Dội nước đá lên đầu: Từ thiện hay a dua?
"Em thấy mọi người tham gia và thách thì làm thôi. Đâu phải ai dội nước đá lên người cũng từ thiện?".
“Dội nước đá” (Ice Bucket Challenge) là chiến dịch nhằm mục đích gây quỹ cho ALS Association - một tổ chức chính phủ phi lợi nhuận của Mỹ chuyên nghiên cứu về căn bệnh xơ cứng cột bên teo cơ.
Chiến dịch đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới chính trị gia, CEO của các thương hiệu nổi tiếng và nhiều ngôi sao trên toàn thế giới.
Gần đây, trào lưu này đã lan rộng ở Việt Nam. Một số CEO của các tập đoàn lớn, các nghệ sỹ nổi tiếng như: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Đinh Hương... và rất nhiều bạn trẻ cũng đã hưởng ứng thử thách dội nước đá lên đầu và đóng góp cho quỹ ALS Association qua trang web của tổ chức này.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, video của các cá nhân thực hiện thử thách dội nước đá lên người. Tuy nhiên, có nhiều người tham gia trò chơi này nhưng lại không hề biết được mục đích của nó là gì, làm như vậy có nguy hiểm không? Họ chỉ cần đặt sẵn máy quay, rồi bê cả xô nước đầy ắp, dội từ đỉnh đầu xuống và hét lên thích thú... có nghĩa là đã thực hiện xong "thử thách" của mình.
Trào lưu dội nước đá lên đầu vẫn đang rất hot trong giới trẻ Việt
Bạn H.Y (Hải Phòng) sau khi đăng tải clip dội nước đá lên đầu trên trang facebook cá nhân đã nhận được rất nhiều lượt like và khen ngợi "dũng cảm" từ bạn bè. Nhưng khi có một người comment hỏi: "Bạn đã đóng tiền cho quỹ ALS chưa?" thì H.Y lại hỏi lại: "Quỹ ALS là quỹ gì ạ? Sao lại phải đóng tiền?".
Hay một nữ sinh tại Hà Nội cũng rất hồn nhiên khi được hỏi về nguồn gốc thử thách này: "Em thấy mọi người tham gia và thách thì làm thôi. Đâu phải ai dội nước đá lên người cũng từ thiện?".
Bạn Thúy Nga đã chứng kiến khá nhiều bạn bè của mình tham gia trò chơi này một cách bột phát nhận xét trên facebook rằng: “Có rất nhiều cách để làm từ thiện, chưa kể việc đổ cả một xô nước đá lên người cũng khiến các bạn sẽ bị cảm lạnh. Nếu có điều kiện làm từ thiện, hãy từ thiện cho những mảnh đời bất hạnh quanh bạn, đừng "từ thiện ảo" trên mạng khi mà bạn chỉ dội xô nước đá lên đầu cho thỏa trí tò mò".
Còn một bạn trẻ có nick name David bình luận: “Người ta ở xứ lạnh thì thách dội nước đá mới gọi là thử thách. Còn thời tiết nóng như ở Việt Nam hiện tại thì dội nước đá càng đã chứ có gì đâu mà gọi là thử thách?".
"Mọi người nên tiếp thu có chọn lọc. Đừng vì adua mà biến hành động từ thiện thành trào lưu vô bổ" - một bạn có nick Thu Hoàng nhận xét.
***
Mới đây, một anh chàng da đen đã quay clip châm biếm trào lưu này trong giới trẻ. Chỉ với vài giọt nước trong cốc, anh chàng đã đổ lên đầu và biểu cảm run rẩy, hài hước như những người đã tham gia thử thách Ice Bucket Challenge.
Clip hài hước của chàng trai phê phán thử thách dội nước đá lên đầu
Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (Amyotrophic Lateral Sclerosis = ALS) là một bệnh thần kinh tiến triển, gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động. Vì vậy, não và cột sống không thể điều khiển được các cơ tự chủ (vận động theo sự điều khiển của trí óc hay ý muốn). Bệnh thường phát trong lứa tuổi trưởng thành và khỏe mạnh. Có khoảng 5-10% trường hợp là do di truyền từ cha hay mẹ. Các triệu chứng thường gặp lúc khởi phát bệnh là: chân tay yếu nhẹ, khó nói, nói không rõ hay nói giọng mũi, khó nhai, khó nuốt... Khi bệnh tiến triển, các cơ bị yếu hơn, teo đi và lan rộng ở nhiều nơi trên cơ thể. Tay và chân là hai nơi biểu hiện rõ nhất: cử động vụng về, đi hay chạy bị vấp ngã, yếu liệt. Dần dần, bệnh nhân sẽ không đứng hay đi được, không thể tự vào hay ra khỏi giường nếu không có sự trợ giúp của người khác, không dùng tay thực hiện được các hoạt động bình thường như tắm rửa và thay đồ... Khó nhai và khó nuốt cũng là những triệu chứng thường gặp. Đầu tiên, bệnh nhân chỉ khó nuốt với vài loại thức ăn cứng; dần dần ngay cả thức ăn lỏng và nước miếng cũng khó nuốt... Cuối cùng, khi cơ hoành và cơ lồng ngực bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ khó thở và phải dùng máy thở. Bệnh nhân thường tử vong trong bệnh cảnh suy hô hấp, viêm phổi. ALS không làm tổn thương tinh thần, trí óc, nhân cách, trí thông minh, trí nhớ; các giác quan (nhìn, sờ, ngửi, nghe, nếm) vẫn nguyên vẹn. Bệnh nhân vẫn kiểm soát được các cơ mắt, chức năng tiêu tiểu và cơ vùng sinh dục (vẫn có con sau khi bệnh khởi phát). Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán xác định ALS, chủ yếu chỉ dựa vào các dấu hiệu, triệu chứng, diễn tiến của bệnh trên lâm sàng và những xét nghiệm giúp loại trừ các bệnh khác. Việc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng chỉ giúp loại trừ các bệnh khác vì nó vẫn cho kết quả bình thường trong trường hợp mắc ALS. |
Xem thêm các bài viết liên quan: