Đâu dễ “dạy” chồng!

Nhiều chị “huấn luyện” chồng biết chia sẻ việc nhà cùng vợ nhưng có người lại làm cho đấng phu quân bực bội, hạnh phúc lung lay...

Chị tôi ở nước ngoài gửi quà về và nhờ đem biếu chị Minh, bạn thân của chị. Dù nhiều lần ghé chơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp chồng chị Minh. Sau khi nghe vợ giới thiệu, anh cười thân thiện: “Nghe Minh nói nhiều về em, nay mới gặp. Em uống nước cam nhé, anh pha”. Thật bất ngờ trước sự ga-lăng của anh, tôi hỏi nhỏ chị Minh: “Chị có bí quyết gì mà “dạy” anh giỏi giang thế này?”. Chị cười: “Cũng có chút mẹo nhỏ”.

Kiên trì “cải tạo”

Chị Minh cho biết anh Quân, chồng chị, là một kỹ sư giỏi nhưng vô cùng vụng về việc nhà. Thế nhưng, chị chẳng ngại, cũng chẳng lấy làm khó chịu mà kiên trì “cải tạo” chồng.

Chị bắt đầu “huấn luyện” anh từ chuyện rửa chén. Ngày đầu, anh làm bể 2 cái chén, 1 cái tô nhưng chị vẫn nhẹ nhàng: “Không sao đâu anh, từ từ sẽ quen”. Đến việc vào bếp, ban đầu anh cũng làm cháy hết một cái chảo nhưng chị vẫn bình thản: “Không sao, học phí vầy còn rẻ chán mà anh”.

Kết quả hiện nay thì thật tuyệt vời. “Những hôm chị bận việc, anh đều vào bếp làm ngon lành, thuần thục. Giờ anh nấu ăn còn khéo hơn chị, đặc biệt là món cá kho, đầu bếp nhà hàng nấu cũng không bằng” - chị Minh khoe.

Anh Quân vừa bưng nước lên, nghe vợ kể, anh không bực bội mà vui vẻ phụ họa: “Anh được như ngày nay là nhờ công vợ đó! Chị không chê bai mà luôn khích lệ anh”.

Ở cơ quan tôi, ai cũng “nể” chị Lệ vì chưa bao giờ càm ràm chuyện anh Hùng, chồng chị, nhậu nhẹt. Trong khi đó, các chị khác luôn ta thán chồng suốt ngày say xỉn, chè chén, chẳng quan tâm gì đến gia đình, vợ con.

Khi mọi người hỏi, Lệ cười: “Đàn ông nào mà chẳng có bạn bè? Mình càng cấm cản, mấy ổng càng tự ái làm tới. Tốt nhất là làm sao cho họ thấy thoải mái với bạn bè nhưng không quên vợ đang chờ đợi, lo lắng cho mình ở nhà. Vì vậy, đi nhậu ở đâu, với ai, anh ấy đều gọi điện “xin phép”, bữa nào lỡ uống nhiều quá thì gọi vợ tới chở về. Thỉnh thoảng có đồ ăn ngon, tôi bảo anh ấy rủ bạn bè về nhà lai rai. Giờ đây nghe nhậu ở nhà tôi, bạn bè của anh ấy rất thích”.

Đâu dễ “dạy” chồng! - 1

Chị em nào cũng muốn có người chồng tốt, biết quan tâm đến gia đình nhưng không phải ai cũng biết cách “dạy” chồng (Ảnh minh họa)

Quá tay!

Nhiều chị “dạy” chồng trở nên giỏi giang, khôn khéo nhưng không ít người làm đấng phu quân phật ý vì cách trịch thượng, xem thường chồng. Điển hình là trường hợp chị Linh, trưởng phòng nhân sự một công ty quảng cáo tại quận 1, TP HCM.

Chị Linh vốn là con nhà giàu nhưng lấy anh Quyền là con một gia đình nông dân nghèo ở miền Trung. Vì hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội khác nhau nên lối sống 2 người hoàn toàn trái ngược. Quyết tâm “cải tạo” chồng nên chị Linh gần như “ra lệnh” cho anh phải nghe theo chị tất tần tật, từ chuyện ăn uống đến mặc cái gì, sắm xe nào, quan hệ với ai... Ban đầu, anh Quyền cũng đồng tình vì nghĩ vợ muốn tốt cho mình nhưng càng ngày, anh càng cảm thấy nghẹt thở. “Tôi không biết mình là chồng hay là con của cô ấy nữa?” - anh than thở.

Cũng có trường hợp nhiều chị “dạy quá tay” dẫn đến rạn nứt quan hệ vợ chồng. Nghe chị em trong phòng rỉ tai nhau: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy chồng từ thuở... lơ ngơ mới về” nên Thúy - nhân viên một công ty tin học tại quận 5, TP HCM - quyết chẳng để chồng lấn lướt mình.

Vốn có võ, lại ăn to, nói lớn nên chồng làm điều gì phật ý, Thúy quát nạt ngay, thậm chí... đánh cả anh. Tuần trước, chẳng vừa ý chuyện tiền nong, Thúy lao đến đấm đá, tát vào mặt chồng. Chồng Thúy đã xách giỏ về nhà cha mẹ ruột ở vì chịu không nổi kiểu “dạy” quá bạo lực của vợ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Hà (Người lao động)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN