng nghiệp được ưu ái hơn dù trình độ kém cỏi hơn mình?

Nhiều người được cho là có tài, có tố chất và phẩm chất đạo đức chuẩn mực nhưng mãi vẫn chỉ lẹt đẹt làm nhân viên quèn, thậm chí còn bị trù dập thường xuyên. Còn những kẻ giảo hoạt, có biệt tài “xu nịnh” sếp thì một bước đã có thể được cất nhắc làm vị trí này, vị trí kia. Sở dĩ, ngoài khả năng xu nịnh họ còn có biệt tài cướp công thiên hạ, nhăm nhe rình rập nói xấu, hạ bệ người khác trước mặt sếp. Đương nhiên, đám người này thuộc nhóm làm qua loa, đại khái, thiếu trách nhiệm với công việc và đều được đặt cho một biệt danh chung ở chốn công sở là những “kẻ tiểu nhân”.

Chị Minh, nhân viên hành chính nhân sự ở một công ty truyền thông Cầu Giấy, Hà Nội kể lại: “Trước đây tôi từng làm việc chung với một cô nàng xinh xắn, đỏng đảnh nhưng rất được lòng sếp. Mới vào làm được 1 tuần lễ mà ông sếp tôi đã đề xuất khen thưởng đủ thứ. Không rõ cô ta ton hót với sếp những gì mà từ dạo làm chung dự án, tôi thường xuyên bị sếp tra hỏi đủ thứ, rồi quở trách đủ điều. Sau này mới rõ là cô nàng kia luôn tranh thủ kể xấu nào là tôi làm chậm, chèn ép cô nàng… Kỳ thực thì những thứ được giao cô ta đều làm qua loa, đại khái và đầy lỗi, tôi là người phụ trách dự án nên lãnh chịu tất cả. May mắn là một thời gian sau, nhận được những phản ánh của các đồng nghiệp khác mà sếp tôi thay đổi, chuyển cô ta sang bộ phận lễ tân. Từ đó tôi mới được yên thân”.

Còn Vũ Quân, một nhân viên kinh doanh ở Công ty TNHH X. thì nổi tiếng với những độc chiêu mà mọi đồng nghiệp đều phải tìm cách… tránh xa. Trong mọi cuộc họp báo cáo dự án với sếp, anh ta đều cố tình đưa được cụm từ: “Em đã thảo luận với mọi người…”, “Em cũng đã dự định…” để ghi điểm với cấp trên. Thế nhưng, không chỉ vậy, anh chàng này còn có biệt tài chối bay mọi tội lỗi, lúc thì: “Em đã bảo L. làm như thế rồi nhưng cậu ta không nghe…”, hay “Cái này B. làm đấy chứ anh, em đã chỉnh nhiều lắm rồi mà còn như thế đấy chứ…” Thực tế là anh ta chẳng  bảo ban ai vì sợ "lộ nghề", mà có khi cũng chẳng biết gì để chỉ bảo như thế nào.

Còn Vân Anh, một phóng viên báo chí của tạp chí C. (Hà Nội) thì đau đớn kể lại câu chuyện bị cô đồng nghiệp chơi xấu. “Chị H. hơn tôi 3 tuổi. Lúc mới vào làm thấy chị hay cười nói và có vẻ hòa đồng nên tôi nghĩ chị thoải mái. Tiếp xúc dần tôi mới biết rõ chân tướng. Trước mặt các đồng nghiệp, chị ta thường tỏ vẻ ngây thơ, hỏi những câu chẳng đâu vào đâu kiểu như mình ngây ngô không biết gì. Đặc biệt là khả năng bắt chuyện và nịnh nọt đám nam đồng nghiệp. Nhưng sau khi dính phải bài chơi xấu của chị ta thì tôi cạch mặt.

