"Dở khóc dở cười" cảnh tân sinh viên đi tìm thuê phòng trọ
Không chỉ đau đầu vì giá phòng trọ cao ngất ngưởng, sinh viên còn gặp phải nhiều mánh khoé lừa đảo khi đi tìm thuê nơi ăn chỗ ở.
Một tân sinh viên "kêu trời" vì giá phòng trọ đắt đỏ
Năm học mới cận kề là giai đoạn cao điểm của mùa tìm thuê trọ. Không ít tân sinh viên “chân ướt chân ráo” ra thành phố nhập học phải kêu trời vì tìm phòng trọ quá khó khăn. Trên các diễn đàn dành riêng cho sinh viên đại học, nhiều bạn trẻ kể lại câu chuyện “dở khóc dở cười” khi cùng người thân, bạn bè đi kiếm phòng trọ ở đất thủ đô.
Không chỉ tân sinh viên mà sinh viên cũ có nhu cầu đổi phòng trọ cũng choáng váng khi thấy giá thuê trọ của mùa tựu trường năm nay. Phòng trọ diện tích 15m2 đến 17m2 có giá từ 2-2,5 triệu đồng, chưa kể điện nước và các dịch vụ khác. Những căn phòng trọ “cao cấp” hơn, đầy đủ điều hoà, nóng lạnh, vệ sinh khép kín, khu vực gần trường thì có giá 4-5 triệu đồng/phòng.
Quang Duy (Hà Nội) sau 5 ngày cùng bạn thân đi tìm phòng trọ ở khu vực Cầu Giấy phải thốt lên: “Lắm lúc thương sinh viên tỉnh lẻ thật. Mình ở Hà Nội, đi tìm phòng trọ cùng bạn suốt 5 ngày, đủ mọi ngóc ngách mà vẫn không tìm được phòng như ý”.
Một căn phòng trọ ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) có giá thuê 4,6 triệu đồng/tháng
Theo Duy chia sẻ, việc tìm phòng trọ gặp rất nhiều vấn đề. Căn phòng ưng ý thì giá quá cao, phòng giá mềm một chút lại quá xập xệ, xa trường, chất lượng dịch vụ kém. Kết quả, dù toát mồ hôi tìm kiếm nhiều ngày, Duy vẫn chưa thể giúp bạn thân có nơi ăn chỗ ở tử tế.
“Có căn phòng 18m2 bé như cái mắt muỗi mà chủ trọ hét giá 3,5 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước và đủ các loại dịch vụ khác. Quá đáng hơn, họ còn giới hạn chỉ được ở 2 người. Chúng mình tính toán, cộng cả tiền phòng, tiền dịch vụ thì mỗi người phải chi hơn 2 triệu đồng/tháng thuê trọ, lại thêm tiền ăn uống, sinh hoạt, học phí hàng tháng, sinh viên nào chịu được nhiệt”, Duy nói.
Muốn tìm phòng giá cả vừa phải, Lưu Trang (Hưng Yên) chấp nhận thuê phòng xa trường. Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm phòng trọ không vì thế mà bớt vất vả, dù phòng xa trường, nhỏ hẹp, nằm sâu trong ngõ cũng có mức giá “trên trời”.
Trong gần 10 ngày cùng chị gái loay hoay tìm phòng trọ, Trang khẳng định: “Chắc kiểu phòng nào mình cũng gặp qua rồi. Lắm lúc chỉ muốn hét lên “Các bác chủ trọ ơi, cho sinh viên chúng cháu sống với”. Căn phòng bé tí, không có một vật dụng gì mà giá 2,2 triệu đồng/tháng. Phòng ở những khu nhà cấp 4 lụp xụp thì rẻ hơn, giá khoảng 1,5 triệu đồng/tháng nhưng mức giá đó so với chất lượng phòng vẫn cách quá xa. Chị em mình tìm kiếm bao ngày, cuối cùng vẫn phải chọn 1 phòng 2 triệu đồng/tháng, không có điều hoà, nóng lạnh để ở tạm rồi tính tiếp”.
Giá dịch vụ phòng trọ cũng là vấn đề khiến các sinh viên "đau đầu" (ảnh minh họa)
Giá phòng đắt, giá dịch vụ còn gây “choáng” hơn nhiều cho các tân sinh viên.
