Đi đòi nợ dài đằng đẵng như phim "Cô dâu 8 tuổi"
"Cho bạn vay từ lúc mới chửa mà giờ con 3 tuổi rồi mình vẫn chưa đòi được nợ".
"Đứng cho vay, quỳ đòi nợ" là nỗi khổ của nhiều người (ảnh minh hoạ)
Chủ đề “cho bạn vay tiền” được mở ra trên một diễn đàn mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác chỉ sau vài giờ. Mỗi bình luận là một câu chuyện cay đắng của chủ nợ, chỉ vì trọng tình nghĩa, muốn giúp đỡ bạn lúc khó khăn mà cuối cùng mất cả bạn lẫn tiền. Một số người thì “dở khóc dở cười” kể lại hành trình đòi nợ kéo dài cả năm, thậm chí là vài năm của mình khi “con nợ” bất tín.
Bạn ngọt nhạt vay tiền, lúc trả càu nhàu như bố thí
Đậu Thị Trang (31 tuổi, nội trợ) ví câu chuyện đòi nợ của mình dài như phim “Cô dâu 8 tuổi”. Trang cho bạn thân vay 11 triệu khi cô vừa cấn bầu đứa con gái đầu tiên. Cô vì sức khoẻ kém, phải nghỉ hẳn việc ở nhà dưỡng thai nên thường xuyên túng thiếu. Dẫu vậy, phải đến tận lúc chuẩn bị vào viện chờ sinh, cô mới dám nhắn tin đòi bạn khoản tiền 11 triệu kia.
Nào ngờ, đòi nợ chẳng hề dễ dàng như lúc cho vay. Bạn thân Trang từng hứa hẹn: “Chỉ cần mày báo trước một ngày, tao sẽ xoay tiền trả ngay”. Trang báo trước hẳn nửa tháng và còn nhấn mạnh: “Tao đang kẹt lắm, còn đúng 11 triệu chỗ mày để ứng tiền mổ đẻ. Cố gắng lo trả cho tao”. Bạn cô hứa trước ngày vào viện sẽ đem đến tận nhà trả, sau đó lại bảo: “Hai vợ chồng cứ xách làn vào viện dần, tao chờ chồng chuyển tiền đến rồi sẽ chuyển khoản trả luôn”.
“Tin bạn giữ lời, vợ chồng mình xách làn vào viện nhưng đến tận lúc y tá gọi đến ký giấy, ứng tiền vẫn chẳng thấy tiền đâu. Mình tá hoả gọi điện cho bạn thì bạn không bắt máy, nhắn tin chẳng trả lời. Mình bất lực, chồng đành ứng trước đôi triệu, rồi quay về vay mượn anh em”, Trang kể.
Tình chị em tan tành từ sau chuyện vay tiền - đòi nợ (ảnh minh hoạ)
Cô không chỉ giận dỗi mà còn căm hận bạn vì lúc khó khăn nhất, cần tiền nhất thì bạn lại ngoảnh mặt làm ngơ. Kể từ lần đó, cô quyết tâm phải đòi bằng được khoản nợ này nhưng cô càng quyết tâm, “con nợ” càng chây ì.
“Cho bạn vay từ lúc mới chửa mà giờ con 3 tuổi rồi mình vẫn chưa đòi được nợ. Nhắn tin đòi nợ, khi nào bạn vui thì trả lời, khất nợ tử tế, không vui thì bạn còn chả thèm đọc tin nhắn, mở cửa sổ chat ra hầu như toàn tin nhắn của mình. Đúng là bài học xương máu “tin bạn mất bò”, Trang ngán ngẩm.
Nguyễn Anh Duy (34 tuổi, kiến trúc sư) cũng “thanh lọc” được vài người bạn xấu nhờ cho mượn tiền. Anh lạc quan xem đó là mặt tốt của việc “cho bạn vay tiền, mất cả tiền lẫn bạn”.
“Số tiền cho vay không lớn gì, đôi khi chỉ là 500, 1 triệu lúc nhân tiện làm hộ cái phong bì cưới hay đứng ra ứng tiền trả buổi hát karaoke. Thế nhưng nhiều người lầy thật, lúc nhờ vả thì ngọt như mía lùi, lúc bị đòi tiền lại nhảy dựng lên như gà bị cắt tiết ấy”, Anh Duy bức xúc.
Một “con nợ” trong số đó khiến Anh Duy nhớ mãi bởi thái độ lúc trả tiền. Người bạn này vay anh 15 triệu đồng mua quà biếu bố mẹ vợ. Lúc vay thì kể lể ỉ ôi, nói tiền lương vợ tịch thu hết nhưng vẫn phải tự kiếm tiền mua quà nịnh bố mẹ vợ để họ sang tên cho căn nhà mới xây. Anh chẳng tiếc gì, chuyển ngay 15 triệu sang cho bạn nhưng hơn 1 năm trôi qua vẫn chẳng thấy bạn đả động đến chuyện trả tiền.
Anh Duy suy nghĩ cả tối mới nhắn được cái tin đòi nợ tế nhị, để bạn khỏi mất lòng. Nhưng bạn anh dửng dưng: “Tao đang kẹt lắm. Để sau tao lo trả dần”.