Đối phó với tiểu nhân nơi công sở - 1

Nói xấu, mách lẻo nhằm hạ bệ đồng nghiệp là bản chất của những kẻ tiểu nhân chốn công sở. (Ảnh minh họa)

Chuyện là lúc đó tôi mới chỉ làm cộng tác viên của tạp chí, còn chị H. phụ trách duyệt và đẩy bài cho tôi. Một đề tài tôi đăng ký làm và cố công tìm hiểu, viết đến gần 2 giờ sáng mới xong, sau đó tôi gửi bài cho chị ta duyệt qua. Thế nhưng, sau đó tôi nhận được mail hồi đáp bài không đạt. Khoảng 1 tháng sau, khi cầm tạp chí trên tay, cũng đề tài đó, cũng vấn đề tôi cố công điều tra phản ánh, nhưng tên nhân vật thay đổi và đặc biệt là bút danh đề tên chị ta, làm tôi không thể tin vào mắt mình. Hóa ra vì lười tác nghiệp và kém cỏi mà chị ta cố tình cướp công sức của tôi như vậy. Sau này nghe mấy người làm cùng bảo, hồi đó tôi thường xuyên bị chị H. chê kém cỏi, không làm được; 2,3 giờ sáng nghỉ ngơi còn gọi điện “ra lệnh” chỉnh bài. Tôi quá uất ức vì lúc đó, tôi chỉ nhắn tin qua mail chứ có gọi điện gì đâu…”

Và cách đối phó với những “kẻ tiểu nhân”

Để có thể vừa chăm chỉ, nhiệt huyết với công việc, vừa không bị đối xử oan ức thì bạn cần phải có những phán đoán và hành động đúng lúc, kịp thời. Cần luôn lưu tâm và cảnh giác với những hành động phá hoại, chơi xấu đó.

Trong những trường hợp bị đồng nghiệp đổ tội, bạn cần luôn lưu giữ bằng chứng công việc mình làm, chẳng hạn những email nêu ý tưởng mà bạn đã đưa ra trước nhóm hay có báo cáo, đề xuất gì phải lấy được chữ ký của kẻ đó. Trong các cuộc họp nhóm, bạn nên lưu lại những bản báo cáo, thuyết trình và cần thiết thì có thể ghi âm lại cuộc họp. Như vậy, khi đồng nghiệp lăm le chơi xỏ, bạn đã nắm đủ mọi bằng chứng chứng minh mình vô tội, thậm chí có thể lật mặt “kẻ tiểu nhân”.

Còn với những “lính mới”, tốt nhất bạn nên tránh xa những người tỏ vẻ ngon ngọt hay “thùng rỗng kêu to”. Minh Lộc, một nhân viên sale, nói: “Anh ta thường ba hoa về khả năng và mối quan hệ rộng rãi với ông này bà kia. Anh ta cũng thường hứa hẹn sẽ giúp đỡ tôi các thứ. Nghe rất bùi tai nhưng thực tình, từ lúc vào làm tôi chưa thấy anh ta làm được việc gì ra hồn”.

Ngoài ra, bạn cũng đừng nên tìm cách ăn miếng trả miếng để biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Và quan trọng là điều này sẽ giúp bạn tránh được những cuộc công kích, phản pháo của các đồng nghiệp xấu tính.

Không chỉ tìm cách đối phó, bạn cũng cần nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm, chính xác để sếp biết được năng lực thực sự của bạn. Cuối cùng gì, những kẻ nịnh hót, kém cỏi cũng sẽ bị nhận rõ và đào thải. Vậy nên, đừng quá bi quan khi rơi vào hoàn cảnh oái oăm mà hãy nỗ lực hơn nữa để chứng tỏ năng lực bản thân.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Đồng nghiệp xấu tính thích bắt nạt

Ức chế vì đồng nghiệp hay nhờ vả

"Phát ớn" với đồng nghiệp ăn mặc hở hang

Tránh xung đột với đồng nghiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh (Đời sống & pháp luật)
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN