Đang đi du học thì bố mẹ phá sản, cô gái tự trang trải tại Úc, mua nhà 9 tỷ ở tuổi 22
Cô gái xinh đẹp có một hành trình nỗ lực đáng tự hào khi vượt qua khó khăn, gây dựng sự nghiệp tại Úc.
Một trong những video "viral" của Emily Phạm
Emily Phạm (sinh năm 2000, tên thật là Lê Uyên) là cái tên nổi bật trên mạng xã hội TikTok. Cô nàng hiện là y tá hồi sức gây mê tại một bệnh viện của thành phố Melbourne (Úc), thường xuyên đăng tải video chia sẻ về cuộc sống, công việc của mình tại đất nước này.
Những video xoay quanh công việc của một y tá tại Úc của Emily thu hút hàng triệu lượt xem. Sự dễ thương của các đồng nghiệp, những vất vả, áp lực không phải ai cũng biết của một y tá hồi sức gây mê, những khoảnh khắc đầy thú vị trong cuộc sống thường ngày của một cô gái Việt định cư tại Úc… tất cả đều được Emily chia sẻ trên TikTok.
Thế nhưng, điều khiến dân mạng chú ý hơn cả là câu chuyện “đang du học thì bố mẹ phá sản” và nghị lực vượt qua biến cố gia đình, tự trang trải học phí, tự mua nhà ở tuổi 22 của Emily. Cô gái xinh đẹp đã có một hành trình đáng tự hào khi tự tìm chỗ đứng cho mình tại đất nước xa xôi.
Cùng trò chuyện với Emily, nghe cô nàng chia sẻ nhiều hơn về hành trình này:
Emily gây ấn tượng với vẻ ngoài xinh đẹp
Đang du học thì hay tin gia đình phá sản. Emily làm thế nào để gồng gánh chi phí học tập, sinh hoạt đắt đỏ ở Úc suốt khoảng thời gian đó?
Tháng 10/2018, khi du học cấp ba được 2 năm, mình hay tin công ty gia đình cháy lớn. Lúc ấy, mình đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, vừa tập trung cho kỳ thi, vừa gọi điện hỏi thăm, động viên tinh thần ba mẹ.
Mẹ mình nói: “Từ giờ con phải đi làm và tự lo tiền ăn ở sinh hoạt”. Mình thi đậu vào ngành iều dưỡng của một trường đại học ở Melbourne, bắt đầu hành trình vừa học vừa làm để nuôi sống bản thân. Đến bây giờ, nhà mình vẫn chưa trả xong món nợ từ sự cố cháy nổ năm đó.
Từ bé, dù cho mình cuộc sống đủ đầy vật chất nhưng ba mẹ vẫn dạy dỗ mình rất nghiêm khắc, đặc biệt trong chuyện tiêu tiền. Khi đi du học, ba mẹ cũng chỉ cho mình khoản tiền vừa đủ dùng, luôn dạy mình phải tiết kiệm, không mua sắm hàng hiệu, chỉ chi tiêu việc cần thiết. Nhờ thế, khi chuyện xảy ra, mình không bị mất cân bằng.
Dù gồng gánh áp lực tài chính nhưng Emily vẫn học tốt và có một công việc đáng mơ ước
Mình vừa học, vừa làm nhiều việc khác nhau, từ phục vụ ở quán cà phê cho đến gia sư cho học sinh lớp 12. Vừa học, vừa làm, vừa đi thực tập, mình không có thời gian xài tiền mà chỉ có thời gian kiếm tiền.
Học năm thứ 2 cử nhân điều dưỡng, mình xin làm phụ tá với mức lương gấp đôi công việc phục vụ. COVID-19 ập tới, mình có nhiều việc hơn. Mình làm xuyên trưa, xuyên tối để có tiền trang trải cuộc sống. Dần dần, mọi khó khăn cũng qua…
Khoảng thời gian đó, có lúc nào Emily muốn từ bỏ việc học tại Úc, trở về Việt Nam vì áp lực học tập và kiếm tiền?
Có một thời gian mình làm công việc chăm sóc người khuyết tật và bệnh nhân tâm thần. Việc này kiếm được rất nhiều tiền nhưng đổi lại là những tình huống nguy hiểm khi bệnh nhân lên cơn đánh mình. Vừa đau đớn về thể chất, tinh thần, vừa áp lực bài vở, thi cử, mình stress và bất lực.
Nhưng mình chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Mình luôn tin một điều rằng, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn và sự thật là như vậy. Mình làm, làm và làm, đến năm 3 đại học dư được 10.000 USD. Mình tự lo tất cả các loại chi phí: xe cộ, nhà ở, ăn uống, tiền làm visa…
Học xong, mình xin được công việc y tá với mức lương cao hơn. Cuộc sống trở nên cân bằng hơn. Giờ đây nhìn lại, mình thật sự tự hào vì đã vượt qua được mọi khó khăn.
Emily từng trải qua khoảng thời gian đầy áp lực, stress
Tại sao Emily lại chọn ngành điều dưỡng, trở thành một y tá và làm y tá ở Úc có những khó khăn gì?
Mình chưa từng nghĩ sẽ theo học ngành này cho đến khi ba mẹ gợi ý, học y tá sẽ dễ định cư ở Úc. Mình nghe lời vì muốn làm vui lòng ba mẹ.
Nếu không có áp lực tài chính thì 3 năm đại học của mình sẽ đơn giản hơn. Mình dành phần lớn thời gian để đi làm nên việc học chủ yếu chỉ để qua môn. 3 năm học, mình không rớt môn nào nhưng chỉ tốt nghiệp loại khá với GPA 5.2/7.0.
