Dạy con tiêu tiền thế nào cho đúng ngay từ nhỏ?
Việc dạy con tiêu tiền thế nào cho đúng từ nhỏ là điều vô cùng quan trọng vì nó có ảnh hưởng lớn đến con bạn sau này khi đã trưởng thành.
Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có rất nhiều cách dạy con nhỏ cách tiêu tiền sao cho đúng. Có người chia sẻ kinh nghiệm bản thân, có người lại trích dẫn cách dạy con của nước ngoài vì tin rằng nó hiệu quả.
Trong lúc các con phải nghỉ học ở nhà để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, nhiều cha mẹ bắt đầu hướng dẫn, dạy con cách tiêu tiền. Dưới đây là phương pháp dạy con tiêu tiền của chuyên gia tâm lý Bùi Minh Tú được các bậc cha mẹ rần rần hưởng ứng.
Cô Tú cho hay, cô dạy con tiêu tiền theo nguyên tắc 6 chiếc lọ.
Chuyên gia tâm lý dạy con chi tiêu số tiền hiện có theo quy tắc 6 chiếc lọ. Ảnh minh họa
"Khi con gái vào phòng khoe có đôi bông tai mới, và ôm theo "tổng kiểm kê tài sản" được hơn 1,7 triệu đồng tiền lì xì, tôi đã gọi cậu con trai ôm tiền lì xì ra theo, rồi bảo các con cùng ngồi để hướng dẫn con chia 6 chiếc lọ sao cho đúng. Con gái liến thoắng:
- Con biết 10% hưởng thụ là "ăn chơi" là muốn làm gì làm, má không được có ý kiến. 5% "cho đi" con thấy cũng đủ rồi, không cần thêm.
Tôi nhìn cách tiêu tiền của con trên tờ giấy, ngạc nhiên hỏi:
- Sao con cho đi có 5% (lọ giúp đỡ người khác) mà chi tiêu vui chơi (lọ hưởng thụ) 10% - thế có cân bằng không? Rồi 10% cho phát triển bản thân (lọ giáo dục) con sẽ làm gì?
Thấy con tần ngần chưa trả lời được, tôi hướng dẫn:
- Con muốn để dành tiền đi học đại học thì bỏ vào lọ "giáo dục" (còn gọi là phát triển bản thân). Đầu tư học tập phát triển bản thân rất quan trọng, kẻo khi đi làm rồi nhiều người không muốn đầu tư vào học nữa. Khoản 10% này sẽ dành cho nâng cấp mình ở mọi khía cạnh, như má đầu tư cho học hành nhiều lắm, ít nhất phải 50% chứ không phải là 10% (như nguyên tắc 6 cái lọ).
Tôi nói thêm với con về "nhu cầu thiết yếu" gồm ăn uống chi tiêu chiếm 55% nhiều quá, vì các con còn nhỏ chưa phải chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu nhiều như thế. Vì vậy má phụ trách 55% này của con, và con có thể phân bổ tỷ lệ lại theo mục tiêu riêng (như khi con lớn sẽ có tỷ lệ chi tiêu hàng ngày). Má vẫn bỏ tiền chợ vào đây, rồi chi ra để con hiểu được mức chi tiêu của mình.
Bắt đầu chia lọ, tôi hướng dẫn con không cần chia theo thứ tự như trong bảng hướng dẫn, mà chọn lọ "cho đi" đầu tiên để bỏ vào: 5% cho đi là 90 ngàn đồng, con có thể bỏ vào 100 đồng cho tròn.
Con gái nhíu mày chút xíu, rồi mỉm cười bỏ đúng 90 ngàn đồng. Con trai bỏ vào vô tư hơn vì rất hào phóng.
Tiếp đó là lo "Đầu tư tự do tài chính", các con còn bé chưa biết cụ thể nó là gì, nhưng tạm hiểu là "cần tái đầu tư những gì mình có".
Rồi tới lọ "Phát triển bản thân" hai con trẻ bỏ vào rất tự tin - má rất vui khi nhìn thấy sự ham học của các con....
Lọ "Tiêu dùng dài hạn" được bỏ vào sau cùng, vì khi nào sửa nhà các con sẽ mua sắm đồ riêng.
Cứ thế tôi dạy con chia số tiền đã có ra 6 cái lọ. Còn dư lại 170 ngàn, tôi hỏi con phân bổ thế nào? Con gái liền lấy 20 ngàn bỏ vào lọ "cho đi", 100 ngàn bỏ vào đi học và… vừa cười vừa bỏ thêm 50 ngàn vào phần được tự do tiêu xài.
Các con đang lớn khôn, nhìn thái độ của các con đối với đồng tiền tôi thấy vui vì biết các con đã có ý thức "cho đi", tuy chưa cần cho nhiều. Các con thích "học hành" và bắt đầu chi tiêu độc lập, chịu trách nhiệm với bản thân cao hơn.
Trong cuộc sống người lớn có nhiều cách để kiếm tiền, nhưng chỉ cần tiêu sai một bước thì sẽ sai cả đời nếu không nhận ra sớm. Vì vậy mỗi người ngoài học cách kiếm tiền cần học cả cách tiêu tiền sao cho hợp lý.
Trẻ nhỏ có khả năng tiếp thu rất cao, biết lắng nghe và luôn hào hứng khi học được những điều mới. Quan trọng là cha mẹ cần giúp con phát triển nó thành thói quen, học cách tiêu tiền cho hợp lý trên tổng số tiền mình có".
Để dạy con tiêu tiền sao cho hiệu quả, cha mẹ cần làm gương tốt cho con.
Ngoài việc áp dụng phương pháp dạy con tiêu tiền thì một cách tốt nhất là cha mẹ hãy làm gương trong việc chi tiêu cho con noi theo. Khi cha mẹ lên kế hoạch cho một chuyến đi đến cửa hàng tạp hóa, hãy yêu cầu con lập một danh sách mua hàng và chỉ mua đúng danh sách đó. Điều này ngăn ngừa trẻ mua sắm lung tung, tùy tiện. Đối với các bé lớn hơn, hãy chỉ cho trẻ cách so sánh giá của mặt hàng trên internet và nghiên cứu kĩ trước khi mua hàng.
Cho con hiểu tầm quan trọng của sự linh hoạt và khả năng thích nghi để đối phó với cuộc sống.
Nguồn: [Link nguồn]