Đỗ đại học, tân sinh viên được bố mẹ mua căn nhà 7 tỉ đồng để đỡ phải thuê trọ
Sau khi biết điểm chuẩn trúng tuyển Đại học năm 2024, nhiều bạn tân sinh viên từ các tỉnh, thành khẩn trương đi tìm nhà trọ tại Hà Nội. Có bạn lựa chọn ở khu ký túc xá của trường, cũng có bạn được bố mẹ mua luôn một căn nhà để đỡ phải đi thuê trọ.
Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2024, nhiều bạn tân sinh viên bắt đầu lên phương án về nơi ở, di chuyển cho những năm học tập trên giảng đường. Những ngày này, giá nhà trọ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội biến động không ngừng, nhiều bạn lựa chọn ở ký túc xá chất lượng cao hoặc thuê chung cư ở ghép thay vì thuê những phòng trọ nhỏ trong ngõ ngách sâu, vì sợ không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, có bạn được gia đình mua luôn một căn nhà tại Hà Nội để thuận tiện học hành.
Tìm phòng trọ luôn là áp lực đối với mỗi tân sinh viên khi lên đại học. Ảnh: BĐS123
Bạn Quỳnh Anh (đến từ TP Lào Cai) trúng tuyển khoa Thiết kế đồ họa trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cô bạn lựa chọn ở ký túc xá (KTX) chất lượng cao. Khu ký túc xá của trường cô bạn có đa dạng các loại phòng từ 1 - 8 người/ phòng với mức giá khác nhau. Loại phòng mà Quỳnh Anh lựa chọn ở là 3 người/ phòng. Với mức giá 1,2 triệu đồng/ người đã bao gồm dịch vụ dọn phòng theo tuần, chưa kể tiền điện, nước.
"Mình thấy mức giá ở KTX như vậy rất hợp lý, lại còn có đầy đủ điều hòa, nóng lạnh, nội thất cũng đầy đủ luôn. Ở KTX mình còn tiết kiệm được chi phí đi lại hàng ngày nữa" - Quỳnh Anh chia sẻ.
Khu KTX trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương còn rất mới và khang trang.
Tuy nhiên, không phải trường đại học nào cũng có KTX đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, nhiều ký túc xá của các trường hiện chỉ dành cho sinh viên thuộc diện chính sách. Ngoài việc ký túc xá bị quá tải, nhiều trường Đại học, Cao đẳng cũng không có ký túc xá cho sinh viên ở. Vì vậy, phần lớn sinh viên ở các tỉnh về Hà Nội học phải đi thuê nhà trọ ở bên ngoài.
Cẩm Lê là tân sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân.
Một người chị họ của bạn Quỳnh Anh là Cẩm Lê (cũng đến từ TP Lào Cai) là tân sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi biết Lê trúng tuyển Đại học, ba mẹ của Cẩm Lê từ Lào Cai lên Hà Nội tìm nhà thuê cho con gái. Tuy nhiên sau 1 tuần cân nhắc và tính toán, gia đình của Cẩm Lê quyết định mua luôn một căn nhà trong ngõ diện tích khoảng 45m2 có 5 tầng với giá 7 tỷ đồng, gần khu vực trường Đại học Y Hà Nội, cách trường Cẩm Lê học khoảng 2km.
"Sau khi xem một số phòng trọ cho thuê vừa cũ lại chật, giá cả cũng không hề rẻ nên ba mẹ mình quyết định mua luôn nhà. Vừa thuận tiện cho mình đi học lại vừa là một khoản đầu tư sinh lời vì giá bất động sản tại Hà Nội ngày càng tăng" - Cẩm Lê chia sẻ.
Bạn Đinh Hương (đến từ Ninh Bình) - tân sinh viên khoa Dược của Đại học Y Dược Thái Bình lựa chọn phòng trọ cách trường 200m, giá thuê là 2 triệu đồng đầy đủ nội thất, nóng lạnh, điều hòa, vệ sinh khép kín. Cô bạn cho biết mức giá thuê trọ ở Thái Bình rẻ hơn ở Hà Nội, có những phòng cũ hơn một chút, không đầy đủ đồ đạc thì chỉ tầm 1 triệu đồng. Tuy nhiên cô bạn vẫn lựa chọn phòng có giá 2 triệu đồng cho tiện sinh hoạt, bù lại có thể tự nấu ăn tiết kiệm chi phí.
Đinh Hương - tân sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình.
Nhà trọ tại các nơi gần trường học có nhiều loại hình và mức giá. Trong đó, thị trường nhà trọ cho thuê chủ yếu được chia thành 2 nhóm: Nhà trọ giá rẻ và nhà trọ cao cấp. Nhóm nhà trọ giá rẻ có giá thuê từ 1,2 - 2,8 triệu đồng/tháng, diện tích khoảng 10 - 18 m2/phòng; nhà trọ cao cấp có giá thuê khoảng 4 - 6 triệu đồng/phòng với diện tích khoảng 25-35 m2 có đầy đủ tiện nghi.
Cảnh báo lừa đảo khi tìm phòng trên mạng xã hội Nhiều phụ huynh và tân sinh viên trong tâm lý sốt ruột muốn tìm thuê được phòng trọ một cách nhanh chóng đã chủ động tìm phòng trọ qua mạng xã hội, do vậy nhiều đối tượng đã ăn cắp hình ảnh, thông tin các phòng trọ trên mạng xã hội để đăng tải với mục đích lừa đảo tiền cọc trọ. Sau khi chốt được phòng qua mạng, các đối tượng sẽ yêu cầu người thuê phải đóng tiền cọc để giữ phòng. Nếu người thuê phân vân, các đối tượng sẽ liên tục thúc giục và cảnh báo sẽ mất phòng. Với tâm lý sốt ruột muốn tìm thuê được phòng trọ một cách nhanh chóng, nhiều phụ huynh và sinh viên chấp nhận chuyển cọc. Phụ huynh, sinh viên đang có nhu cầu tìm nhà thuê trọ cần cảnh giác với chiêu thức lừa đảo này. |
Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều chủ nhà trọ đã chú ý hơn tới việc nâng cấp cơ sở vật chất và trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Nguồn: [Link nguồn]