Quốc Tùng (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) và hai người bạn khác vừa thuê một căn phòng trọ ở Cầu Giấy (Hà Nội) với mức giá 3,5 triệu đồng/tháng. Kèm theo đó là đủ loại dịch vụ với mức giá cao ngất: điện 4000 đồng/số, nước 100 nghìn đồng/người/tháng, tiền vệ sinh thang máy 100 nghìn đồng/người/tháng… Ngoài ra, Tùng và các bạn còn phải trả thêm tiền đổ rác, tiền máy giặt, tiền gửi xe… Những khoản dịch vụ này cộng lại khiến cho tiền thuê trọ mỗi tháng của cậu bạn độn lên rất nhiều.
Hương Giang (Ninh Bình) cũng bất ngờ khi ngoài tiền thuê trọ còn phải chi trả nhiều loại dịch vụ như vậy. Cùng 3 người bạn khác thuê một căn phòng khép kín 20m2 với giá 4,6 triệu đồng/tháng, Giang phải trả thêm nhiều khoản tiền khác như: tiền điện, nước, mạng internet, tiền máy giặt… Tổng cộng các khoản tiền rơi vào khoảng 500 nghìn đồng/tháng.
“Tính ra, mỗi tháng chúng mình phải chi 1,5 - 1,7 triệu đồng tiền trọ, cộng thêm tiền ăn uống, sinh hoạt, tiết kiệm lắm cũng “ngốn” của bố mẹ hơn 3 triệu/tháng. Chúng mình đang tính, hết hợp đồng thuê phòng 3 tháng thì đi tìm phòng khác xa trường hơn xem có rẻ hơn không”, Giang chia sẻ.
Những tấm biển quảng cáo phòng trọ hấp dẫn nhưng thực tế lại khác xa
Trong quá trình tìm phòng trọ, sinh viên còn gặp phải nhiều mánh khoé lừa đảo. Thanh Bình (Vĩnh Phúc) kể lại trải nghiệm cay đắng của mình khi đi tìm phòng trọ ở Hà Nội: “Mình nhìn thấy tấm biển “Cho thuê phòng trọ khép kín” dán trên cột điện, giới thiệu là chính chủ cho thuê nên gọi theo số điện thoại đó. Ai ngờ, người đến dẫn mình đi xem là “dân môi giới”, dẫn qua dẫn lại một hồi cuối cùng “xin” mình 500 nghìn đồng tiền công. Nhìn vẻ bặm trợn của họ, một tân sinh viên như mình làm sao dám… quỵt”.
Vũ Hằng (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) và các bạn tìm thuê phòng trọ qua một số diễn đàn. Căn phòng trên ảnh chụp trông sạch sẽ, thoáng đãng, đầy đủ tiện nghi mà mức giá chỉ 3 triệu đồng/phòng nên Hằng rất vừa ý. Thế nhưng, cô bạn không ngờ nhóm của mình lại bị chủ trọ lừa ngoạn mục.
“Hôm đến xem phòng, anh chủ lấy lý do mất chìa khoá nên bảo tụi mình sang phòng bên cạnh ngó trước. Anh ấy đảm bảo các phòng ở đây diện tích, cách bố trí và đồ đạc có sẵn đều y hệt nhau. Tụi mình tin tưởng, chuyển cho người ta 2 triệu đồng tiền cọc. Nào ngờ, hôm đến nhận phòng, chúng mình nhận phải căn phòng cũ kỹ, tường ố vàng, nhà vệ sinh bẩn thỉu. Đến cái điều hoà cũng cũ rích. Mình xin chủ nhà cho nhận lại tiền cọc để tìm thuê phòng khác nhưng họ không đồng ý. Bực quá, mình mới nói họ “treo đầu dê bán thịt chó” thì bị doạ dẫm một phen. Cuối cùng, mấy đứa bảo nhau chấp nhận ở hết 3 tháng theo hợp đồng rồi tìm phòng khác”, Hằng kể lại.
Tìm phòng trọ vẫn là câu chuyện nan giải với nhiều sinh viên, đặc biệt là các sinh viên mới lên thành phố nhập học. Một số cựu sinh viên chia sẻ, để tìm được căn phòng ưng ý với mức giá hợp lý, các tân sinh viên nên tìm sớm để tránh vào mùa cao điểm, dẫn đến tình trạng “cháy phòng” hoặc bị chủ trọ “hét giá”.
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ trọ đến kiểm tra thì phát hiện khách thuê đã rời đi, bỏ lại ngôi nhà trong tình trạng không thể tưởng tượng nổi.