Làm y tá ở Úc mình thấy khó nhất là phần tiếng Anh vì Úc là quốc gia đa văn hóa. Dù mọi người cùng nói tiếng Anh nhưng mỗi người lại có chất giọng khác nhau nên khó giao tiếp. Hơn nữa, tiếng Anh ngành Y khá phức tạp nên mình vẫn đang trau dồi kiến thức để phát triển công việc của mình.
Bên dưới những video của Emily, nhiều người thắc mắc về những điều thú vị, thách thức và mức lương của một y tá ở Úc. Emily giải đáp một chút nhé?
Mình nghĩ, làm trong ngành Y thì ở Việt Nam, Úc hay bất kỳ đất nước nào cũng có khó khăn, thử thách, thú vị riêng. Ngành y tá có nhiều lựa chọn, lương y tá sẽ tăng theo từng năm và sẽ tăng thêm nếu học thêm bằng cấp. Làm công việc này, mình cần sức khỏe vì nhiều lúc chăm sóc bệnh nhân 100-200kg. Y tế ở Úc bị nhiều người phàn nàn là lâu bởi, cái gì cũng phải theo quy trình, an toàn.
Cô nàng dành phần lớn thời gian sinh viên của mình để đi làm thêm
Bệnh viện quan tâm bệnh nhân và cũng quan tâm sức khoẻ của nhân viên. Khi quá tải, bệnh nhân phải đợi vì càng thúc ép thì nhân viên mệt, nghỉ… tình trạng quá tải càng trầm trọng hơn. Ở Úc cấm các nhân viên y tế nhận hối lộ nên ai cũng như ai, đều phải đợi. Bệnh nhân nào nặng hơn thì được ưu tiên cứu trước.
Cơ duyên nào đưa Emily đến với TikTok? Bạn có bất ngờ không khi những video chia sẻ khoảnh khắc đời thường của mình thu hút hàng triệu lượt xem?
Mình có ý định làm vlog từ lâu nhưng công việc bận rộn nên đến tháng 3/2023 mới có thể thực hiện. Mọi video đều được quay tự nhiên, chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm công việc và quá trình du học Úc.
Mình rất bất ngờ khi các video được mọi người yêu thích đến vậy. Nhiều bạn nói, những video đó tiếp thêm động lực học tập cho họ, mình rất vui. Thực ra, các bạn ấy cũng chính là động lực để mình tiếp tục cho ra video.
Emily có mất nhiều thời gian để lên ý tưởng và thực hiện video không?
Video của mình chủ yếu xoay quanh đời sống hàng ngày, về những điều mình trải qua ở Úc, kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân nên không mất nhiều thời gian. Mình thường mất khoảng 1 tiếng để làm xong một video, những video hài hước thì cần nhiều thời gian hơn chút.
Emily luôn tự tin về khả năng tự lập của mình
Nổi tiếng trên mạng xã hội thường có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Những bình luận nào khiến Emily buồn nhất?
Đó là điều mình đã lường trước nên mình không bất ngờ và bị ảnh hưởng. Mình đọc hết tất cả các bình luận để học hỏi, rút kinh nghiệm. Nếu là những bình luận đúng, mình sẽ tiếp thu, sửa đổi, còn nếu là những bình luận ganh ghét, công kích thì mình chọn cách bỏ qua.
Emily quyết định mua nhà 9 tỷ đồng ở Úc dù phải vay đến 90%. Tại sao bạn lại lựa chọn như vậy?
Mua nhà là bài toán kinh tế mình đã suy nghĩ từ lâu. Hiện tại, giá thuê nhà ở Úc quá đắt, khoảng 2800 USD/tháng. Trong khi đó, nếu bỏ ra 10% đặt cọc và mua căn nhà hiện tại thì mỗi tháng mình đóng khoảng 3000 USD.
Giá chênh lệch không nhiều nên mình chọn bỏ số tiền 3000 USD ra để trả cho chính căn nhà của mình. Khoản nợ cũng khiến mình áp lực nhưng đó cũng là động lực để mình làm việc chăm chỉ hơn. Ngoài ra, bạn trai cũng phụ mình trả nợ nên hiện tại mọi thứ đang khá ổn định theo đúng kế hoạch của mình.
Emily tậu nhà 9 tỷ ở tuổi 22
Ba mẹ Emily chắc hẳn rất tự hào khi bạn đã vượt qua khó khăn để có thành tựu như hiện tại?
Ba mẹ rất tự hào về mình và mình cũng biết ơn ba mẹ. Ba mẹ dạy cho mình tính tự lập, biết tiết kiệm và rèn luyện đạo đức, để khi có biến cố xảy ra, mình có đủ hành trang đứng lên và vượt qua được.
Khi gia đình phá sản, ba mẹ có thử thách riêng và mình cũng có thử thách riêng. Thật mừng là cả gia đình mình đã không bỏ cuộc. Mình tin rằng, ba mẹ cố gắng vượt qua là vì mình, còn mình cố gắng là vì ba mẹ. Tình yêu thương là thứ mà ba mẹ và mình tự hào nhất về nhau.
Chân thành cảm ơn những chia sẻ của Emily!
Sở hữu nhan sắc xinh đẹp, "Thảo Da Ua" khiến nhiều người tò mò về độ tuổi thật và đời tư của cô nàng.
Nguồn: [Link nguồn]