Đọc được tin nhắn “Cảm ơn anh và chiếc áo mưa”, vợ cay cú “dằn mặt” nữ đồng nghiệp của chồng
Đó vốn là một cuộc trò chuyện dài nhưng anh đã xoá đi, chỉ còn vỏn vẹn dòng cuối, có lẽ chưa kịp xoá.
Kiểm tra điện thoại có phải là cách kiểm soát chồng khôn ngoan? (ảnh minh hoạ)
Kiểm tra điện thoại là một trong những cách quản lý, kiểm soát chồng của hội chị em. Họ vốn có tính tò mò và luôn cho rằng, chồng giấu bí mật gì đó bên trong chiếc điện thoại. Ít ai hiểu được rằng, đó là hành động xâm phạm quyền riêng tư và có thể gây ra những trận cãi vã “long trời lở đất”.
Gia đình tan nát vì thói quen kiểm tra điện thoại
Xem tất cả mọi thứ trong chiếc điện thoại của chồng là thói quen từ thời mới yêu của chị H. (Hà Nội). Vợ chồng chị từng tranh luận nhiều lần về việc này nhưng chưa có sự thống nhất. Chị H. cho rằng, giữa vợ chồng không nên có bí mật, nếu chồng không làm điều gì mờ ám thì không có lý do nào phải cấm vợ xem điện thoại. Chị có thể thoải mái để chồng cầm điện thoại của mình thì chồng cũng nên làm thế với chị.
Nhưng chồng chị H. lại cho rằng, dù là vợ chồng thì vẫn cần có không gian riêng và chiếc điện thoại nằm trong số đó. Anh không làm gì mờ ám, càng không dùng điện thoại để lăng nhăng, ngoại tình nhưng anh vẫn có những thứ không muốn vợ biết, đơn giản như vài tin nhắn trò chuyện tào lao giữa anh và bạn bè.
Sau vài lần tranh luận gay gắt, chị H. chuyển từ công khai sang lén lút kiểm tra điện thoại của chồng. Thi thoảng, chị lại “ném” cho ông xã vài câu bóng gió như: “Hôm nay vui quá nhỉ? Cả nhóm bàn luận về em đồng nghiệp mới cơ mà”, “Anh vừa nhận lương à? Em thấy anh chuyển tiền cho mẹ”, “Sao anh lại theo dõi cả group thích ngắm gái xinh thế?”… Chồng chị luôn tỏ ra khó chịu khi nhất cử nhất động đều bị vợ nằm lòng. Dần dà, những thứ chị đọc được ít đi. Chị biết, chồng đã xoá đi những gì cần xoá.
Với thói quen kiểm tra điện thoại chồng, các cô vợ có thể nhận phải trái đắng (ảnh minh hoạ)
Đỉnh điểm là một lần, chị đọc được tin nhắn anh hẹn nữ đồng nghiệp đến cổ vũ cho trận bóng giao hữu giữa hai cơ quan. Chị biết, hai người cùng hoạt động đoàn thể nên việc tổ chức giải bóng này là công việc chung. Nhưng chị vẫn không thể “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
“Hôm đó là tròn 2 tuần tôi sinh em bé, mẹ chồng và các chị chồng vẫn ở đó chăm nom. Tôi cầm điện thoại đến trước mặt anh chất vấn, tại sao vợ nằm đau đớn ở nhà, con còn đỏ hỏn mà chồng lại rủ rê đồng nghiệp đi vui chơi. Anh giật chiếc điện thoại ném vỡ toang. Lần đầu tiên tôi thấy anh hung dữ đến vậy.
Anh nói với cả nhà rằng, anh quá ngột ngạt khi sống cùng tôi, ngay cả chiếc điện thoại là thứ nhỏ bé nhất, anh cũng không được giữ cho riêng mình. Anh tố cáo tôi đọc mọi tin nhắn của anh, từ tin nhắn với bạn bè đến tin nhắn với anh chị em trong nhà. Anh bức bối vì mọi thứ của anh tôi đều cố tình tìm hiểu… Và anh bỏ ra ngoài, để tôi ở đó trước ánh mắt giận dữ của mọi người.
Mẹ chồng mắng tôi, làm vợ mà không tin chồng, xâm phạm quyền riêng tư của chồng. Chị chồng tôi bảo, chị chưa bao giờ cầm chiếc điện thoại của anh rể vì đó là sự tôn trọng tối thiểu… Cho đến tận khi anh về và nói rằng: “Thôi, việc của vợ chồng con để chúng con tự giải quyết”, tôi mới được buông tha”, chị kể lại.
Đàn ông không thích bị vợ kiểm tra điện thoại (ảnh minh hoạ)
Sự việc lần đó giúp chị H. hiểu rằng, nỗi bức xúc của chồng chị bị dồn nén quá lâu, thì ra nhu cầu riêng tư của anh lại lớn đến thế. Đó cũng là lần cuối cùng chị tò mò về chiếc điện thoại của anh.
Anh Q. (Hà Nội) đã bao phen khốn khổ với sở thích kiểm soát điện thoại của vợ. Anh chưa từng cấm vợ xem điện thoại của mình, ngay cả những tin nhắn bỡn cợt với đám bạn, anh cũng sẵn sàng để vợ xem.
“Tôi khẳng định, chẳng có ông chồng nào muốn vợ lục lọi điện thoại của mình. Họ chẳng làm gì mờ ám nhưng không có nghĩa là thứ gì cũng phải công khai với vợ. Dù vậy thì tôi vẫn vô tư cho vợ xem điện thoại để cô ấy khỏi phải nghi ngờ bóng gió”, anh nói.
Thế nhưng, vợ anh vẫn nghi ngờ và anh vẫn khốn khổ. Đơn giản chỉ là tin nhắn hỏi thăm cô bạn học cũ, trao đổi công việc với nữ đồng nghiệp… anh cũng bị vợ chất vấn.
Có khi, vợ anh còn ghen tuông, giận dỗi cả tháng trời chỉ vì tin nhắn cảm ơn của một cô bạn anh cho đi nhờ xe. Không có cách nào khác, anh buộc phải nhớ xoá mọi tin nhắn được cho là “nhạy cảm” để nhà cửa được bình yên.
“Tôi không biết mình có thể kiên trì xoá tin nhắn đến bao giờ. Điện thoại là của tôi cơ mà? Một lúc nào đó, tôi phải làm cuộc cách mạng với vợ, yêu cầu cô ấy dừng cái việc vớ vẩn đó lại”, anh chia sẻ.
“Mắt không thấy thì tim không đau”
Chiếc điện thoại có thể gây ra hiểu lầm (ảnh minh hoạ)
Sau quá nhiều chuyện đã qua, Chị T. (Hà Nam) đặt ra cho mình nguyên tắc: “Không chạm vào điện thoại của chồng”. Trước đây, đó là sở thích, là thói quen của chị. “Biết 1 thì phải biết 10”, chị liên tục kiểm tra và biết được nhiều chuyện đau lòng từ chiếc điện thoại ấy. Rút cuộc, vì không muốn gia đình tan vỡ, chị vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vui vẻ với chồng. Bởi thế chị cho rằng, biết ít khổ ít, biết nhiều khổ nhiều, “mắt không thấy thì tim không đau”, cứ để yên mọi thứ trong chiếc điện thoại của chồng thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn.
“Tôi biết nhiều cô vợ kiểm tra điện thoại của chồng rồi đoán già, đoán non, liên tưởng đủ thứ, cuối cùng làm ầm lên với chồng. Chẳng để làm gì cả, chỉ khiến vợ chồng mất lòng tin vào nhau, gia đình rạn nứt. Một người bạn nói với tôi là: “Nếu cánh đàn ông chúng tôi làm gì lung tung thì đã chẳng để lại dấu vết cho vợ kiểm tra. Có hàng nghìn cách để kiểm soát chồng thay vì lăm lăm lục lọi chiếc điện thoại”. Tôi nghĩ họ nói đúng”, chị T. chia sẻ.
Chị T.S. cũng có bài học xương máu về thói quen xem điện thoại của chồng. Mỗi lần kiểm tra, chị thường thở phào nhẹ nhõm vì chiếc điện thoại của anh rất “sạch sẽ”, chỉ vài đôi ba cuộc trò chuyện trao đổi công việc, Facebook thì toàn người quen, không hề có dấu vết ngoại tình.
Bởi thế mà khi đọc được tin nhắn của một nữ đồng nghiệp gửi cho chồng, chị rất sốc. Đó có thể là một cuộc trò chuyện dài nhưng anh đã xoá đi, chỉ còn vỏn vẹn dòng cuối, có lẽ chưa kịp xoá: “Cảm ơn anh và chiếc áo mưa tối nay nhé!”.
Không đợi chồng giải thích, sẵn điện thoại trong tay, chị nhắn lại luôn cho cô gái kia. Chị hỏi về mối quan hệ của hai người, “dằn mặt” cô gái đó bằng những lời lẽ khó nghe. Sau đó, chị gọi chồng dậy chất vấn. Cả hai cãi nhau to đến mức viết đơn ly hôn.
“Thì ra chỉ là hiểu nhầm. Trời mưa lớn, cô gái đó thì mang bầu nên chồng tôi nhường cho chiếc áo mưa. Họ chưa từng nói chuyện với nhau, đó là tin nhắn đầu tiên cô gái đó gửi cho chồng tôi. Tôi sau đó đã phải hẹn gặp xin lỗi cô ấy và hứa với chồng rằng, chiếc điện thoại là của riêng anh”, chị S. kể.
Kiểm tra điện thoại của chồng có thể là một biện pháp giữ chồng, cũng có thể chỉ là thói quen thoả mãn trí tò mò của hội chị em phụ nữ. Nhưng liệu việc này có khiến người đàn ông của họ phải sống trong môi trường “thiếu không khí”, khiến hạnh phúc gia đình lung lay?
Hơn 7 năm sống chung, có 2 đứa con trai, Hạ bàng hoàng phát hiện quá khứ "nổi loạn" của người chồng đĩnh đạc....
Nguồn: [Link nguồn]