“Rút cục, cái gọi là “trả dần” của bạn kéo dài suốt cả năm. Lúc vay thì vay cả cục mà lúc trả lại thành trả góp, mỗi lần 200, 300, 500 nghìn đồng. Mà không phải tự dưng trả đâu, phải đòi thường xuyên đấy, có những lần đòi bị nói như tát nước vào mặt cũng phải nhẫn nhịn để đòi cho hết nợ. Tôi vẫn nhớ, lần cuối cùng bạn trả là 700 nghìn đồng, kèm theo câu: “Đấy, may cho ông là tôi tử tế, trả nợ không thiếu một xu nhé”. Ơ, tiền tôi cho vay cũng chẳng thiếu một xu, giờ nói may là may thế nào. Tôi chửi một trận tam bành rồi xoá xổ tình bạn này luôn”, Anh Duy kể lại.
“Cho vay hết mình, đòi nợ hết hồn”
Đó là tình cảnh không ít “chủ nợ” gặp phải. Thậm chí, nhiều người còn an ủi nhau: “Con nợ còn trả lời tin nhắn là còn cơ hội đòi được tiền. Cố gắng lên”.
Cho vay thì dễ nhưng đòi nợ lại khó muôn phần (ảnh minh hoạ)
Nhìn cửa sổ chat chỉ toàn những dòng tin nhắn màu xanh mà Khánh Huyền (28 tuổi, dược sĩ) buồn lòng. Cô cho đồng nghiệp cũ mượn 3 triệu đồng mà đòi ròng rã từ tháng 12 năm ngoái đến giờ chưa được. Trong khi, trước đó “con nợ” của cô nói là “vay nóng”.
“Đấy, tin nhắn đòi nợ của mình có khác gì đi xin không. “Chào chị, chị vẫn khoẻ chứ? Chỗ làm mới ổn không? Gần 1 năm rồi, chị còn nợ em ít tiền cho em xin lại. Giờ em cũng rất khó khăn, em đã cho chị thời gian khá lâu để thu xếp rồi. Số tiền cũng không lớn nhưng với em giờ rất quan trọng. Mong chị trả lại em. Số tài khoản của em là…”. Rồi sao? Chị ta đọc nhưng không thèm trả lời, mình gọi Facetime thì không thèm nghe, trong khi vẫn trả lời tin nhắn hội chị em trong nhóm chat. Mình tức lên, nhắn tin đòi tiền trong nhóm chat thì bị chị ta chặn Facebook luôn rồi”, Khánh Huyền than thở.
Thuý An (33 tuổi, nhân viên hành chính) cũng đau đầu với chuyện đòi nợ. Cô phát ngán khi liên tục phải chạy theo “thời khoá biểu” của “con nợ”, khi thì đợi họ đi đón con, khi thì đợi họ họp hành, lúc lại phải đợi họ ổn định tâm lý sau lần cãi nhau với chồng… “Con nợ” thường xuyên hẹn cô ngày trả nợ nhưng đến ngày hẹn lại im ắng. Thuý An nhắc nợ, họ lại hẹn rồi lại có đủ lý do để quên hẹn, cuối cùng gần 1 năm, tin nhắn giữa cô và người bạn đó chỉ còn là chuyện đòi nợ.
“Kể chuyện này với bạn bè, mình được an ủi: “Họ còn trả lời tin nhắn là cậu còn cơ hội đòi được tiền. Như mình đây này, bị chặn khắp mặt trận rồi”. Hoá ra, chẳng riêng mình khổ thế. Không cho vay thì bảo không tình nghĩa, cho vay rồi giờ đi đòi như đi xin”, Thuý An chia sẻ.
Không ít người còn bị “con nợ” làm cho “tức ói máu” khi đi đòi nợ. Nguyễn Sơn (25 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin) sau bao lần đòi nợ bất thành đã bất lực nhắn tin: “Tiền có vài triệu thôi mà để tôi đòi 5 lần 7 lượt, ông trả hay không trả nói dứt khoát, còn không thì xin một câu tôi cho luôn”. “Con nợ” của anh đáp gọn lỏn: “Ừ vậy ông cho tôi xin”. “Đến mức này thì tôi cũng cạn lời, coi như mình làm từ thiện vậy”, Sơn nói.
Hoài Nam (35 tuổi) đòi nợ không được quay sang doạ dẫm “bốc phốt” “con nợ” lên mạng xã hội và cho người đến tận nhà đòi. Nào ngờ, “con nợ” thách thức: “Anh đừng doạ em. Anh cho người đến nhanh nhanh em còn đi nấu cơm, địa chỉ nhà em đây này… À em cũng không định lấy chồng đâu mà anh doạ “phốt” cho hết đường lấy chồng”.
“Ngay sau đó, em ấy đăng ảnh sang chảnh lên Facebook nhắn nhủ: “Lêu lêu ai đó doạ làm cho mình không lấy được chồng. Thôi, với thể loại người trơ trẽn thế, tôi cúi đầu xin thua”, Hoài Nam ngán ngẩm.
***
Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi cho người thân, bạn bè vay tiền? Hãy gửi những câu chuyện của bạn vào mail Bantrecuocsong@24h.com.vn để cùng chia sẻ cùng chúng tôi.
Đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở vì cho người thân vay tiền. Không đòi thì thiệt hại về kinh...
Nguồn: [Link nguồn]