Dâu có công, mẹ chồng không phụ
Tôi vẫn luôn tin rằng, nếu mình cố gắng, mẹ chồng sẽ hiểu và yêu thương tôi hơn!
Cuối năm công việc bận lu bù, đang quay cuồng với một mớ bòng bong sổ sách thì tôi nhận được điện thoại khẩn cấp của mẹ chồng. Giọng bà hối thúc vội vã như sắp cháy nhà tới nơi: “Mấy giờ chị về?”, “Cái gì? 5 giờ? Sao mà muộn thế?”, “Thôi thôi không phải lý do lý trấu, tôi còn lạ gì, cái cơ quan của chị chỉ giỏi tán phét. Nghe tôi dặn đây. Tan làm chị tạt vào chợ mua thêm ít đồ ăn giúp tôi nhá. Lấy giấy bút ghi nhanh không quên này…”. Chiếc bút máy lia đều trên trang giấy liệt kê ra một danh sách đồ ăn dãi ngoằng ngoẵng. Rồi chưa đợi tôi kịp hỏi han gì, mẹ chồng đã dập máy đánh cụp một cái.
Gần 6 giờ tối, tôi xách theo lỉnh kỉnh túi lớn túi bé về nhà, vừa bước chân đến bậc cửa đã nghe thấy tiếng cười sang sảng của mẹ chồng. Không biết hôm nay bà trúng số độc đắc hay là được đề đây? Tôi đang đứng ngẩn ngơ ở ngoài cửa thì bé Bông lon ton chạy ra kéo chân mẹ:
- Mẹ về, mau mẹ ơi, người yêu chú Thành tặng nhà ông bà cây đào to và đẹp cực.
Hóa ra là thế, khách quý mà mẹ tôi tiếp đón hôm nay là nàng dâu tương lai. Cúi xuống nhìn đống đồ ăn trong tay mà lòng tôi lạnh ngắt. Hơn hai năm về làm dâu nhưng chưa có cái Tết nào tôi mua nổi một nụ cười của mẹ chồng. Vậy mà cô gái ấy mới gặp mẹ có hai, ba lần nhưng dường như đôi bên đã thân thiết, gần gũi lắm. Bữa cơm tối mẹ cười không ngớt, luôn miệng khen người yêu chú út và cảm ơn ông bà bên ấy rối rít. Cây đào được mẹ đặt trang trọng trong phòng khách, dặn người làm chăm sóc cẩn thận. Mẹ bảo:
- Đào thế mới là đào. Cái thế cây nhìn đã thấy phát tài phát lộc. Ông bà bên ấy quả là có lòng.
Tôi biết mẹ nói to thế là cố ý để tôi nghe thấy. Bố mẹ chồng tôi đều là dân kinh doanh có máu mặt trong thành phố, gia đình cũng thuộc hàng “danh gia vọng tộc”. Chồng tôi là con thứ hai, trên còn một anh trai, dưới còn một cậu út. Anh trai chồng tôi lấy vợ rồi định cư hẳn bên Pháp. Chị dâu là Việt Kiều, gia cảnh cũng thuộc hàng nhất nhì thành phố. Anh chị chẳng mấy khi về nước nên thành ra trong nhà, vợ chồng tôi được cất nhắc lên làm trưởng. Lễ tết, giỗ chạp đều đến phiên nhà tôi lo liệu.
Tôi vốn xuất thân ở nông thôn, cha mẹ tôi là nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cuộc hôn nhân của tôi vốn không môn đăng hộ đối. Tôi biết trong mắt mẹ chồng, tôi chỉ là đứa con gái tham giàu sang phú quý nên “cứ bám lấy con bà”. Quả thực, vợ chồng tôi đến được với nhau cũng trải qua trăm đắng nghìn cay. Nếu chẳng nhờ có ông thầy bói phán: mệnh tôi với chồng hợp nhau, lấy tôi, gia đình chồng sẽ ngày càng ăn nên làm ra thì có lẽ giờ này hai đứa đã mỗi người một phương.
Tết đến là dịp để con cái tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ nhưng chưa năm nào tôi tặng quà mà mẹ chồng ưng ý. Tặng đồ rẻ quá thì mẹ chê: “Người giúp việc nhà này cũng không xài đồ như thế”, tặng đồ đắt quá thì mẹ lại bảo: “Cô chỉ giỏi bóc lột chồng, lương cô ba cọc ba đồng làm gì đủ mà mua thứ đắt tiền như vậy”.
Tôi biết, chưa một ngày nào bố mẹ thực lòng an tâm về tôi... (Ảnh minh họa)
Cha mẹ tôi ở quê, hàng năm đều chắt bóp mua quà gửi lên biếu gia đình chồng, tuy chẳng có gì đáng giá nhưng đó là tấm lòng của bố mẹ. Đôi gà trống mẹ tự tay chăm sóc, nuôi nấng để dành cho ông bà thông gia từ lúc chúng còn bé tí, hơn ba chục cân gạo nếp và gạo tám ngon, cha tôi đích thân gặt hái, phơi phong và cẩn thận đong đếm từng cân. Ấy vậy mà năm nào mẹ chồng cũng đón nhận những thứ quà tình nghĩa ấy với vẻ mặt khinh khỉnh. Rồi bà đem gà và gạo làm quà thưởng tết cho osin.
Bây giờ nhìn mẹ chồng nâng từng chiếc lá, hứng từng bông hoa đào của cô em dâu tương lai, tôi chỉ biết cười nhạt. Mẹ yêu cây đào ấy chỉ vì người yêu chú út là gái Hà Thành chính gốc, bố cô ấy làm quan, có nhà biệt thự ba mặt tiền ở khu phố đắt đỏ vào hạng bấc nhất thành phố.
Tôi nhấc điện thoại định gọi về bảo bố mẹ năm nay không cần gửi quà chúc Tết ông bà trên này nữa, người ta chẳng cần mấy món đồ dân dã ấy đâu... nhưng bấm số đến nửa chừng lại thôi. Tôi đi làm dâu nhà người, tuy trong mắt bà con làng xóm được gả cho nhà giàu có là cái phước phận "tu ba đời bảy kiếp". Nhưng tôi biết, chưa một ngày nào bố mẹ thực lòng an tâm về tôi. Mẹ tôi lo trăm mối nghìn bề, lo tôi vụng về làm mẹ chồng phật ý, lo gia cảnh hai nhà bấp bênh khiến tôi bị coi thường,…
Càng gần đến Tết, lòng tôi càng rối như tơ vò, nghĩ đến tặng quà gì cho mẹ chồng mà nản chí. Bà chị dâu bên Pháp chỉ cần gọi một cú điện thoại, nói ba câu chúc Tết ngọng líu ngọng lô cũng khiến mẹ cười hỉ hả, còn cái thân tôi... Đem tâm sự hỏi chồng thì trăm năm chỉ có một đáp án duy nhất: “Tùy em...”.
Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định năm nay sẽ tặng quà "độc" cho bố mẹ chồng. Mẹ chồng tôi có tính mê tín, hằng năm ra Tết là thể nào bà cũng lùng mấy ông thầy nổi tiếng gần xa để xem bói, rồi đến các đền thiêng hầu đồng hầu bóng. Tôi bỏ ra hơn một tháng trời, nghe ngóng nơi này nơi nọ, xem có ông thầy bói toán nào có tiếng tăm và uy tín, xếp hàng lên lịch hẹn bằng được cho mẹ chồng. Nghe phong phanh mẹ nói chuyện với mấy người bạn, năm nay muốn mời ông thầy cúng A ở Nam Định lên cúng đầu năm, mà ngặt nỗi ông ấy kín lịch quá khó gặp. Tôi chớp thời cơ, bám đuôi hẹn ông thầy cho kỳ được. Xong xuôi đâu đấy, tôi hý hửng gõ cửa phòng mẹ:
- Mẹ ơi con có việc muốn hỏi mẹ.
Bà nhìn tôi chẳng mấy thiện cảm nhưng tôi mặc kệ... tôi cứ đẩy cửa vào:
- Có việc gì?
- Hôm nay con nghe mấy chị ở cơ quan nói có mấy ông thầy xem bói hay lắm. Các sếp bà ở cơ quan con kéo nhau đi xem đông như trảy hội.
Mắt mẹ chồng sáng long lanh, ngồi nhích sang một bên, nhường cho tôi cả một nửa cái ghế.
- Thế có chính xác không?
- Thấy sếp con khen lắm mẹ ạ. Chuẩn không cần chỉnh. Con lên lịch hẹn cho mẹ nhé!
- Đông thế giờ mới hẹn có kịp không?
- Con đã liên lạc trước rồi, chỉ cần mẹ duyệt là con đóng dấu thôi. Ra Tết con đưa mẹ đi. Con lấy bằng lái ô tô rồi, mẹ không cần mượn tài xế của bố nữa nhá. À, bữa trước con nghe mẹ bảo năm nay muốn mời thầy A đến lễ đầu năm cho nhà mình. Con mời được thầy rồi đấy mẹ ạ. Thầy hẹn mồng sáu âm năm nay là đẹp ngày nhất.
- Thật thế hả. Gớm tự nhiên năm nay chị lanh lợi thế. Tết này chị có công lớn nhất nhà rồi. - Mẹ cười tít cả mắt, khiến tôi đờ đẫn cả người.
Cuối cùng thì mẹ chồng cũng cười với tôi rồi. Trước khi ra khỏi phòng tôi không quên nịnh nọt:
- Con được thế này là nhờ mẹ chỉ dạy hết đấy ạ!
- À này...
- Dạ!
- Năm nay dặn cô ôsin giữ lại gà với gạo bố mẹ chị gửi lên cho tôi nhá. Ra Tết cúng đầu năm.
- Vâng ạ!
- Mà chị đã chuẩn bị quà gửi về cho ông bà thông gia giúp tôi chưa. Mà thôi thôi, tôi chẳng yên tâm với con mắt của chị. Năm nay để tôi tự đi sắm cho ông bà bên ấy.
Tôi được mẹ chồng “thụ sủng mà nhược kinh”, chẳng nhớ mình đi hay bay về phòng nữa. Sung sướng thông báo với ông xã đang chổng mông chơi đồ hàng với con gái.
- Này cuối cùng năm nay mẹ cũng nhận quà Tết của em rồi nhá. Cười rồi nhá. Tươi như hoa loa kèn.
- Cái gì? - Ông xã nhảy dựng lên ôm tôi. - Đấy tặng quà gì vậy? Gan giời hay là râu rồng hả?
- Bí mật!
Tôi cười hỉ hả. Quà này đảm bảo con dâu cả và út của mẹ không nghĩ ra. Có đôi khi thật lòng tôi cũng giận mẹ chồng vì bên trọng bên khinh, cũng uất ức muốn “tạo phản”. Nhưng rồi nghĩ lại mẹ là người sinh ra chồng mình, là bà nội của con gái mình, là một phần gia đình của mình, chín bỏ làm mười, cứ cố gắng rồi có lúc mẹ sẽ hiểu và yêu thương tôi.