Đạt 26,75 điểm, nữ sinh không dám nộp hồ sơ xét tuyển ĐH
Dù đạt số điểm khá cao nhưng nữ sinh Hà Nội vẫn không dám nghĩ đến ước mơ ĐH vì gia đình quá nghèo.
Kỳ thi ĐH 2015 đã hoàn thành với niềm hân hoan của nhiều sĩ tử đang chờ ngày nhập học để chính thức trở thành tân sinh viên. Nhưng đã không có cánh cổng trường ĐH nào dành cho Nguyễn Thị Phương (học sinh trường THPT Đồng Quan, Phú Xuyên, Hà Nội) hoặc nói đúng hơn chính em đã tự mình đóng lại những cánh cổng đó bởi, gia đình quá nghèo.
Cô học trò nghèo hiếu học Nguyễn Thị Phương
Trong kỳ thi vừa rồi, Phương dành được 26,75 điểm (tính cả 0,5 điểm vùng – PV) khối A, trong đó, Toán 9 điểm, Lý 9 điểm và Hóa đạt 8,25. Vì gia đình quá nghèo nên Phương đăng ký dự thi vào trường Học viện Cảnh sát Nhân dân để được trợ cấp, chi trả chi phí học tập. Nhưng do một sự cố đáng tiếc mà hồ sơ của Phương không được chấp nhận.
Phương kể: “Hồi tháng 4, mình phải nộp một bộ hồ sơ lên công an huyện đăng ký khối và ngành xét điểm. Lúc đó, mình lại ghi nhầm tổ hợp xét tuyển vào đại học là khối D chứ không phải là khối A như mình đã lựa chọn theo học trước đó. Cho đến đầu tháng 8, khi nộp phiếu điểm để xét tuyển ĐH, mình mới nhận ra sai sót này thì đã quá muộn. Điểm khối D của mình quá thấp, không đủ để xét tuyển vào trường”.
Trong gần 10 ngày đầu tiên xét tuyển, Phương chạy vạy khắp nơi, nộp đơn lên công an huyện, công an thành phố xin đăng ký lại khối xét tuyển nhưng đều không được. Cuối cùng, em đành bất lực chấp nhận sai sót và bỏ cuộc.
Với số điểm 26,75, Phương hoàn toàn có thể rút hồ sơ, nộp và trúng tuyển vào khác trường top đầu khác như: ĐH Ngoại thương, ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân… nhưng em không làm vậy bởi gia đình quá nghèo.
Phương chia sẻ: “Nếu không được học trong khối ngành công an, cảnh sát, không được trợ cấp, chi trả học phí thì mình không thể đi học vì nhà không có tiền. Mình biết, đầu năm các tân sinh viên đều phải nộp một khoản học phí… mà cho dù mình có xoay sở được khoản học phí đó thì cũng khó học hết được 4 năm vì nhà túng bấn quá”.
Hiện tại, Phương đi làm thêm và ôn thi lại
Phương là chị cả trong gia đình, sau Phương là cô em gái năm nay bước vào lớp 8. Bố Phương bỏ đi từ khi em vừa lên lớp 1, một mình mẹ Phương tần tảo làm ruộng và khâu màn tuyn thuê nuôi hai chị em ăn học. Cũng từ ngày bố bỏ đi, mẹ Phương buồn tủi mà sinh bệnh, phải uống thuốc hơn chục năm nay.
Ngày biết Phương gặp sai sót trong việc đăng ký tổ hợp khối xét điểm, không thể vào đại học, hai mẹ con trằn trọc, tính toán rồi lại khóc lóc suốt mấy đêm liền. Phương cũng muốn được đi học đại học như các bạn bởi em biết, với số điểm đó, em có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng vì nhà nghèo không có tiền ăn học, lại lo sau này ra trường nhiều phần chật vật nên đành bỏ cuộc. Cuối cùng, Phương quyết định không nộp hồ sơ xét tuyển đại học nữa mà ra Bắc Ninh làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống và ôn thi lại.
“Trước khi quyết định bỏ xét tuyển, mình cũng hỏi ý kiến mẹ và cô, bác trong nhà. Mọi người đều thống nhất năm sau mình thi lại vào khối ngành công an, cảnh sát để không phải lo lắng tiền học phí, ăn ở. Cũng chẳng còn cách nào khác, chỉ tiếc công mẹ bao nhiêu năm nuôi mình ăn học vất vả. Thực ra, mình biết, dù được thay đổi khối ngành xét tuyển thì với số điểm 26,75 mình vẫn không thể đỗ vào trường Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng mình vẫn muốn được xem xét lại để nộp hồ sơ vào cao đẳng hay trung cấp”, Phương giãi bày.
Phương là một học sinh khá nổi bật trong trường. Suốt ba năm cấp ba, Phương đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, từng đạt giải Khuyến khích và giả Ba cuộc thi giải Toán trên máy tính casio cấp thành phố.
Hiện tại, Phương đang bán hàng cho một siêu thị ở Từ Sơn (Bắc Ninh) với số lương 1,5 triệu/tháng. Thời gian rảnh, Phương vẫn chăm chỉ học bài để tích lũy kiến thức năm sau thi lại. Cái nghèo có thể đánh tuột cơ hội học tập của Phương trong năm nay nhưng không thể bẻ gãy ý chí học tập của một nữ sinh hiếu học.