Đề xuất thời gian làm đủ ngắn để nam nữ tìm bạn đời: Giới trẻ nói gì?
Trước đề xuất mới đây về việc điều chỉnh thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái gia đình, đã thu hút sự tranh luận, bày tỏ quan điểm của nhiều bạn trẻ.
Trước đó, tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ngày 6/8, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM nhận định, công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững khi số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ 1,96 con, và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023. Đồng thời xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp và chênh lệch về mức sinh giữa các vùng.
Từ thực tế trên, Giáo sư Nhân đề xuất cần quy định thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Bởi, mức sinh giảm hiện nay xuất phát từ xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn...
Giới trẻ tranh luận xoay quanh đề xuất giảm giờ làm để nam nữ tìm bạn đời. Ảnh minh họa
Trước đề xuất nêu trên, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự đồng tình và đưa ra nhiều quan điểm xoay quanh vấn đề kết hôn muộn, tìm bạn đời trước vòng quay hối hả của cuộc sống hiện đại.
Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, ở quận Thanh Xuân) cho biết, việc giảm giờ làm sẽ giúp các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn chưa kết hôn có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn và tìm kiếm nửa kia của mình.
"Mỗi ngày, mình phải xử lý một khối lượng công việc nhất định. Tuy nhiên, phần lớn thời gian mình lựa chọn tăng ca, tăng lương để có thể đáp ứng việc chi trả trong sinh hoạt cuộc sống. Không chỉ mình, ở một bộ phận giới trẻ cũng có xu hướng "làm ngày, cày đêm". Nhiều bạn phải kiếm tiền để trang trải cho chi tiêu cuộc sống, có bạn thì cần tích cóp khoản tiền trước khi tiến tới hôn nhân. Do vậy, rất ít người có thể hẹn hò đúng nghĩa", Như Quỳnh nói.
62% bạn trẻ lựa chọn kết hôn sau tuổi 30 vì vẫn còn nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ảnh minh họa
Bạn trẻ Quý Thanh cũng bình luận, đối với nhiều người trẻ, đặc biệt là những người đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp, việc cắt giảm thời gian làm việc có thể gây ra lo ngại về cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp. Họ có thể cảm thấy áp lực phải chứng minh năng lực và đạt được thành tựu trong công việc, dẫn đến việc ít ưu tiên cho các mối quan hệ cá nhân.
Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh nghề nghiệp ngày càng cao, việc giảm giờ làm có thể khiến người trẻ cảm thấy họ cần phải làm việc nhiều hơn ngoài giờ để đáp ứng yêu cầu công việc... Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giúp người trẻ có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa xây dựng được các mối quan hệ tình cảm bền vững.
Bình luận về mặt trái của việc giảm giờ làm, bạn Hoài Thương viết: "Việc giảm giờ làm nếu không đi kèm với các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cụ thể thì có thể trở thành một con dao hai lưỡi. Thay vì tạo điều kiện cho bạn trẻ tìm kiếm mối quan hệ và xây dựng gia đình, nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục đắm chìm trong thế giới ảo, nơi các thiết bị điện tử và mạng xã hội thống trị cuộc sống hàng ngày".
Một số bình luận khác của cộng đồng mạng về chủ đề này như:
"6h sáng ra khỏi nhà tới 18h tối về tới nhà. Nghỉ, thở, ăn, uống... mệt không muốn nói chuyện với ai chứ đừng nói đi đâu";
"Hiện có 3 thứ cần giải quyết ngay đó là lương, nhà và xe. Giải quyết xong là không lo nghĩ. Còn bạn đời thì kiếm lâu quá, thời nay các bạn nữ còn kén nữa...";
"Làm từ sáng 9h tới 20h, về đi chợ nấu cơm cái hết buổi tối, giặt đồ cái nữa tới khuya, ngủ tới 8h dậy cái đi làm tiếp. Full 24h không ngừng nghỉ thì sao kiếm được người yêu";
"Công ty tôi mới tăng giờ và tăng lương với mục đích hạn chế phát sinh làm ngoài giờ. Giữa tiền và tình nay chỉ được chọn 1"...
Tới 62% bạn trẻ lựa chọn kết hôn sau tuổi 30 vì vẫn còn nỗi lo cơm áo gạo tiền; 18% bạn trẻ cho rằng kết hôn muộn vì chưa tìm được đối tượng phù hợp. Số liệu trên được trích dẫn từ một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 với hơn 400 nghìn bạn trẻ trả lời. Trong nghiên cứu về "Xu hướng kết hôn ở Việt Nam và khu vực Đông Á: Hai thập niên nhìn lại" của Trần Thị Minh Thi (Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2022), trong 4 năm trở lại đây số lượng kết hôn giảm liên tiếp, trong đó hai năm 2020 - 2021 có số cuộc kết hôn thấp nhất. |
Hai công ty ở Trung Quốc cho nhân viên nữ nghỉ phép 8 ngày để có thể tìm được tình yêu của đời mình.
Nguồn: [Link nguồn]