Đây là cách người Nhật làm để cuộc sống hạnh phúc hơn
Người dân xứ sở hoa anh đào cho rằng càng ít tốn tiền và thời gian để “sưu tập” những món đồ thừa thãi thì ngôi nhà của họ sẽ gọn gàng và con người cũng hạnh phúc hơn.
Người Nhật ngày càng chuộng lối sống tối giản. Trận động đất mạnh 9 độ Richter năm 2011 ở Nhật Bản giết chết 20.000 người khiến nhiều người thay đổi quan niệm có nên sở hữu quá nhiều món đồ không cần thiết hay không.
Trung bình, 30-50% trường hợp bị thương trong các trận động đất là do đồ vật đè lên. Hơn nữa, lí do khiến người Nhật yêu thích “danshari” là vì giá thuê phòng, chi phí ở Nhật rất đắt đỏ, nếu ôm đồm quá nhiều đồ vật, họ sẽ phải cần hững căn phòng rộng, tốn nhiều chi phí không cần thiết.
Ít đồ đạc đồng nghĩa với có nhiều không gian hơn.
Anh Fumio Sasaki (36 tuổi), biên tập viên một nhà xuất bản hiện sống trong căn hộ một phòng tại Tokyo với diện tích 20m2. Anh sở hữu vỏn vẹn ba chiếc áo sơ mi, bốn quần tây, bốn đôi vớ và một số món đồ thiết yếu khác. Căn phòng tinh tươm, gọn ghẽ đến nỗi khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Không phải Fumio Sasaki không có điều kiện mua sắm. Lương của anh khá cao, nhưng anh chọn cách sống tối giản, chỉ mua những gì mình thật sự cần và số lượng các món đồ cũng được tính toán sít sao với nhu cầu, tuyệt đối không mua dư.
Đây là một cách giúp cuộc sống của bạn trở nên đơn giản và dễ chịu hơn.
Fumio Sasaki từng là nhà sưu tầm đĩa CD và DVD với những chồng đĩa cao ngất của nhiều nhóm nhạc. Khi ấy, đó là tài sản vô giá, quý hơn tất cả mọi thứ anh có. Nhưng Fumio dần nhận ra, những thứ này không khác gì một gánh nặng bởi anh phải dành nhiều tâm sức, thời gian giữ gìn. Anh thấy mình bị phụ thuộc vào chúng. Cuối cùng, anh quyết định đem bán và tặng bạn bè những đĩa nhạc họ yêu thích.
Anh Fumio Sasaki sở hữu vỏn vẹn ba chiếc áo sơ mi, bốn quần tây, bốn đôi vớ và một số món đồ thiết yếu khác.
Đổi lại, anh có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, không gian sống của anh thoáng rộng hơn và hơn hết, anh không còn cảm giác lo âu khi làm lạc mất hay hư hỏng một vài đĩa nhạc.
Anh chia sẻ: “Thay vì dành thời gian lau chùi đĩa, lùng sục đĩa mới, tôi dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch mà chẳng hề vướng bận gì. Tôi chủ động hơn với cuộc sống của mình”.
Phong cách sống tối giản nhưng tinh tế phổ biến ở Nhật Bản dưới tên gọi “danshari” tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch: không lưu giữ những thứ không buộc phải có.
Không gian làm việc chỉ gói gọn trong một chiếc bàn với sổ tay, điện thoại và laptop.
Kota Iko (26 tuổi), là nhà sản xuất âm nhạc cũng chuộng lối sống tối giản. Vật bất ly thân của anh là chiếc ba lô với đầy đủ công cụ làm việc gồm máy tính cá nhân, máy ảnh, điện thoại thông minh và một số vật dụng thiết yếu khác. Dù anh ở nhà hay ở ngoài, không gian làm việc của anh cũng gói gọn trong ba lô. Bất cứ khi nào, Kota đều có thể xách ba lô lên và di chuyển.
Sống cùng phương châm “thảnh thơi với việc sở hữu” không còn là lựa chọn của riêng người Nhật mà đã lan tỏa thành xu hướng của thời đại.
Tư vấn viên người Nhật Marie Kondo năm 2015 đã được tạp chí TIME bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vì cô đã truyền cảm hứng sống tối giản, tinh tế đến với nhiều người. Cô viết cuốn sách The life-changing magic of tidying up (Cuộc sống thay đổi kì diệu nhờ biết sắp xếp).
Mọi thứ đều trong tầm tay.
Eriko Yoshikawa là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn về lối sống tối giản. Cô từng tổ chức các khóa học về cách lưu trữ đồ dùng và giữ gìn nhà cửa gọn gàng. "Điều quan trọng là bạn phải cẩn thận ngay từ khi mua sắm. Bạn chỉ nên chọn những thứ có mục đích sử dụng rõ ràng", Eriko đưa ra lời khuyên.
Bản thân Eriko cũng từng mua những món đồ chỉ vì chúng rẻ và trông có vẻ đẹp. Nhưng hiện giờ, tất cả các thứ trong nhà là đồ mà Eriko cần sử dụng liên tục. Sở hữu nhiều đồ dùng không còn là dấu hiệu của sự giàu sang.
Theo một nhân viên của Viện Sáng kiến Dentsu (Tokyo), một số người đã cảm thấy chán với cơn bão hàng giá rẻ chỉ đem lại sự thỏa mãn nhất thời. Họ đang dịch chuyển sang việc cân nhắc kĩ lưỡng trước khi mua bất cứ thứ gì.
Chủ nghĩa tối giản đồng nghĩa với chỉ có những vật dụng đơn giản, nhưng như vậy không có nghĩa là những đồ đạc đó không đẹp.
Tất cả mọi đồ đạc đều có chỗ của riêng chúng.
Nghệ thuật sắp xếp vật dụng có tên KonMari không phải là phương pháp quá cao siêu mà đơn giản gói gọn trong những ý chính: tập hợp tất cả các món đồ trong gia đình; nhìn qua tất cả; cầm từng món đồ và cảm nhận nó có mang lại cho bạn niềm vui không; nếu có thì giữ lại, nếu không thì vứt đi.
Cuốn sách của KonMari liên tục làm mưa làm gió, tạo nên hiện tượng đối với người tiêu dùng châu Á và phương Tây, truyền tải tinh thần “danshari” cho mọi người nhìn thấy rõ bước chuyển từ sự lộn xộn, bừa bãi đến sự tinh gọn.